Quên mình cứu dân

Mỗi khi bão lũ, thiên tai xảy ra, mọi người nhanh chóng sơ tán đến nơi trú tránh an toàn thì lúc đó, người chiến sĩ Biên phòng lại lao vào tâm bão, đến những vùng sạt lở, lũ lụt nghiêm trọng để làm nhiệm vụ… Ghi tên mình ở những nơi gian khó, hiểm nguy, có thể nói, hình ảnh người chiến sĩ Biên phòng căng mình trong bão lũ cứu người, tài sản của Nhà nước và của nhân dân, giúp dân gặt lúa, gia cố nhà cửa phòng chống bão, vệ sinh đường làng, ngõ xóm, cùng bà con trồng rừng… đã trở thành một nét đẹp bình dị và quen thuộc trên khắp mọi miền biên cương Tổ quốc.

Cán bộ, chiến sĩ BĐBP Điện Biên giúp dân sơ tán khỏi vùng sạt lở nguy hiểm. Ảnh: Hoàng Anh

Bài 1: Cứu dân như cứu người thân của mình

Nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, chịu ảnh hưởng của 1 trong 5 “rốn” bão lớn của thế giới, nên diễn biến thời tiết, thủy văn của Việt Nam cũng vì thế mà hết sức phức tạp. Trong bối cảnh đó, tuyến biên giới đất liền, biển đảo, nơi đóng quân của lực lượng BĐBP là những khu vực có địa hình xung yếu, nơi đầu nguồn sông, cửa biển và nhiều vùng lõm dễ bị chia cắt. Hằng năm, những khu vực này thường xuyên phải hứng chịu sức tàn phá của các hiện tượng thời tiết cực đoan, chiếm tỉ lệ 70% tổng số các vụ thiên tai xảy ra trên cả nước.

Thấm nhuần tư tưởng "Cứu dân như cứu người thân của chính mình", trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Công an nhân dân vũ trang đã thực hiện rất tốt nhiệm vụ cứu hộ cứu nạn, sơ tán nhân dân khỏi khu vực đánh phá trọng điểm của địch và bảo vệ mục tiêu quan trọng ở nội địa, bảo vệ giới tuyến và toàn bộ khu vực biên giới, biển đảo miền Bắc. Bước vào thời kỳ đổi mới, trước diễn biến ngày một phức tạp của thời tiết, Bộ Tư lệnh BĐBP đã nghiêm túc thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Quốc phòng, chủ động, quyết liệt xây dựng các kế hoạch công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trong toàn lực lượng, đồng thời xác định đây là nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình.

Từ năm 1995 đến năm 2016, có hơn 100 cơn bão, 250 đợt áp thấp nhiệt đới đổ bộ trực tiếp vào nước ta. Địa bàn lực lượng BĐBP quản lý xảy ra gần 5.000 vụ thiên tai, tai nạn làm chết và mất tích gần 10.000 người, phá hủy gần 50.000 ngôi nhà và 60.000 phương tiện... Đặc biệt nghiêm trọng là cơn bão Linda – cơn bão thảm khốc nhất trong lịch sử nước ta đã đổ bộ vào các tỉnh miền Tây Nam bộ năm 1997. Trong thời gian này, mặc dù phương tiện, trang thiết bị còn nhiều hạn chế, kĩ năng cứu hộ cứu nạn chưa cao, song phát huy phương châm “4 tại chỗ”, BĐBP luôn là lực lượng nòng cốt có mặt sớm nhất, ứng cứu nhanh nhất và kịp thời nhất khi xảy ra thiên tai, tai nạn trên địa bàn.

Thượng tá Nguyễn Đăng Tâm, nguyên Hải đội trưởng Hải đội 2, BĐBP Thừa Thiên Huế cho tôi xem những bức thư bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc của nhân dân các tỉnh miền Trung đối với BĐBP các tỉnh Thanh Hóa, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam... đã dũng cảm lao vào dòng nước xoáy, kịp thời cứu sống hàng trăm người dân trong cơn lũ lớn kinh hoàng đã quét qua các tỉnh miền Trung tháng 11-1999. Thời điểm ấy, hai cán bộ của Hải đội 2, BĐBP Thừa Thiên Huế là Đại úy Phạm Văn Điền và Thượng sĩ Lê Đình Tư đã hi sinh anh dũng trong khi làm nhiệm vụ. Năm 2000, Đồn Biên phòng Kỳ Hà, BĐBP Quảng Nam và liệt sĩ Phạm Văn Điền đã được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang thời kì đổi mới.

Để hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất do bão lũ gây ra, bao năm qua, hàng trăm đài canh thông tin ven biển nằm dọc các tỉnh duyên hải từ Bắc vào Nam do BĐBP tổ chức thực hiện đã trở thành cầu nối giữa đất liền với biển, đảo, giúp cho ngư dân ngoài khơi xa có thể trao đổi thông tin với người thân ở quê nhà. Vào mùa mưa bão, các đài canh vào phiên trực 24/24 giờ để tiếp nhận và xử lí thông tin, tìm mọi cách giữ liên lạc trong trường hợp tàu bị nạn để báo cáo cấp trên đưa ra giải pháp ứng cứu kịp thời. Ngày 21-8- 2007, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 137/2007/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tổ chức thông tin phục vụ công tác phòng, chống thiên tai trên biển"; Bộ Quốc phòng đã giao cho Bộ Tư lệnh BĐBP làm chủ đầu tư Dự án "Đầu tư, nâng cấp và hoàn thiện hệ thống thông tin vô tuyến điện của BĐBP tại các tỉnh, thành phố ven biển".

Đại tá Trần Dương Kiên, Trưởng phòng Cứu hộ - Cứu nạn, Bộ Tham mưu BĐBP cho biết: Để phát huy tốt hơn nữa vai trò của nhân dân trong phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn, đồng thời nâng cao hiệu quả phong trào bảo vệ an ninh trật tự trên biển, lực lượng BĐBP đã tham mưu và phối hợp với chính quyền cùng các ngành chức năng các địa phương tích cực tuyên truyền, hướng dẫn xây dựng tổ, đội tàu thuyền liên kết sản xuất trên biển tại 28 tỉnh, thành trong cả nước.

Hoạt động của các tổ, đội tàu thuyền đã thực sự phát huy hiệu quả trong việc giúp đỡ lẫn nhau tìm kiếm ngư trường, cùng khai thác, vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, tổ chức thực hiện các quy định về bảo đảm an ninh, an toàn, cứu hộ cứu nạn khi gặp thiên tai hay bị sự cố, góp phần tăng hiệu quả kinh tế sau những chuyến đi biển”.

Từ đầu năm 2008 đến nay, Bộ Tư lệnh BĐBP đã triển khai 85 đài canh và 95 điểm bắn pháo hiệu cảnh báo bão và áp thấp nhiệt đới ở các đơn vị tuyến biển thuộc Bộ Chỉ huy BĐBP 28 tỉnh, thành có biên giới biển, đảo và 4 hải đoàn. Đồng thời, dán bản hướng dẫn thông tin tìm kiếm cứu nạn trên biển trong ca-bin các tàu đánh cá xa bờ, trong đó ghi rõ tần số cứu nạn khẩn cấp, sóng ngày, sóng đêm và hướng dẫn cách gọi đơn giản, dễ nhớ để ngư dân kịp thời gọi báo tình hình xảy ra trên biển cho BĐBP.

Dưới sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn Bộ Quốc phòng và Bộ Tư lệnh, BĐBP các tỉnh, thành phố có biên giới, bờ biển đã chủ động triển khai đồng loạt các phương án tổ chức diễn tập, thực tập, huấn luyện công tác ứng phó với các tình huống thiên tai, lụt bão, cháy nổ, cháy rừng... phù hợp với đặc điểm tình hình của từng địa phương nhằm rèn luyện, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ trong thực thi nhiệm vụ Phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn cho cán bộ, chiến sĩ một cách bài bản, có nề nếp. Trong đó, BĐBP các tỉnh, thành Hải Phòng, Nam Định, Quảng Bình, Quảng Nam, Đà Nẵng, Bình Định, Khánh Hòa, Kiên Giang... đã cử hàng trăm lượt cán bộ, chiến sĩ và nhiều lượt tàu thuyền tham gia luyện tập, diễn tập đảm bảo an toàn, đạt kết quả tốt, được chính quyền, nhân dân, các ban, ngành đánh giá cao.

Bài 2: Nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình

Phạm Vân Anh

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/quen-minh-cuu-dan/