Quên trẻ trên xe, 'điểm mù não bộ' và cách khắc phục của nhà thần kinh học người Mỹ

Quên trẻ trên xe, 'điểm mù não bộ' và cách khắc phục của nhà thần kinh học người Mỹ

Sự việc một học sinh 6 tuổi tử vong trong buổi thứ 2 đến trường do bị bỏ quên trong xe ô tô vì sự tắc trách của người lớn, rung lên hồi chuông cảnh báo tới tất cả các bậc phụ huynh và các trường học.

Trong vòng 29 năm, đã có 900 đứa trẻ ở Mỹ tử vong vì bị bỏ quên trên xe

Theo số liệu trên báo chí Mỹ, kể từ năm 1990 tới nay, có khoảng 900 trẻ em đã tử vong sau khi bị bỏ quên trong những chiếc xe hơi bị đóng kín. Trung bình một năm có 38 trường hợp đau lòng này xảy ra và tính từ đầu năm tới nay, ở Mỹ đã có 23 trẻ em tử vong vì bị bỏ quên trong xe hơi. Nguyên nhân chính là do nhiệt độ trong xe hơi bị đóng kín rất cao, cộng thêm việc xe bị phơi nắng ngoài trời rất nguy hại. Bởi theo Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ, cơ thể trẻ em nóng lên nhanh gấp 3 đến 5 lần so với cơ thể người lớn, cơ quan nội tạng của trẻ có thể bắt đầu giảm hoạt động ở 104 độ F tức hơn 40 độ C…

Cơ thể trẻ con nóng lên nhanh gấp 3 đến 5 lần so với cơ thể người lớn, cơ quan nội tạng của trẻ có thể bắt đầu giảm hoạt động ở hơn 40 độ C, nếu bị nhốt kín trong xe hơi, đứa trẻ sẽ gặp nguy hiểm đến tính mạng

Cơ thể trẻ con nóng lên nhanh gấp 3 đến 5 lần so với cơ thể người lớn, cơ quan nội tạng của trẻ có thể bắt đầu giảm hoạt động ở hơn 40 độ C, nếu bị nhốt kín trong xe hơi, đứa trẻ sẽ gặp nguy hiểm đến tính mạng

Bất kỳ phụ huynh nào cũng có thể để quên trẻ trong xe hơi

Vậy tại sao và như thế nào mà cha mẹ/người lớn có thể quên một đứa trẻ đang ở trong xe? Câu hỏi này đã trở thành một đề tài nghiên cứu của Tiến sĩ David Diamond, một nhà thần kinh học và giáo sư tại Đại học Nam Florida, trong suốt 15 năm qua.

Nghiên cứu của David tập trung vào hoạt động của não bộ, liên quan tới bộ nhớ. Theo ông, việc cha mẹ/người thân mất nhận thức rằng một đứa trẻ đang ở trong xe có thể xảy ra với bất kỳ ai. Một khảo sát cho thấy có tới 25% số phụ huynh thừa nhận có một lúc nào đó họ quên mất con mình đang ở trong xe ô tô. Trạng thái tồi tệ này thường xảy ra khi cha mẹ/người thân lái xe trong tình trạng thiếu ngủ, mất tập trung, căng thẳng hoặc có một sự thay đổi trong thói quen. Cũng theo nhà thần kinh học người Mỹ này, đây là một “sai số”, một “điểm mù” của con người. Và để khắc phục, ông đề nghị phải thực hiện các biện pháp để đảm bảo đứa trẻ không bị lãng quên trong xe.

Các biện pháp khắc phục “hội chứng” quên trẻ trong xe

Theo Tiến sĩ David Diamond, các bậc phụ huynh hãy làm theo những cách đơn giản sau:

– Đặt túi xách hoặc đồ gì đó của mình vào hàng ghế sau cùng với con bạn.

– Đặt món đồ của con như túi tã hoặc đồ chơi ở ghế trước để nhắc bạn kiểm tra trước khi bước xuống xe.

– Trang bị hệ thống phát hiện trẻ em trong xe hơi. Hệ thống này gồm một thiết bị gắn với ghế hoặc dây an toàn ở ghế của trẻ và kết nối không dây với điện thoại thông minh của cha mẹ. Trong trường hợp bạn ra khỏi xe mà quên mất đứa trẻ (có thể đang ngủ), cảnh báo sẽ nhắn tới điện thoại của bạn. Nếu vì lý do nào đó bạn không nghe thấy cảnh báo, hệ thống sẽ nhắn tin cho người thân hoặc bạn bè của bạn (số đăng ký trước). Tùy loại, giá bán của thiết bị này ở Mỹ từ vài chục đến vài trăm USD.

Thêm một gợi ý hữu ích vừa được nhiều người chia sẻ là các bậc phụ huynh có thể hướng dẫn trẻ cách bấm còi xe để gọi cấp cứu. Vì khi ngay cả khi tắt máy phần lớn còi xe vẫn hoạt động. Kỹ năng này khó áp dụng được với các bé nhỏ tuổi. Và nhiều mẫu xe thiết kế hệ thống còi khá nặng, lực nhấn yếu sẽ không có tác dụng. Nhưng dù sao đó cũng là một cơ hội cho bé!

Để tránh trường hợp đau lòng như cậu chuyện em nhỏ 6 tuổi bị bỏ quên trên xe, các bậc phụ huynh, nhà trường, thầy, cô cần nâng cao ý thức, sát sao trong việc đưa đón trẻ bằng ô tô và hãy trang bị kiến thức cho trẻ để chúng có thể xử lý trong trường hợp tương tự

Trong những câu chuyện đau lòng nói trên, “điểm mù của bộ nhớ” xảy ra với từng người. Còn chuyện em nhỏ 6 tuổi bị bỏ quên không chỉ trên xe, mà còn cả trong lớp học, suốt một ngày dài, thì “điểm mù” đã trở thành một “hệ thống” và cần phải cảnh báo!

Tổng hợp theo chia sẻ của nhà báo Thủy Phạm

Thực hiện: Lê Mỹ Hạnh

Nguồn Đẹp: https://dep.com.vn/quen-tre-tren-xe-diem-mu-nao-bo-va-cach-khac-phuc-cua-nha-than-kinh-hoc-nguoi-my/