Quê ngoại hai

Để lại ba đứa trẻ nhỏ: 10 tuổi, 7 tuổi, 5 tuổi giữa nơi xa lạ, mênh mông nước lụt này ư? Mỗi ngày mẹ tôi một thêm áy náy không yên. Làng quê này quá nghèo. Quanh năm dân làng chỉ thấy ăn khoai sọ luộc. Mỗi ngày chỉ ăn có một bữa nói là cơm độn khoai lang, nhưng thực ra là khoai lang khô đen xỉn độn vài hạt cơm ăn với một nắm lạc giã nhỏ...

Pim! Pim!... Pim! Pim!

Kiểu tiếng còi ô tô báo hiệu quen thuộc của Thành vang lên. Đồng hồ tường chỉ đúng 6 giờ. Từ trong nhà tôi xách vội túi bánh kẹo làm quà, chạy ra vỉa hè vẫy tay chào đon đả:

- Chào cậu em! Cậu đúng giờ quá đấy!

Nói là "cậu em" cho đúng luật lệ thứ bậc trên dưới thôi, chứ ông Thành tuy là em họ nhưng hơn tôi 5 tuổi. Tôi vừa mở cửa xe vừa cung kính chào mẹ Thành, bà cô ruột tuyệt vời, hiếm có của tôi:

- Con chào cô ạ!

- Thủy đấy à? Lâu lắm rồi cô mới được gặp mày đấy cháu ạ! - Giọng bà Thu vẫn sang sảng trong vắt, ngân như chuông.

Trong xe, ngoài hai mẹ con Thành còn có Đỗ Bảo, cháu nội của bà Thu, con trai của anh trưởng ông Thành. Bảo cũng đã hơn năm mươi tuổi.

- Vâng, cháu xin lỗi. Dạo này cháu cũng bận công việc cơ quan quá nên chưa tới thăm cô được ạ! - Tôi vội vã trả lời.

Nói bà cô của tôi là người phụ nữ tuyệt vời, hiếm có là tôi không hề ngoa ngôn, bởi cụ năm nay đã tròn 105 tuổi nhưng vẫn khỏe mạnh, đi đứng bình thường, và trí tuệ thì cực kỳ minh mẫn.

Hai năm trước, tôi chứng kiến bà cô 103 tuổi đến chơi nhà mình còn xách theo một bọc bỏng ngô vừa để nhấm nháp cho đỡ nhạt miệng, vừa để bốc làm quà lót tay cho trẻ con trong nhà. Năm ngoái, lại thấy cụ xách bọc mía. Bà Hòa, cô con dâu của cụ bà Thu giải thích rằng: “Bà nhà em ăn trầu gần trăm năm nay, răng thì tốt lắm, nhưng gần đây các bác sĩ không cho ăn trầu nữa, sợ nhiều vôi đọng ở dạ dày. Em chẻ mía cho cụ nhai đỡ buồn miệng”. Hôm Tết vừa rồi, tôi đến thăm cô ruột. Vừa gặp mặt, đáp lại lời chào của cháu gái bằng câu “Thủy đến thăm cô đấy à?”, cụ đã bức xúc hỏi tiếp luôn:

- Mày có cho cô tiền chơi tam cúc không?

Nhớ lại câu các cụ ngày xưa vẫn dạy: “Già quá hóa trẻ con”, tôi cười rũ rượi:

- Có chứ ạ! Cháu chấp cô thua luôn 10 ván.

Bà cô tôi liền nở nụ cười tươi như hoa. Hóa ra bà con dâu đã 78 tuổi của cụ nghĩ ra chiêu chơi tam cúc ăn tiền, mỗi ván 5 ngàn với bà mẹ chồng để rèn luyện trí nhớ cho cả hai mẹ con. Hôm ấy, cụ đang "cay" vì bị thua 50.000 đồng thì tôi tới thăm.

Đường Hà Nội sáng sớm nay thật thông thoáng. Chẳng mấy chốc mà xe của Thành đã bon bon tới cầu Chương Dương; rồi qua Từ Sơn, ngược lên hướng Bắc Giang. Vừa lái xe, Thành vừa chuyện như pháo rang:

- Em cứ tưởng bác lại bận, không đi được.

- Đi chứ! Mình cũng muốn đi từ lâu rồi, nhưng chưa có dịp, với cũng trăm công, nghìn việc, chẳng rảnh rỗi mà bỗng nhiên tự đi tìm…

- Mẹ em cứ ao ước được đi về lại quê ngoại hai. Ngẫm, cụ cũng quá nhiều tuổi rồi, như ngọn đèn trước gió, chẳng biết sẽ tắt lúc nào. Thôi thì cũng cố gắng chiều cụ.

- Ừ chiều được mẹ tí nào thì gắng mà chiều, kẻo như chị đây, bây giờ có muốn chiều bố mẹ thì cũng chẳng còn cơ hội nữa rồi, cô nhỉ? - Tôi quay sang bà cô ruột tươi cười.

- Ừ! Cô cũng chỉ đi mỗi một lần trước khi đi lấy chồng, thuở 15, 16 tuổi... Có nhớ đường đâu. Chỉ nhớ mang máng là làng Lác bên bến đò Lác ở Yên Dũng, Bắc Giang…

- Bây giờ may có Goole Map tìm đường cũng dễ mà bà - Cậu Bảo chen ngang.

- Nhưng phải có tên mới, chứ tên cổ xưa cách đây cả trăm năm cũng khó đấy! - Tôi lắc đầu cảm thán.

- Cháu tính, lấy chồng về quê chồng theo phận làm dâu. Lại còn làm dâu trưởng. Đúng là trăm phận sự - Bà cô tôi rủ rỉ - Rồi vừa đi làm vừa sinh nở, nuôi nấng một đám 5 đứa con trong chiến tranh, thật vất vả vô cùng. Đến quê mẹ đẻ thật của mình còn chưa làm tròn phận sự con cháu, sao dám vẽ bổn phận khác. Đường xá lại xa xôi…

- Cháu về làng có một lần duy nhất hồi 5 tuổi. Bé tí, chẳng nhớ được mấy. Mọi chuyện mơ hồ, như trong một giấc mơ… Nay bảo cháu tự đi tìm, chắc cũng khó.

Minh họa: Đỗ Dũng

Minh họa: Đỗ Dũng

Xe lướt qua hết những cánh đồng lại tới những dãy phố. Cảnh tượng na ná như những con đường liên huyện ở các tỉnh đồng bằng Nam Định, Thái Bình, Hưng Yên. Những miền quê sầm uất của miền Bắc đang bừng bừng khởi sắc đi lên nhờ đổi mới kinh tế. Đây đó chỉ còn lác đác vài ngôi nhà một tầng xưa cũ lạc lõng giữa những ngôi nhà ba, bốn tầng, nối đuôi nhau chạy bám theo hai bên đường quốc lộ.

Thỉnh thoảng lại gặp những tòa nhà đồ sộ là trung tâm của huyện lỵ hoặc trung tâm mua bán, chắc của đại gia nào đó. Tôi vừa ngắm nhìn, vừa thương nhớ cái ngôi làng tên Lác bên cạnh bến đò Lác ở miền quê Yên Dũng thuộc tỉnh Bắc Giang vào cái năm xa xưa ấy. Cái ngôi làng bé nhỏ in vào trong bộ nhớ non nớt của tôi đầy những tình người thật ấm áp đôn hậu, đầy những ân sâu nghĩa nặng nhưng nghèo nàn đến thê thảm…

- Em đã phải đi khảo sát trước rồi đó! - Thành phá tan sự im lặng và dòng ký ức vừa bắt đầu khai mở của tôi - Chị bảo theo lời cụ kể cách đây gần 90 năm, sắp tròn thế kỷ. Vật đổi sao rời, biết thế nào! Cứ ngồi trên ôtô này mà đi tìm làng Lác ngày xưa thì có mà Thánh cũng chẳng tìm được.

- Không còn làng Lác cổ xưa nữa rồi! - Bảo cười hì hì.

- Chỉ những người già bảy, tám mươi tuổi trở lên mới nhớ tên cổ của làng thôi! - Cô tôi cất giọng buồn buồn.

- Sau này toàn là Tiến Lên, Quyết Thắng, Thành Công…, đâu còn làng Rô, làng Lác, làng Sấu Giá, làng Doi, làng Me của các cụ nữa mà đi tìm… - Thành nhất trí liền.

- Vậy sao chú tìm được? - Tôi tò mò, ngưỡng mộ.

- Em phải rủ thằng cháu Bảo này cùng đi xe máy mới lần mò được đấy.

- Vâng, hai chú cháu đèo nhau theo chỉ dẫn của Goole Map tìm đến huyện Yên Dũng tỉnh Bắc Giang. Tìm bến phà sang bên Phả Lại thì nay chỉ có bến mới mang tên bến phà Đồng Việt - Bảo kể.

- Hai chú cháu ngồi nghỉ ở đúng quán nước trên đường chờ lên phà Đồng Việt. Rồi vừa uống nước, vừa hỏi thăm xem có ai biết làng Lác ngày xưa ở đâu không - Thành giải thích - Nào ngờ bố của chủ quán nước lại là cụ Cao Xuân Bách, ông chủ nhiệm Hợp tác xã làng Lác ngày xưa, tức thôn Trung ngày nay. Cụ lại cũng chính là thông gia của nhà ông Diện, em ông Phương. Năm nay cụ đã 98 tuổi, tóc bạc trắng nhưng vẫn còn tráng kiện minh mẫn.

“Không còn làng Lác nữa đâu. Làng Lác đổi tên từ lâu lắm là làng Trung rồi”. Vừa nghe có người hỏi thăm làng Lác, bến Lác là cụ Bách vội bước ra ngay. “Ông Diện mất lâu lắm rồi. Anh Diệu, con của ông Diện và là cháu đích tôn của cụ Dậu làm bộ đội nhảy dù ngày xưa cũng mất mấy năm rồi”. Được người hỏi thăm, gợi lại chuyện xưa cũ, cụ Bách như nắng hạn gặp mưa rào, kể bao nhiêu chuyện. Nào là chuyện thằng Thạo, con anh Diệu nay đã là đại gia. Nó lập được cả công ty cho thuê máy móc đổ bê tông xây dựng nhà cửa; máy cầy, máy bơm làm ruộng. Nào là chuyện vợ thằng Thạo có cả một trại chăn nuôi mấy trăm con lợn xuất đi khắp tỉnh, xuất cả về Hà Nội...

- Ôi! Hoành tráng thế! - Tôi buột miệng ngỡ ngàng.

Thành nói tiếp:

- Ông chủ nhiệm già ấy kể rằng: “Sau năm Hòa bình lập lại, làng mang tên mới là làng Trung, có 98 hộ dân do tôi làm chủ nhiệm Hợp tác xã. Không biết cái làng Lác do ai chọn nơi trũng thấp đóng địa từ bao đời, chỉ biết mỗi khi có hộ nào đó làm nhà thì dân làng lại xúm lại giúp khu nhà mới làm được tôn cao lên hơn. Rồi để chống lũ lụt, chủ nhà lại đào đất xung quanh đắp lên thêm khu đó, nên mỗi căn nhà như đứng trên một cái đảo nhỏ. Mùa mưa, nhà nọ đi sang nhà kia phải đi bằng thuyền. Từ bao đời trước, mỗi lần lụt, dân làng lại phải chạy lên núi đi sơ tán.

Năm 1968 vỡ đê Yên Dũng. Làng Trung chìm trong nước lụt. Nhà cửa tan hoang. Đói quay quắt. Mưa bão không có chỗ mà che thân. Dân làng đã đói khổ càng vô vàn cơ khổ. Đảng ủy xã được sự đồng ý của cấp huyện và tỉnh đã cho di chuyển toàn bộ 98 hộ dân làng Trung lên núi Nghĩa Trang.

Gọi là núi Nghĩa Trang vì trước kia đặt nghĩa trang các liệt sĩ chống Pháp trên đường lên đó. Giờ đây Đảng ủy quyết định cho đi rời nghĩa trang liệt sĩ về xóm Nam để nhường đất cho nhân dân xóm Trung lên lập nghiệp. Núi ấy xưa kia hoang hóa, chỉ để dân khai phá trồng sắn. Nay dân thường thì lên cao mà ở. Các gia đình có con em là liệt sĩ được ưu tiên ở chỗ tốt hơn, ngay ven đường quốc lộ để tiện làm ăn, mở mang kinh tế… Kinh tế của làng bây giờ khá giả nhờ lớp cháu con: Bọn thanh niên đua nhau đi Hàn Quốc, Đài Loan, Mã Lai làm ăn chăm chỉ tháo vát mang tiền về xây cả dãy phố toàn nhà ba, bốn tầng. Bọn ở lại cũng rất mạnh, mở mang công ty như cậu Thạo…”.

- Bác không tưởng tượng được đâu! Nhà cái anh Thạo con bác Diệu ấy bây giờ còn to đẹp, hoành tráng hơn ối nhà ở ngoài Hà Nội!

Nghe Bảo ca ngợi vậy, tôi ngờ ngợ nên không nói gì, vì tôi vẫn còn nhớ như in những tấm mái rạ lụp xụp như bát úp trên cánh đồng nước mênh mông của làng Lác khi xưa.

- Hôm nay trên ấy người ta mời gia đình nhà mình lên nhận lại họ hàng. Nghe nói vật cả con lợn với một con dê, mời tất cả anh em họ hàng trong làng luôn.

- Kinh nhỉ! - Tôi lắc đầu lè lưỡi - Nghe vậy thấy mình bạc bẽo với họ ngoại hai quá!

- Thì vậy! Nên em mới phải cố gắng đưa mẹ em đi bằng được. Mà phải đi ngày hôm nay. Vì hôm nay cũng là ngày giỗ của cụ Dậu. Em đã báo cho tất cả họ hàng nhà mình. Cho phải phép thôi, chứ bây giờ ai cũng bận cả. Cứ gọi bác cho đỡ áy náy thôi. Ai ngờ... Bác cũng nhiệt tình.

- Đi chứ! Mình cũng muốn trở lại thăm quê ngoại hai. Cách đây năm mươi năm rồi còn gì.

Đó là một ngày vào tháng 8 năm 1964, sau lần đầu máy bay Mỹ leo thang ném bom miền Bắc. Khi đó, tôi mới tròn 5 tuổi. Tôi được cha mẹ cho đi sơ tán về làng Lác, quê ngoại thứ hai của bà nội.

Hôm ấy, sau một giấc ngủ dài mê mệt vì say xe ôtô, tôi được đánh thức dậy và đưa đến trước một bến đò. Rồi cả nhà gồm mẹ, hai anh trai - Hải và Thắng cùng tôi đi sang sông trên một cái thuyền để tiến vào làng Lác.

Phải nói là tiến vào làng vì chúng tôi đi bằng thuyền thẳng từ bên Phả Lại sang bến Lác, tức là vào làng Lác. Đang đúng vào mùa mưa bão, ngập lụt lớn của năm Nhâm Dần, nên tôi được thấy một cái làng thật kỳ lạ. Chúng tôi ngồi trên thuyền len lách qua từng cái gò đất nhỏ có những cái nhà mái rạ be bé, thấp tè trên đó, để tiến vào ngôi nhà có tường xây bằng gạch, mái ngói ở trên một cái đồi nho nhỏ của bác Phương.

Sau này, tôi nghe nói đây là khu nhà cao to nhất ở đó. Có lẽ nhà bác Phương giầu có nhất làng vì có bố đi làm ở Hà Nội từ thời Pháp. Ngôi làng bé xíu này cách xa hẳn với các xóm làng khác, như ốc đảo quanh năm nước ngập. Bốn mẹ con người Hà Nội chúng tôi đến đây sơ tán như một sự lạ. Người lớn và trẻ con lần lượt đến hỏi thăm và tặng quà: người túm lạc, người bọc khoai. Có lần thức dậy, cả nhà sững sờ vì có một miếng thịt lợn to chừng nửa ký treo ở cửa nhà. Hóa ra là do mẹ tra thuốc mỡ Textracilin cho một bà bị đau mắt lâu năm. Chỉ 2 lần mà mắt bà sáng trong trở lại. Bà già ân nghĩa đã cầu kỳ tìm cách trả ơn bằng món quà vô cùng quý hiếm lúc đó.

Làng sống quanh năm trong ngập lụt nên quá nửa dân làng bị đau mắt vì nước không được sạch. Tiếng lành đồn xa, mẹ bỗng biến thành bà bác sĩ vì có một tuýp thuốc mỡ Textracilin. Có lần có ông ở trong làng nghe không thủng, ông mang hẳn một cái đĩa nhỏ đến xin mẹ thuốc mỡ để tra mắt, làm hai anh tôi cứ ôm bụng lăn ra cười. Mấy ngày sau, ông bệnh nhân của mẹ hớn hở sang khoe: “Mắt tôi đã sáng trưng như đèn pha ôtô” và bê tặng mấy mẹ con một thúng lạc non để luộc ăn sáng. Mẹ tôi cứ tấm tắc khen: “Người làng này tuy nghèo nhưng tấm lòng thật đôn hậu, ấm áp, xởi lởi”.

Ở một cái làng có sông nước bao quanh và phải đi thuyền từ nhà này sang nhà khác, nên với ba anh em nhà tôi, những ngày đi sơ tán ở làng Lác, Yên Dũng này là những ngày đi du lịch khám phá tuyệt vời. Hai anh tôi được đám trẻ trai trong làng nồng nhiệt dắt đi tập bơi, đi câu cá, đi bẫy cò, bắn chim... Còn tôi được anh Quyền cháu bác Phương chủ nhà, lúc này đã 17, 18 cõng đi ăn đám cưới. Lúc về, tôi được mang phần về là một nắm xôi và miếng thịt lợn luộc khá mỡ to bằng bàn tay của trẻ con. Quả là thú vị! Chỉ với mẹ tôi là mọi chuyện cứ tiếp diễn thế này thì không tuyệt vời chút nào.

Lúc đầu bố mẹ tôi chỉ nghĩ đưa các con đi sơ tán càng xa Thủ đô càng tránh xa được bom đạn. Mẹ tôi định ở lại nơi làng quê ngoại hai này khoảng nửa tháng để ổn định xong nơi ăn chốn ở; huấn luyện cho anh Hải tôi - cậu con trai cả năm ấy vừa tròn 10 tuổi biết nấu cơm và chăm coi hai em. Mẹ định giúp các con làm quen với môi trường sống mới rồi gửi bác Phương 3 con nhỏ ở lại để về Hà Nội. Mẹ không thể nghỉ lâu vì còn phải đi làm, vả lại vẫn còn em Mai, bé út mới 2 tuổi rưỡi đang gửi hàng xóm. Nhưng tình hình thế này là không ổn rồi. Không biết là may hay không may khi hai tuần mẹ ở lại đúng vào dịp lũ lụt.

Trời mưa như trút hết ngày này sang ngày khác, hết tuần một sang tuần hai. Rồi mẹ phải ở lại thêm tuần ba. Bố tôi không biết vì công tác đột xuất thế nào mà quá hẹn mãi vẫn chưa lên đón mẹ về và tiếp tế lương thực như đã định cho chúng tôi. Chẳng có điện thoại, cũng chẳng nhờ ai đi gửi thư được. Muốn có những thứ đó phải lên huyện.

Những ngày đầu, dù mưa có lúc ngớt, nước vẫn ngập mênh mông. Không có chợ để mua hàng hóa. Chẳng có rau, cũng chẳng có thịt, cá. Món ăn chủ yếu của mấy mẹ con tôi là trai và hến do bác Phương gái và chị Thu đi mò về tặng: canh trai nấu rau tập tàng hái quanh nhà, canh trai nấu tai chua; canh hến nấu rau tập tàng, canh hến nấu tai chua. Mấy ngày sau nữa, mưa lại như trút thêm. Mẹ chẳng có gì khác cho chúng tôi ăn được nữa. Cả nhà bắt đầu ăn những con cò con bị bão đánh rớt từ trên ngọn tre xuống. Những con cò còm nhom, do cha mẹ chúng vì mưa bão không kiếm ăn được nên toàn xương, tanh tanh; ăn hơi lợm họng.

Được chị con gái chủ nhà tư vấn, một hôm mẹ tôi nấu con cò với quả bứa chua mọc ngay trong sân nhà cho đỡ tanh. Ba anh em tôi hí hửng xơi một bữa căng rốn. Nào ngờ sau bữa ăn, cả ba anh em đều choáng váng sa sẩm mặt mày, đau bụng rồi nôn thốc nôn tháo. Mẹ tôi vì thấy các con ngon miệng, nhường tất cho các con, chẳng ăn miếng nào, nên không bị sao. Nhưng mẹ bị một phen kinh hoàng, sợ hãi và mệt mỏi vì phải phục vụ ba đứa trẻ miệng nôn, trôn tháo. Rồi sắp hết gạo, bố chưa kịp lên tiếp tế nên phải chia gạo ra nấu cháo cầm bữa. Hết cháo trai lại đến cháo hến…

Để lại ba đứa trẻ nhỏ: 10 tuổi, 7 tuổi, 5 tuổi giữa nơi xa lạ, mênh mông nước lụt này ư? Mỗi ngày mẹ tôi một thêm áy náy không yên. Làng quê này quá nghèo. Quanh năm dân làng chỉ thấy ăn khoai sọ luộc. Mỗi ngày chỉ ăn có một bữa nói là cơm độn khoai lang, nhưng thực ra là khoai lang khô đen xỉn độn vài hạt cơm ăn với một nắm lạc giã nhỏ trộn một nắm muối hầm nhừ trong một cái niêu đất bé xíu nhỉnh hơn vốc tay, ủ trong đám dấm trấu.

Có tiền cũng không có cách nào mua được lương thực, thực phẩm. Nếu những ngày mưa lũ lụt kéo dài mãi thì không khéo có khi chết đói. Hơn nữa việc cha mẹ đi tiếp tế hàng tháng sẽ vô cùng khó khăn vì nơi đây cách Hà Nội gần 70 cây số. Mẹ bứt dứt than thở: “Đi lại thì tầu phà cách trở, mỗi lần đi thăm các con và tiếp tế lương thực, thực phẩm, chắc hẳn là phải xin nghỉ việc ít nhất 2 ngày mới đủ cho thời gian đi và trở về Hà Nội. Chiến sự mà ác liệt hơn nữa, đi lại sẽ càng khó khăn hơn”. “Rồi Hải học lớp 5, Thắng học lớp 2. Thủy cũng sắp vào lớp vỡ lòng, đến phải bỏ học vì không thể tự chèo thuyền sang làng bên để đi học. Quả là không ổn một tí nào”. Sau khi đã suy nghĩ kỹ càng, không đợi bố tôi lên nữa, mẹ tôi cám ơn bác Phương, cám ơn dân làng đã nồng nhiệt đón tiếp và chia sẻ khó khăn vui buồn với ba mẹ con, rồi xin phép đưa chúng tôi trở về Hà Nội sau ba tuần đi sơ tán.

Chỉ sau này lớn hơn, tôi mới biết qua câu chuyện của bố mẹ và các bậc già cả trong dòng họ rằng: đó không phải là lần đầu tiên người dân làng quê ấy giúp đỡ gia đình tôi. Họ đã có ân sâu với gia đình ông bà nội tôi từ lâu. Cụ thể là ông Dậu, bố của bác Phương và bác Diện đã dũng cảm nhận cô Nguyễn Thị Vy lúc đó (tức là bà nội tôi) làm em ruột của mình - cô em gái của ông đã bị bắt cóc, mất tích từ lúc mới 5 tuổi; để che mắt mật thám Pháp; giúp cô Vy trốn tai vạ tày trời: Triều đình nhà Nguyễn lúc ấy đã giúp thực dân Pháp truy nã dòng tộc nhà ông Nguyễn Văn Hiên, tức Hai Hiên - cậu ruột của cô Vy và là vị thủ lĩnh chống thực dân Pháp lừng danh Đông Dương; làm chấn động nước Pháp và châu Âu trong vụ đầu độc 2.000 binh lính Pháp đóng trong thành Hà Nội năm 1908.

Cả dòng họ của ông Hai Hiên phải bỏ trốn khỏi thành Hà Nội, đổi tên, thay họ, phiêu dạt khắp nước. Riêng cô Vy được coi là con nuôi không phải họ Nguyễn nên vẫn ung dung ở lại Hà Nội. Sau cái ơn cứu mạng ấy, gia đình ông bà nội của tôi coi gia đình ông cụ Dậu là nhà ngoại thứ hai của mình.

Rồi hơn 60 năm sau, khi máy bay Mỹ ném bom Hà Nội và một số thành phố lớn của miền Bắc, thì nơi trú ẩn an toàn đầu tiên được gia đình tôi nghĩ tới là quê ngoại hai, vì quê chính gốc của cha mẹ tôi cũng vẫn là Thủ đô Hà Nội...

- Nhà cậu Thạo đây rồi! - Thành reo lên và đánh tay lái cho chiếc Julie lượn vào một cái sân rộng có hai trụ cổng thật hoành tráng treo biển đồng thật oách, đề tên CÔNG TY TNHH THÀNH CÔNG.

Tôi ngó ra và kinh ngạc: Kìa, nói thì bảo hô khẩu hiệu; chứ đúng là nhờ ơn Đảng và Chính phủ! Tư gia nay là một ngôi nhà đồ sộ cao 5 tầng và ngay bên cạnh là cửa hàng của Công ty thật khang trang rộng đến 300 mét vuông.

Thấy xe ôtô đỗ lại giữa sân, đám đông trong nhà ùa ra. Vẫn những khuôn mặt đầy chân quê đôn hậu và niềm nở. Nhưng khác xưa, đám các bà mặc áo dài trang trọng như đi dự lễ. Đám đàn ông sơ mi, cà vạt đàng hoàng. Ai cũng tay bắt mặt mừng đón đỡ cô tôi và chúng tôi. Chẳng còn đâu bóng dáng những người dân nghèo khó của làng Lác khi xưa, những người mà mẹ con tôi dù rất quý vì chân tình, trung hậu, nhưng vẫn phải rời xa vì quá đói nghèo, nheo nhóc.

4/2019

Truyện ngắn của Nguyễn Thị Anh Thư

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/truyen/que-ngoai-hai-547119/