Quốc hiệu và tên đường

Thăng Long xưa có 36 phố phường. Hà Nội nay có rất nhiều phố phường, có rất nhiều con đường gắn với những cái tên đẹp đầy ý nghĩa. Đường Đại Cồ Việt được đặt theo tên của nước Việt xưa Đại Cổ Việt dưới triều đại của vua Đinh – Lê là một trong những tên đường giàu ý nghĩa.

Đường Đại Cổ Việt thuộc phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng dài 1.081m, rộng 30m. Có điểm bắt đầu từ Ô Cầu Dền (cuối phố Huế) đến ngã tư Kim Liên - Lê Duẩn - Giải Phóng (cạnh góc Tây Nam công viên Thống Nhất và Trường Đại học Bách Khoa). Đây vốn là đoạn của bức tường phía Nam của tòa thành đất vòng giữa bao bọc phần đông dân cư kinh thành Thăng Long xưa mà dân quen gọi là La Thành.

Thời Pháp thuộc gồm 3 đoạn đường mang tên số 164, 202, 222 (voie N0164, 202, 222) gộp thành, năm 1945 được mang tên Đại Cổ Việt.

Năm 1993 đường Đại Cồ Việt đã được mở rộng, gồm 4 làn đường. Trên đường này có Trường Đại học Bách khoa, Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Một góc đường Đại Cồ Việt hôm nay_Ảnh: TG

Một góc đường Đại Cồ Việt hôm nay_Ảnh: TG

Lịch sử đã ghi lại rằng, Đại Cồ Việt là quốc hiệu nước ta thời nhà Đinh. Năm Mậu Thìn (968), Đinh Bộ Lĩnh sau khi đã dẹp xong các sứ quân và thống nhất đất nước, lên ngôi vua, lập kinh đô ở Hoa Lư (Ninh Binh) và đặt quốc hiệu là Đại Cổ Việt.

Tại đền thờ Đinh Tiên Hoàng ở Cố đô Hoa Lư có bức đại tự: Chính thống thủy. Chỉ bằng ba chữ, bức đại tự đã nêu bật được khí phách, công lao vĩ đại của Đinh Tiên Hoàng với lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc. Vị hoàng đế đầu tiên của nước Việt đã mở nền chính thống, xây dựng nên Nhà nước phong kiến trung ương tập quyền đầu tiên trong lịch sử với Quốc hiệu Đại Cồ Việt.

Một Quốc hiệu thể hiện tinh thần thượng võ, tự tôn của dân tộc, thể hiện vị thế mới của nước Việt với Đại Tống phương Bắc. Cũng tại đền thờ Đinh Tiên Hoàn ở cố đô Hoa Lư còn có đôi câu đối:

Cồ Việt Quốc đương Tống Khai Bảo
Hoa Lư đô thị Hán Tràng An

Lịch sử cũng đã ghi nhận: năm 1010 Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư ra Đại La đã mang theo nhiều địa danh của cố đô Hoa Lư (cầu Đông, cầu Dền…) để đặt cho các địa danh mới ở Đại La như một sự tiếp nối của lịch sử, sự tiếp nối từ Cố đô Hoa Lư đến Thăng Long Kinh đô mới. Thăng Long từ đây phát triển rực rỡ với các phố phường sầm uất.

Có thể nói, kỷ nguyên Đại Cồ Việt là một trong những kỷ nguyên vĩ đại nhất trong lịch sử dân tộc với các chiến công lừng lẫy: dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất giang sơn; kháng Tống, bình Chiêm…

Hùng Dũng

Nguồn Người Làm Báo: https://nguoilambao.vn/quoc-hieu-va-ten-duong-n58900.html