Quốc gia Đại Cồ Việt trong tiến trình lịch sử dân tộc Việt Nam

Trong tiến trình lịch sử Việt Nam, sự ra đời của quốc gia Đại Cồ Việt là sự kiện có ý nghĩa to lớn. Các nhà sử học-tác giả các bộ quốc sử Đại Việt sử ký toàn thư (thời Lê) và Khâm định Việt sử thông giám cương mục (thời Nguyễn) lấy mốc ra đời của nước Đại Cồ Việt trở về trước là 'Ngoại kỷ', 'Tiền biên'; trở về sau là 'Bản kỷ', 'Chính biên'.

1. Trước hết, sự ra đời của nước Đại Cồ Việt, với quốc hiệu, đế hiệu và niên hiệu riêng, là sự kiện đặc biệt quan trọng trong hành trình phục quốc của người Việt ở thế kỷ X.

Đối với mỗi quốc gia-dân tộc, thành tựu có tính cốt lõi ghi nhận sự hiện hữu trên bản đồ thế giới là sự ra đời của nhà nước gắn với cương thổ được xác định. Trong lịch sử Việt Nam, nhà nước đầu tiên được thành lập là nhà nước Văn Lang (khoảng thế kỷ VII-V trước Công nguyên), tiếp theo là nhà nước Âu Lạc (208-179 trước Công nguyên), trong phạm vi không gian ở khu vực cơ bản tương đương Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ của Việt Nam ngày nay. Nhà nước đó, với nền văn minh sông Hồng rực rỡ, là hai thành tựu vĩ đại trong kỷ nguyên dựng nước của người Việt. Nhưng thất bại của An Dương Vương trong cuộc kháng chiến chống xâm lược của Triệu Đà (năm 179 trước Công nguyên) mở đầu thời kỳ đen tối kéo dài hơn một nghìn năm dưới ách đô hộ của phong kiến phương Bắc. Xâm lược và đồng hóa của phong kiến phương Bắc đặt người Việt với quốc gia và nền văn hóa của mình trước thử thách một mất một còn. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian dài đằng đẵng đó, người Việt chưa bao giờ ngừng nghỉ cuộc đấu tranh, vừa âm thầm vừa dữ dội, để bảo tồn truyền thống văn hóa và giành lại nền độc lập.

Đại biểu tham dự Hội thảo khoa học quốc gia "Vai trò Nhà nước Đại Cồ Việt trong tiến trình lịch sử dân tộc Việt Nam" tham quan Cố đô Hoa Lư (Ninh Bình). Ảnh: VIỆT HÀ.

Đầu thế kỷ X, Khúc Thừa Dụ khôi phục nền tự chủ, nhưng dưới cả hai nhà Khúc (Khúc Thừa Dụ, Khúc Hạo, Khúc Thừa Mỹ) và Dương (Dương Đình Nghệ), đều vẫn xưng Tiết độ sứ, là chức quan đứng đầu phủ An Nam đô hộ do nhà Đường đặt ra. Đây chỉ là hình thức, còn thực chất người Việt đã khôi phục được nền tự chủ, là cách ứng xử khôn khéo của cha ông ta trong điều kiện thế và lực chưa mạnh. Mặc dù vậy, điều này cũng cho thấy công cuộc phục quốc của người Việt vẫn đang trong quá trình để đi đến thắng lợi cuối cùng. Ngô Quyền, sau chiến thắng Bạch Đằng vĩ đại, trên nền tảng một nền tự chủ từng bước được củng cố sau hơn 30 năm (từ năm 905 đến năm 938) đủ mạnh để dứt khoát vứt bỏ danh xưng Tiết độ sứ mà xưng vương, tuyên bố quyền làm vua một nước, nền độc lập dân tộc đã được khôi phục hoàn toàn. Tuy nhiên, dưới thời Ngô, Ngô Quyền vẫn chưa kịp đặt quốc hiệu, niên hiệu, tổ chức chính quyền còn sơ sài, các chính sách đối nội, đối ngoại vẫn chưa thật rõ nét. Với việc Đinh Bộ Lĩnh, sau khi khắc phục tình trạng 12 sứ quân, lập nước với quốc hiệu "Đại Cồ Việt", xưng hoàng đế, đặt niên hiệu Thái Bình, đúc tiền riêng Thái Bình hưng bảo… đến đây, một quốc gia với đầy đủ các đặc trưng cơ bản đã được thiết lập.

2. Nước Đại Cồ Việt ra đời khẳng định sự thắng thế của xu hướng tập quyền và thống nhất quốc gia. Sau khởi nghĩa Hai Bà Trưng, tầng lớp quý tộc cũ thời Văn Lang-Âu Lạc gần như bị xóa bỏ. Trong quá trình vận động của lịch sử, dần dần hình thành trong lòng xã hội thời Bắc thuộc tầng lớp hào trưởng địa phương với thế lực kinh tế lớn, có tinh thần muốn thoát khỏi sự thống trị của phong kiến Trung Hoa và vì thế, thường có uy tín lớn trong nhân dân. Chính tầng lớp này là những người phát động các phong trào khởi nghĩa vũ trang giành độc lập dân tộc, hoặc cùng nhau đứng chung dưới một ngọn cờ trong sự nghiệp khôi phục lại giang sơn. Tuy nhiên, sau khi nền độc lập được khôi phục, nhất là khi người đại diện không còn đủ tài năng và uy tín, thì thuộc tính địa phương, “anh hùng nhất khoảnh” của tầng lớp này lại trỗi dậy. Tình hình này bộc lộ rõ nét sau khi Ngô Quyền mất (năm 944), để rồi hơn 20 năm sau, triều đình trung ương nhà Ngô gần như tan rã (966), đất nước trong cục diện 12 sứ quân. Điều này là cực kỳ bất lợi đối với nền độc lập dân tộc vừa mới giành lại được, cũng như sự phát triển của đất nước trước mắt cũng như lâu dài trong bối cảnh áp lực bị xâm lăng luôn hiện hữu. Tập quyền và thống nhất quốc gia là đòi hỏi có tính sống còn, là yêu cầu và xu thế của lịch sử Việt Nam. Công cuộc khắc phục tình trạng cát cứ, thống nhất giang sơn của Đinh Bộ Lĩnh dẫn tới sự ra đời của nước Đại Cồ Việt là sự kiện khẳng định xu thế của lịch sử Việt Nam: Dù phải trải qua không ít khó khăn thử thách, nhưng cuối cùng non song vẫn thu về một mối.

3. Nước Đại Cồ Việt là thời kỳ cha ông ta đầy “trăn trở” trong việc tìm nơi dựng đặt kinh thành, với hành trình từ Hoa Lư đến Đại La-Thăng Long, cũng chính là hành trình chuyển từ thế nước còn yếu sang thế nước đã đủ mạnh, từ tư duy phòng thủ sang tư duy phát triển. Ngô Quyền không đóng đô ở thành Đại La mà trở lại Cổ Loa, kinh đô cũ nước Âu Lạc thời An Dương Vương, là sự chắp lại mạnh dòng lịch sử từ thời vua Hùng, vua Thục, mang những ý nghĩa chính trị cực kỳ to lớn. Đinh Bộ Lĩnh-nhà Đinh rồi tiếp đó Lê Hoàn-nhà Tiền Lê chọn Hoa Lư làm nơi đóng đô là sự lựa chọn phù hợp trong bối cảnh bấy giờ, khi mọi thứ đều chưa thật mạnh: Chính quyền trung ương chưa thật mạnh, nền thống nhất quốc gia dù đã được khôi phục nhưng chưa thật vững chắc trong lúc phong kiến phương Bắc vẫn lăm le xâm lăng. Với những nỗ lực không ngừng, dưới hai triều Đinh-Tiền Lê, người Việt với quốc gia độc lập của mình đã trưởng thành nhanh chóng, tạo tiền đề vật chất cho việc dời đô từ Hoa Lư ra Đại La, đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của dân tộc về lực lượng, về nhận thức và đặc biệt là về tư duy quản lý đất nước.

4. Nước Đại Cồ Việt ra đời, với thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Tống lần thứ nhất năm 981, là một đỉnh cao của cuộc đấu tranh giành, giữ và khẳng định nền độc lập dân tộc ở thế kỷ X. Năm 905, Khúc Thừa Dụ khôi phục nền tự chủ, nhưng cả thế kỷ X người Việt luôn phải chống chọi với quyết tâm tái áp đặt ách đô hộ của các triều đại Trung Hoa. Mỗi một lần thử thách là một lần người Việt trưởng thành hơn, bởi thử thách sau luôn cao hơn trước. Dương Đình Nghệ đuổi quân Nam Hán đồn trú ở thành Đại La, còn Ngô Quyền đã đánh tan cả một cuộc xâm lược quy mô của nhà Nam Hán trong trận quyết chiến trên sông Bạch Đằng. Nhưng Nam Hán dù mạnh cũng mới chỉ là một chính quyền cát cứ ở phía Nam Trung Quốc. Đến Lê Hoàn, quân dân Đại Cồ Việt đã đánh thắng cuộc chiến tranh xâm lược của một đế chế hùng mạnh đã thống nhất Trung Hoa, bảo vệ vững chắc nền độc lập dân tộc, khẳng định sức mạnh của người Việt, đồng thời khẳng định trước các thế lực phong kiến phương Bắc sự tồn tại hiên ngang, một thực tế không thể thay đổi của quốc gia độc lập của người Việt.

5. Nước Đại Cồ Việt ra đời với quốc hiệu, đế hiệu, niên hiệu đầy đủ là kết quả của hơn 60 năm người Việt xưng nền tự chủ, phát triển lực lượng, khẳng định dứt khoát nền độc lập, đấu tranh khắc phục khuynh hướng phân tán. Với sự mở đầu mang một ý nghĩa có tính cốt lõi này, quốc gia độc lập của người Việt với quốc hiệu "Đại Cồ Việt", trong hơn 80 năm, đã đạt được những thành tựu vĩ đại: Đánh thắng cuộc chiến tranh xâm lược của Tống, mở đầu cho các truyền thống: Xưng đế, tập quyền, thống nhất, các nguyên tắc cơ bản trong đường lối đối nội, đối ngoại của kỷ nguyên độc lập. Trên mọi ý nghĩa, nước Đại Cồ Việt, trong thời gian tồn tại của quốc hiệu này, không chỉ đánh dấu công cuộc phục quốc hoàn thành trọn vẹn, mà còn là điểm bắt đầu của thời kỳ phục hưng mạnh mẽ của quốc gia-dân tộc Việt Nam.

PGS, TS VŨ VĂN QUÂN, Đại học Quốc gia Hà Nội

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/quoc-gia-dai-co-viet-trong-tien-trinh-lich-su-dan-toc-viet-nam-537142