Quốc gia phát thải khí nhà kính lớn thứ hai thế giới quyết định rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu

Mỹ đã ra thông báo ngày 4/11 về kế hoạch chính thức rút khỏi hiệp định khí hậu Paris vào mùa thu tới. Vậy là quốc gia phát thải khí nhà kính lớn thứ hai thế giới đã trở thành quốc gia duy nhất từ bỏ nỗ lực toàn cầu để chống biến đổi khí hậu.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết Mỹ đã có kế hoạch rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu (Ảnh: Washington Post)

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết Mỹ đã có kế hoạch rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu (Ảnh: Washington Post)

Tổng thống Trump từ lâu đã chỉ trích hiệp định năm 2015 và khẳng định rằng Mỹ sẽ thoát khỏi nó càng sớm càng tốt. Mới tháng trước, ông Trump đã gọi thỏa thuận này là "một thảm họa toàn diện" và cho rằng việc chính quyền Obama đã cam kết cắt giảm lượng khí thải carbon theo thỏa thuận này sẽ làm mất đi tính cạnh tranh của Mỹ.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết đã gửi thông báo chính thức về kế hoạch của Mỹ tới Liên Hợp Quốc.

Ông Pompeo cho biết: "Trong các cuộc thảo luận về khí hậu quốc tế, chúng tôi sẽ tiếp tục đưa ra một mô hình thực tế cho thấy sự đổi mới và thị trưởng mở, mang đến sự thịnh vượng hơn, ít khí thải hơn và các nguồn năng lượng an toàn hơn. Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác với các đối tác toàn cầu để tăng cường khả năng phục hồi trước các tác động của biến đổi khí hậu và chuẩn bị để ứng phó với các thảm họa tự nhiên".

Các nhà hoạt động vì môi trường và sức khỏe cộng đồng đã nhanh chóng lên án quyết định này, ngay cả khi nó không hề bất ngờ.

Ông Andrew Steer, chủ tịch Viện Tài nguyên Thế giới, cho biết: “Tuyên bố từ bỏ thỏa thuận Paris là tàn nhẫn đối với các thế hệ tương lai, khiến thế giới kém an toàn hơn.”

Thỏa thuận khí hậu Paris có hiệu lực từ ngày 4/11/2016, sau khi Mỹ và các quốc gia khác chính thức tham gia thỏa thuận mang tính bước ngoặt này.

Liên Hợp Quốc đã ra quy định, không một quốc gia nào có thể rời bỏ thỏa thuận trong vòng ba năm, sau đó phải mất thêm một năm để việc rút khỏi thỏa thuận có hiệu lực hoàn toàn.

Mỹ đưa ra thông báo rút khỏi thỏa thuận vào ngày 4/11/2019, có nghĩa là Mỹ có thể thực hiện tiến trình để chính thức rời khỏi thỏa thuận Paris vào ngày 4/ 11/ 2020 - một ngày sau cuộc bầu cử Tổng thống vào năm tới.

Nếu đảng Dân chủ giành chiến thắng, quốc gia có thể ký lại thỏa thuận sau một thời gian vắng mặt - như nhiều ứng cử viên đã cam kết. Nhưng nếu ông Trump thắng thế, việc tái tranh cử của ông có thể sẽ củng cố sự rút lui của Mỹ khỏi thỏa thuận trong một thời gian dài.

Động thái của Mỹ được đưa ra trong bối cảnh các nhà khoa học khẳng định thế giới phải hành động mạnh mẽ hơn bao giờ hết để cắt giảm lượng khí thải carbon trong thập kỷ tới, tiến đến cắt giảm một nửa lượng khí thải carbon vào năm 2030 để tránh những tác động không thể cứu vãn và có thể gây ra thảm họa do biến đổi khí hậu.

Thế giới đã ấm hơn khoảng 1 độ C so với mức trước thời tiền sử. Thỏa thuận Paris đặt ra các mục tiêu đầy tham vọng nhằm giữ cho hành tinh nóng lên ở mức thấp dưới mức tăng 2 độ C, và nếu có thể thì không được trên 1,5 độ C.

Hành động trên của Mỹ cũng diễn ra chỉ vài tuần sau khi các nhà lãnh đạo thế giới tập trung tại Hội nghị Thượng đỉnh Hành động Khí hậu của Liên Hợp Quốc được diễn ra tại New York như một phần của nỗ lực khuyến khích các quốc gia thực hiện các cam kết cao cấp nhằm cắt giảm khí thải đang làm trái đất nóng dần lên, ngăn chặn những tác động xấu nhất của biến đổi khí hậu trong những thập kỷ tới.

Từ năm 2017, Tổng thống Trump đã cho thấy ý định về kế hoạch rút quốc gia khỏi thỏa thuận Paris, bởi ông cho rằng thỏa thuận đó “gây bất lợi cho Mỹ vì lợi ích độc quyền của các quốc gia khác”.

Các nhà phê bình gọi việc ông Trump rời bỏ hiệp định Paris về biến đổi khí hậu là hành động vô trách nhiệm và nguy hiểm, đồng thời, đưa ra những cảnh báo khoa học ngày càng nghiêm trọng về mực nước biển dâng cao, thời tiết khắc nghiệt hơn và những ảnh hưởng có sức tàn phá đối với nông nghiệp cũng như động vật hoang dã nếu thế giới thất bại trong việc cắt giảm khí thải nhà kính. Họ cũng gọi quyết định này là chính sách kinh tế tồi tệ, khi chính quyền không sử dụng năng lượng gió, năng lượng mặt trời và các công nghệ tái tạo khác đang phát triển, ngay cả khi ngành công nghiệp than mà Tổng thống Trump cố gắng củng cố vẫn tiếp tục đem lại những kết quả mờ nhạt.

Theo một cuộc thăm dò mới đây được thực hiện bởi The Post và Kaiser Family Foundation, ngày càng có nhiều người Mỹ mô tả biến đổi khí hậu là một cuộc khủng hoảng, và 2/3 trong số đó nói rằng ông Trump đang làm quá ít để giải quyết vấn đề.

Cuộc thăm dò cho thấy, cứ 10 người Mỹ thì 8 người nói rằng hoạt động của con người đang thúc đẩy sự biến đổi khí hậu, và khoảng một nửa tin rằng việc hành động là cần thiết khẩn cấp để nhân loại tránh được những tác động xấu nhất của biến đổi khí hậu trong thập kỷ tới.

Trong khi đó, mặc dù các nhà lãnh đạo thế giới đã cam kết tiếp tục hành động chống biến đổi khí hậu mà không có Mỹ thì tiến độ vẫn chậm và không đồng đều. Các cam kết cắt giảm khí thải mà các quốc gia công bố ở Paris gần như không đủ để đáp ứng các mục tiêu chi tiết theo thỏa thuận.

Theo các nhà khoa học, lượng khí thải CO2 toàn cầu tính riêng năm 2018, đạt mức cao kỷ lục. Điều này cho thấy khoảng cách rất lớn giữa kỳ vọng của thế giới về việc chống biến đổi khí hậu và thực tế tại các quốc gia.

Theo Washington Post

Diệu Linh

Nguồn VietTimes: http://viettimes.vn/quoc-gia-phat-thai-khi-nha-kinh-lon-nhat-the-gioi-quyet-dinh-rut-khoi-hiep-dinh-paris-ve-bien-doi-khi-hau-371713.html