Quê nghèo xác xơ vì 'bão' dịch tả

Quê nghèo thị trấn Phú Đa (H. Phú Vang, TT-Huế) có hơn 3.000 hộ dân thì phần lớn sống nhờ nghề làm ruộng và chăn nuôi lợn. Ấy thế mà, hơn 3 tháng nay, kể từ khi dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) càn quét qua, miền quê Phú Đa đã nghèo lại càng thêm khốn đốn, đời sống người dân giờ đây muôn vàn nỗi khó khăn chất chồng.

Quê nghèo thị trấn Phú Đa (H. Phú Vang, TT-Huế) có hơn 3.000 hộ dân thì phần lớn sống nhờ nghề làm ruộng và chăn nuôi lợn. Ấy thế mà, hơn 3 tháng nay, kể từ khi dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) càn quét qua, miền quê Phú Đa đã nghèo lại càng thêm khốn đốn, đời sống người dân giờ đây muôn vàn nỗi khó khăn chất chồng.

Nhiều trang trại lợn nái của hộ ông Thà đang bỏ không.

Nhiều trang trại lợn nái của hộ ông Thà đang bỏ không.

Chúng tôi về thị trấn Phú Đa, một trong số xã, thị trấn có số lợn mắc DTLCP nhiều nhất của tỉnh TT-Huế. Tại chợ Phú Đa những hàng bán thịt cũng vơi dần. Nhiều tiểu thương cho biết, DTLCP bùng phát hơn 3 tháng nay nhưng vẫn chưa dừng lại. Nhiều hộ gia đình chăn nuôi cố bám trụ với đàn lợn dần rơi rụng nhưng xem ra không còn hiệu quả khi những ngày cuối tháng 8, lợn tiếp tục nhiễm bệnh phải mang đi chôn lấp. Có mặt tại tổ dân phố Lam Đức Trung, nhiều gia trại lợn với quy mô từ 50 đến 200 cũng đã "phơi" chuồng. Ông Trần Nhơn Thà (72 tuổi) và anh Trần Nhơn Huynh (40 tuổi) nhìn chuồng trại xơ xác mà không khỏi xót xa. "Nuôi lợn nhiều năm rồi, lần đầu tiên tôi mới thấy cảnh trong chuồng không còn con nào", ông Thà nghẹn ngào. Ông Thà kể, khoảng cuối tháng 5-2019, dịch tả lợn bùng phát ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh, sau đó lan về đến thị trấn Phú Đa. "Ở đây, người dân chăn nuôi lợn rất nhiều, trong đó nuôi quy mô cũng có hàng chục hộ. Nhưng rồi, dịch đến bất ngờ, người dân không kịp trở tay. Gần 200 con lợn nái và lợn thịt của gia đình cũng lần lượt "ra đi". Hiện, số tiền bột khoảng 150 triệu đồng, gia đình vẫn chưa thể chi trả"- ông Thà ngậm ngùi.

Ông Võ Câm (62 tuổi) ở tổ dân phố Lam Đức Trung là hộ nghèo. Cả gia đình 6 miệng ăn đều nhờ vào nghề chăn nuôi đàn lợn chưa đầy 10 con. Vậy mà, khi DTLCP ập đến, toàn bộ số lợn của ông Câm đều nhiễm bệnh và được đưa đi tiêu hủy. Cạnh đó, hộ nghèo Lê Thị Thắm cũng rơi vào cảnh tương tự. "Mấy năm trước, gần đến giai đoạn nhập học, tôi cho xuất chuồng bầy lợn 6 con, trừ chi phí cũng kiếm được gần chục triệu đồng. Số tiền đó được trích một phần để lo sắm sửa sách vở, quần áo cho con đầy đủ. Không ngờ, năm ni, lợn nhiễm bệnh lăn đùng ra chết, nhà nhà chăn nuôi ở đây gặp nhiều khó khăn lắm. Để có tiền cho con nhập học đầu năm, tôi phải chạy vạy, xoay xở đủ cách"- chị Thắm thổ lộ.

Đi dọc các tuyến đường liên thôn qua thị trấn Phú Đa chúng tôi chứng kiến một số nhà cửa đóng then gài. Hỏi thăm mới biết, từ khi lợn bị dịch bệnh, nhiều phụ nữ chuyển qua làm công nhân may tre đan, quét dọn vệ sinh. Tuy nhiên, số lượng người được nhận làm cũng không nhiều. Chị Đặng Thị Bé (45 tuổi) ở tổ dân phố Lương Viện nuôi đàn lợn gần 50 con thì nay không còn con nào sống sót. "Để có tiền trang trải cuộc sống, chị được người quen bày cho cách may quần áo đơn giản. Sau đó, chị nhận gia công áo gió tại nhà để kiếm mỗi ngày vài chục ngàn đồng chăm lo cho con. "Hàng chục năm nay, nuôi lợn là nghề chính của gia đình. Hầu hết, mọi trang trải từ việc nhỏ đến việc lớn đều nhờ vào thu nhập từ nghề này. Thế nhưng mấy tháng nay, lợn chết sạch, gia đình rất khó khăn. Tôi có 3 đứa con đi học, trong đó, có cháu lớn năm nay vào đại học nên đành phải vay mượn để lo cho con nên khó khăn chồng chất"- chị Bé bộc bạch.

Ông Nguyễn Văn Tân - Chủ tịch UBND thị trấn Phú Đa cho biết, địa phương công bố DTLCP vào ngày 22-5 và đến nay dịch vẫn còn xảy ra ở một số hộ. Thống kê đến ngày 26-8, toàn xã có 3.249 con lợn mắc bệnh với trọng lượng 169.110 kg. Thị trấn có đến 635 hộ chăn nuôi mắc DTLCP, chiếm hơn 80% số hộ chăn nuôi toàn địa bàn. Số tiền hỗ trợ ước khoảng hơn 4 tỷ đồng. Và, đến cuối tháng 8-2019, thị trấn đã nhận được khoảng hơn 2 tỷ đồng để chi trả cho các hộ chăn nuôi có dịch. Số còn lại sẽ được cấp phát vào tháng 9. Ông Nguyễn Văn Bửu - cán bộ nông nghiệp UBND thị trấn Phú Đa cho hay, số lợn bị dịch tả Châu Phi của thị trấn chiếm hơn 1/4 số lợn mắc bệnh của H. Phú Vang. Đồng thời, Phú Vãng cũng là 1 trong 2 huyện có số lượng lợn nhiễm dịch tả lớn nhất TT-Huế với số lượng tiêu hủy khoảng 14.000 con (lợn nái và lợn thịt).

Theo ông Nguyễn Văn Tân, trước thực trạng DTLCP vẫn còn dai dẳng, chính quyền địa phương và lực lượng chức năng đã vận động người chăn nuôi không nên tái đàn trong giai đoạn này. Vẫn biết, rất nhiều hộ chăn nuôi sẽ gặp khó khăn khi có lợn bệnh, lợn chết nhưng nếu tiếp tục nuôi thì sẽ còn lây lan và thiệt hại nhiều. Đối với những hộ còn lợn thì tuyên truyền nuôi đảm bảo an toàn và nhất là không lấy thức ăn dư thừa (nước mã) không đảm bảo vệ sinh cho lợn ăn như kiểu chăn nuôi truyền thống... "Để giải quyết việc làm cho một số người dân quá khó khăn, vừa qua, huyện và thị trấn cũng đã làm việc với một số công ty đóng tại Cụm công nghiệp Phú Đa (H.Phú Vang). Có 1 công ty làm nghề may tre đan xuất khẩu nhận công nhân không giới hạn tuổi tác, trình độ và tạo điều kiện cho đưa hàng về nhà làm nên đã giới thiệu một số phụ nữ có nhu cầu đến làm tại đây. Ngoài ra, chính quyền cũng vận động các hộ chăn nuôi chuyển từ lợn sang gà, vịt"- Chủ tịch UBND thị trấn Phú Đa thông tin.

HẢI LAN

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/64_211813_que-ngheo-xac-xo-vi-bao-dich-ta.aspx