Quốc gia nào sẽ là thiên đường trú ẩn nếu kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái?

Nếu căng thẳng thương mại đẩy nền kinh tế toàn cầu vào suy thoái, Nga và Hàn Quốc có thể là 2 thiên đường trú ẩn tại các thị trường mới nổi.

Ngân hàng Saxo (Saxo Bank) cho biết, nếu nền kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái, Nga và Hàn Quốc (*) có thể là nơi trú ẩn an toàn nhất ở các thị trường mới nổi.

Ông Christopher Dembik, người phụ trách nghiên cứu kinh tế vĩ mô toàn cầu của Saxo Bank nói rằng, “cả hai quốc gia đều có lãi suất thực cao và ngân sách đạt trạng thái thặng dư. Điều này khiến các nhà hoạch định chính sách có nhiều dư địa để ứng phó trong với một đợt suy thoái". Ông nói thêm rằng, cả đồng Rúp và đồng Won đều có thể mạnh lên, vượt trội các đồng tiền khác.

Trong chuyến thăm Moscow vào ngày 25/09, ông Dembik nói rằng, tất cả các thị trường mới nổi đều có có thể thực hiện các biện pháp tích kích thích tiền tệ hay tài khóa. Tuy nhiên, Nga và Hàn Quốc là những nước có thể thực hiện cả hai loại chính sách này. Điều này sẽ giúp nền kinh tế của hai nước này ứng phó tốt hơn nếu suy thoái toàn cầu xảy ra.

Đức có thể rơi vào suy thoái trong quý này. Trong khi đó, tại Trung Quốc, các số liệu cũng cho thấy rủi ro tốc độ tăng trưởng của nước này giảm xuống dưới 6% trong năm 2020 đang tăng lên.

Nga và Hàn Quốc là 2 nước đang đạt thặng dư ngân sách. Ảnh: Bloomberg.com

Bà Christine Lagarde, người sắp nhậm chức chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), cho rằng nền kinh tế toàn cầu có thể tránh được một cuộc suy thoái, nhưng căng thẳng thương mại vẫn là một rủi ro lớn với tăng trưởng. IMF cho biết, tăng trưởng kinh tế toàn cầu đã giảm xuống còn 3,2% trong tháng 7, mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính gần nhất.

Các nhà hoạch định chính sách ở Moscow đã và đang liên tục tăng dự trữ ngoại hối, nhằm giảm thiểu rủi ro trước sự biến động của giá dầu toàn cầu và mối đe dọa từ các lệnh trừng phạt mới của Mỹ. Lạm phát tại Nga đã giảm mạnh trong năm nay, khiến ngân hàng trung ương nước này có nhiều dư địa để cắt giảm lãi suất.

Lạm phát ở Hàn Quốc đã chạm mức thấp kỷ lục trong tháng 8, đưa lãi suất thực lên cao nhất kể từ năm 2014. Việc tăng thuế đã giúp gia tăng nguồn thu ngân sách trong những năm gần đây.

Cả Nga và Hàn Quốc đều chứng kiến dòng vốn lớn chảy vào thị trường trái phiếu bằng đồng nội tệ của hai nước trong năm nay, với lượng mua vào trái phiếu bằng đồng Won lên mức kỷ lục kể từ năm 2007. Trong khi đó, các trái phiếu đồng Rúp đã mang lại cho nhà đầu tư mức lợi nhuận 23%, mức lớn nhất tại các thị trường mới nổi, chỉ sau Thái Lan.

Chắc chắn, cả Hàn Quốc và Nga đều phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu và cuộc chiến thương mại đang ảnh hưởng mạnh đến tăng trưởng. Tuy nhiên, tại các thị trường mới nổi như Nam Phi và Thổ Nhĩ Kỳ, các nhà hoạch định chính sách không có nhiều lựa chọn nếu nền kinh tế toàn cầu rơi vào khủng hoảng, ông Dembik nhận định.

(*) Một số tổ chức đã xem Hàn Quốc là nền kinh tế phát triển

Kim Ngân

Nguồn NCĐT: https://nhipcaudautu.vn/the-gioi/quoc-gia-nao-se-la-thien-duong-tru-an-neu-kinh-te-toan-cau-roi-vao-suy-thoai-3330531/