Quê tôi mùa nước lũ

Mấy ngày trước mẹ gọi điện báo tin lũ đã về. Trong câu chuyện qua lại ngắn ngủi giữa hai mẹ con, mẹ nhắn tôi nếu rảnh thì về gặt mấy đám lúa giúp mẹ kẻo mai mốt nước dâng cao sợ mình mẹ gặt không xuể. Nghe mẹ than vậy vậy, lòng tôi ngổn ngang bao suy tư xen lẫn lo lắng, bởi tôi không thể nghỉ để về lo giúp mẹ gặt lúa.

Ảnh: Huỳnh Kim.

Nỗi lo càng chất chồng khi cả gia đình tôi với năm miệng ăn chỉ trông vào mấy công ruộng, một năm hai vụ lúa cùng vài vụ rau màu xen canh.

Lũ dâng, mẹ cha không gặt kịp lúa, cả nhà sẽ lấy gì để ăn đây. Trong nỗi lo ấy tôi chỉ biết gọi điện cho mẹ, nói mẹ mướn người gặt giúp, bởi không thể để những vạt lúa chín vàng mùa thu hoạch bị ngập chìm trong nước lũ như vậy được. Biết bao tiền bạc đầu tư, công sức của cả gia đình mới làm ra được, không thể để mất trắng.

Và rồi, mới hôm qua, mẹ lại gọi điện lên thông báo nước lũ đã dâng ngập hết cánh đồng, thậm chí cả đường ấp người dân cũng đi lại bằng ghe hết.

Tôi sốt sắng hỏi về đám lúa, mẹ bảo, lúa gặt xong bữa hôm qua rồi con ạ, mẹ phải mướn 5 nhân công gặt lúa giúp, rồi có cả gần chục anh bộ đội đóng trong huyện mình xuống gặt giúp dân, vì thế đám ruộng mới được gặt nhanh và xong trước khi lũ dâng quá cao như hiện tại con ạ.

Nghe mẹ thông báo vậy tôi quá mừng, trong lòng như trút bỏ được bao nỗi lo âu vì sợ hãi mấy công lúa chín đã không còn nữa. Như vậy gia đình tôi không phải lo thiếu gạo ăn từ giờ tới cuối năm.

Tôi sinh ra và lớn lên trong một làng quê ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nơi có hai mùa rõ rệt, đó là mùa khô và mùa mưa, cũng là mùa nước lũ dâng cao.

Tuổi thơ tôi đã trải qua biết bao nhiêu mùa lũ đến rồi lại đi qua như vậy nên tôi quá hiểu tâm trạng, nỗi lo chung của hết thảy người dân đồng bằng châu thổ khi mùa nước lũ về.

Đó là nỗi lo lúc nước dâng cao mà chưa thu hoạch được nông sản, vật nuôi; hay lúc nước đã dâng cao đầy đồng rồi mà cây trồng vật nuôi chưa đến độ thu hoạch.

Nỗi lo càng nhân lên khi đồng nghĩa với mùa màng thất bát là thiếu đói sẽ đợi chờ ở phía trước, khi đó mẹ già, con thơ là những người phải gánh chịu nhiều hơn cả, đó là những bữa ăn đói lòng, manh áo không được lành lặn tươm tất.

Người dân quê tôi chuẩn bị xuống giống, gieo trồng cây gì đều cũng tính toán để thu hoạch trước khi con lũ kéo về, thế nhưng người tính không bằng trời tính, lũ về thất thường, năm sớm, năm muộn, vì vậy mà cảnh ngập lụt, mùa màng thất bát khó lòng tránh khỏi.

Tôi đã chứng kiến biết bao mùa lũ dâng cao khi lúa, khoai, bắp... ở ngoài đồng còn chưa thu hoạch, vì vậy sáng sớm hôm sau khi biết lũ đã về trắng đồng, cả nhà tôi, cả ấp, xã, thậm chí cả huyện đều đổ ra đồng để thu hái theo kiểu lặn ngụp, rồi mò dưới làn nước ngập sâu với mong muốn thu lượm được chút nào hay chút đó chứ không chịu mất trắng.

Những lúc đi mò lúa, bắp, khoai... như vậy cha mẹ tôi thường lặn ngụp dưới nước, còn mấy anh chị em chúng tôi do còn nhỏ, chiều cao khiêm tốn không thể xuống nước nên được ưu tiên ngồi trên ghe để sắp xếp lượm lại những thành quả mà cha mẹ mò được từ dưới nước bỏ lên.

Khi thuyền đã đầy lúa, khoai, bắp... mẹ lại đảm nhiệm khâu chuyên chở về ấp. Công việc thu hoạch nông sản dưới làn nước lũ dâng cao quả rất mệt mỏi, lâu công, có khi phải vật lộn với nước cả mấy ngày trời mời “mò” xong một thửa ruộng lúa, hay vạt bắp, khoai, trong khi nếu thu hoạch lúc nước lũ chưa về chỉ trong nội ngày là xong xuôi hết.

Hầu như chẳng khi nào gia đình tôi đi gặt lúa, thu hoạch bắp, khoai chạy lũ mà được ăn cơm ở nhà. Mẹ phải nấu đồ ăn sẵn rồi mang đi để lúc nghỉ ngơi cả nhà lên ghe tranh thủ ngồi ăn.

Đặng Đức

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/278715/que-toi-mua-nuoc-lu.html