Quốc hiệu Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử (Kỳ 15)

Trân trọng giới thiệu tiếp 'Quốc hiệu Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử' của PGS TS Cao Văn Liên do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia ấn hành.

Tranh minh họa: Nguyễn Huệ - Thiên tài quân sự, anh hùng kiệt xuất của dân tộc. Nguồn: Internet.

Kỳ 15

Các chính quyền Trịnh -Nguyễn khi đó với chính sách “ức thương” phản động bóp chết tất cả những mầm mống của kinh tế hàng hóa: Độc quyền thủ công nghiệp, đánh thuế rất nặng các nghề thủ công tư nhân khiến họ bị vùi dập không phát triển lên được, không chuyển dịch được cơ cấu thủ công nghiệp sang kinh tế hàng hóa thị trường. Trong thương mại đối ngoại, các tập đoàn phong kiến ra sức bế quan tỏa cảng, khước từ giao lưu buôn bán với các nước tư bản phương Tây như Hà Lan, Pháp. . . khi đó có mặt ở Việt Nam . Chính sách bế quan tỏa cảng mù quáng, bảo thủ của các chính quyền phong kiến đã giam hãm đất nước trong vòng lạc hậu, bỏ qua vận hội, không tận dụng được những yếu tố bên ngoài để phát triển theo chiều hướng tiến bộ. Chính sách phản động này đã đưa đến kết quả mất nước vào nửa sau thế kỷ XIX khi bị thực dân Pháp tấn công xâm lược.

Như vậy qua 500 năm xây dựng và phát triển, vào thế kỷ XVI chế độ phong kiến Việt Nam bắt đầu suy thoái và vào thế kỷ XVIII bước vào cuộc khủng hoảng toàn diện trên tất cả các lĩnh vực chính trị, xã hội, kinh tế, tư tưởng, đạo đức. Các tập đoàn phong kiến chỉ biết quan tâm đến quyền lợi của bản thân gia đình và dòng họ, gây nội chiến chiến tranh tranh giành quyền lực, phá vỡ sự thống nhất đất nước, cam tâm bóc lột nhân dân một cách tàn bạo để ăn chơi sa đọa, đẩy nhân dân vào con đường khổ nhục, đói khát, mất ruộng đất nhà cửa, phiêu tán, chết chóc do đói khổ, chiến tranh. Chính sách phản động của nhà nước phong kiến đã triệt tiêu nền kinh tế hàng hóa thị trường, những nhân tố kinh tế tư bản chủ nghĩa không ra đời được, tức là Việt Nam vào thế kỷ XVIII vẫn không có những nhân tố mới để đưa xã hội phát triển theo chiều hướng tiến bộ chung của thời đại khi đó. Việt Nam vẫn bị giam hãm trong vòng xã hội phong kiến đã cực kỳ thối nát. Nguyên nhân khủng hoảng của chế độ phong kiến nằm ngay trong tư tưởng ích kỷ của giai cấp cầm quyền, thói tham lam vô hạn độ đã làm cho chúng không còn tư tưởng vì dân vì nước, quên mất đạo đức thánh hiền, quên mất nguyên lý “Dân vi bản”. Trong các thế kỷ này, tư tưởng cá nhân, dòng họ, tập đoàn chi phối toàn bộ các hoạt động, các chính sách của nhà nước. Cả dân tộc và nhân dân là nạn nhân của chính sách ích kỷ ấy của giai cấp cầm quyền.

Những nhiệm vụ cấp thiết của lịch sử Việt nam khi đó là phải lật đổ chế độ phong kiến, đưa Việt Nam sang một hình thái kinh tế xã hội cao hơn: Hình thái kinh tế xã hội tư bản chủ nghĩa, mở đường cho xã hội Việt Nam phát triển. Tức là xã hội Việt Nam khi đó cần có một cuộc cách mạng dân chủ tư sản, lật đổ chế độ phong kiến, mở đường cho chủ nghĩa tư bản phát triển, mang lại ruộng đất cho nông dân, quyền dân chủ cho nhân dân.

Bi kịch của lịch sử ở chỗ là Việt Nam khi đó chưa có những tiền đề kinh tế, xã hội, tư tưởng cho một cách mạng tư sản do chính sách ức thương của nhà cầm quyền phong kiến. Giai cấp tư sản Việt Nam chưa ra đời để lãnh đạo nhân dân thực hiện cuộc cách mạng tư sản. Vì thế giai cấp nông dân, để cứu mình, cứu nước đã đứng dậy tiến hành cuộc đấu tranh giai cấp quyết liệt chống chế độ phong kiến nhằm giải quyết những nhiệm vụ mà lịch sử đang đặt ra cho giai cấp, cho dân tộc trong thời đại đó.

5. Vương triều Tây Sơn (1771-1802)

Khởi nghĩa nông dân thế kỷ XVI-XVII-XVIII: Ở một quốc gia nông nghiệp như Việt Nam thì nông dân chiếm đa số, tới 90% dân số, họ là lực lượng sản xuất chính ra của cải vật chất cho xã hội. Giai cấp phong kiến cầm quyền thống trị áp bức, bóc lột chủ yếu là áp bức bóc lột nông dân. Cho nên mâu thuẫn giữa nông dân với giai cấp quí tộc phong kiến, với nhà nước phong kiến là mâu thuẫn cơ bản, bao trùm toàn bộ xã hội. Khi các triều đại vừa mới thành lập, các vua ông, vua cha còn biết “Khoan thứ sức dân để làm kế sâu gốc bền rễ” thì mâu thuẫn giữa hai giai cấp này còn tạm thời chưa gay gắt. Nhưng thế kỷ XVI, XVII, XVIII chế độ phong kiến đã tha hóa, các vua con, vua cháu, các quan con, quan cháu quên lời dặn dò, quên những kinh nghiệm lịch sử quí báu của ông cha, chỉ biết tăng cường áp bức bóc lột nông dân để nhiều tiền ăn chơi sa đọa thì nông dân là người chịu hậu quả nặng nề nhất của một chế độ tha hóa, thối nát. Từ thế kỷ XVI, XVII nông dân đã bị cướp đoạt ruộng đất. Sang thế kỷ XVIII hầu hết ruộng đất trong nước đều nằm trong tay giai cấp địa chủ phong kiến. Nông dân còn phải chịu nộp hàng trăm thứ thuế phi lý, nặng nề, quanh năm không bao giờ đủ thóc và tiền để nộp thuế. Chính quyền không chăm lo bảo vệ tôn tạo đê điều, do đó nạn vỡ đê lụt lội xẩy ra thường xuyên, sản xuất bị tàn phá dẫn đến nạn mất mùa đói kém liên tục suốt các thế kỷ XVI, XVII, XVIII. Nạn đói năm 1740 có nơi chết 9/10 dân số, một mẫu ruộng không đổi được một cái bánh đa, 100 đồng tiền không đổi được một bữa ăn. Nông dân phải bỏ nhà cửa, quê hương tha phương cầu thực. Ở Đàng Ngoài vào các thế kỷ này có 527 xã cư dân phiêu bạt hết. Năm 1741 con số này lên đến 3691 xã[1]. Trong khi đó, tầng lớp cầm quyền coi tiền bạc như cỏ rác, coi mạng người như chó ngựa. Hàng chục vạn nông dân phơi xác ngoài chiến trường bởi các cuộc chiến tranh Nam-Bắc triều, chiến tranh Trịnh-Nguyễn. Hàng vạn nông dân còn phơi xác trên con đường đói khát, tha phương cầu thực. Số còn lại bị áp bức búc lột, bị hành hạ gần như nô lệ bởi một bộ máy bạo lực khổng lồ, bởi tầng lớp cầm quyền hoàn toàn vô nhân tính. Mâu thuẫn giữa nông dân với phong kiến vào thế kỷ XVI, XVII, XVIII đã bị đẩy đến mức độ gay gắt nhất trong lịch sử xã hội Việt Nam. Vì vậy các thế kỷ này nông dân đã vùng dậy khởi nghĩa từ thế kỷ XVI, XVII với một khí thế quật khởi rung trời chuyển đất, với mục đích lật nhào chế độ bất công tham lam tàn ác.

Bước sang thế kỷ XVIII, giai cấp nông dân bị nhà nước đẩy đến bước đường cùng, do đó khởi nghĩa đã biến thành những cuộc chiến tranh nông dân, nội chiến thực sự. Tất cả các cuộc khởi nghĩa chứng minh tinh thần bất khuất của nông dân. Tinh thần và sức mạnh của giai cấp này được kết tinh lại thành một cuộc chiến tranh nông dân to lớn nhất vào những năm 70 của thế kỷ XVIII.

Phong trào nông dân Tây Sơn (1771-1802).

Năm 1771 khởi nghĩa nông dân bùng nổ ở ấp Tây Sơn, huyện Bình Khê tỉnh Bình Định (nay thuộc huyện Tây Sơn tỉnh Bình Định) do ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ lãnh đạo, trong đó nổi bật nhất là Nguyễn Huệ. Cùng với sự phát triển của phong trào, Nguyễn Huệ vươn lên trở thành người anh hùng, lãnh tụ kiệt xuất của phong trào cách mạng nông dân Tây Sơn, thành anh hùng dân tộc. Tổ tiên bốn đời của ba lãnh tụ Tây Sơn là họ Hồ ở làng Thái Lão, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Trong một trận giao tranh giữa quân Nguyễn và quân Trịnh, quân Nguyễn đã vượt sông Gianh bắt cụ tổ của họ vào ấp Tây Sơn khai hoang. Từ họ Hồ sau đổi sang họ Nguyễn hẳn nhiều lý do. Thân sinh của ba lãnh tụ Tây Sơn là cụ Nguyễn Phi Phúc và Nguyễn Thị Đông. Năm 1771 khi khởi nghĩa, Nguyễn Huệ là em thứ hai sau Nguyễn Nhạc mới 19 tuổi. Như vậy là Vua Quang Trung-Nguyễn Huệ sinh năm 1752. Sách xưa mô tả Nguyễn Huệ tóc hơi xoăn, khỏe mạnh, da ngăm ngăm đen, mắt sáng như chớp, tiếng nói trầm mà sang sảng như tiếng chuông. Sau này khi tiến ra Bắc lật đổ nhà Trịnh năm 1786, ra mắt vua Lê Hiển Tông, triều đình quan lại nhìn thấy “ thần sắc của Bắc Bình Vương rực rỡ uy nghiêm, ai cũng run sợ hãi hùng”[2].

(Còn nữa)

CVL

[1] :Ủy ban khoa học xó hội Việt nam: Lịch sử Việt nam t1, sách đó dẫn, tr324.

[2] :Ngô Gia văn phái:hoàng Lê nhất thống chí, nxb văn học, Hà nội, 1964, trang

PGS TS Cao Văn Liên

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/quoc-hieu-viet-nam-qua-cac-thoi-ky-lich-su-ky-15-a19026.html