Quốc hội cần xem xét, quyết định danh mục trong kế hoạch đầu tư công

Thảo luận về dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, nhiều đại biểu cho rằng quyết định danh mục trong kế hoạch đầu tư công trung hạn là vấn đề quan trọng, đó là tiền thuế của nhân dân - một khoản vốn rất lớn vì thế Quốc hội cần phải xem xét nội dung này.

Đại biểu Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội): Việc Quốc hội quyết định danh mục thể hiện tính thống nhất, tính hợp hiến, hợp pháp

Đại biểu Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai

Đại biểu Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai

Quyết định danh mục trong kế hoạch đầu tư công trung hạn là vấn đề rất lớn. Trong giai đoạn 2016-2020, tổng chi Ngân sách Nhà nước (NSNN) là 8.025.000 tỷ đồng, riêng đầu tư phát triển là 2.000.000 tỷ đồng, chiếm 25%. Việc quyết định danh mục cũng đồng nghĩa với việc quyết định phân bổ 2.000.000 tỷ đồng. Trong tương lai, con số này có thể lớn hơn. Đây là tiền thuế của nhân dân - một khoản vốn rất lớn. Với vị trí là người đại diện cho nhân dân, Quốc hội không thể không xem xét nội dung này.

Việc Quốc hội quyết định danh mục thể hiện tính thống nhất, tính hợp hiến, hợp pháp. Tại Điều 70 Hiến pháp đã quy định rất rõ quyết định dự toán ngân sách và Điều 19 của Luật Ngân sách Nhà nước cũng quy định tương tự. Xét về bản chất, kế hoạch đầu tư công trung hạn và danh mục kèm theo chính là dự toán cho cả giai đoạn trung hạn, dự toán chi đầu tư phát triển. Nếu giao Chính phủ quyết định danh mục đầu tư công trung hạn đồng nghĩa với việc giao Chính phủ quyết định dự toán trung hạn. Điều này không phù hợp với Hiến pháp, ngược về quy trình, ngược về thẩm quyền, dẫn đến một nghịch lý đó là Quốc hội sẽ phải căn cứ vào danh mục mà Chính phủ đã quyết để ban hành dự toán hàng năm.

Xét về tính công khai, minh bạch, đây là yêu cầu căn bản, cũng là nguyên tắc đầu tiên trong phân bổ ngân sách. Chỉ có công khai, minh bạch mới khắc phục được cơ chế xin, cho; giảm được gánh nặng cho các địa phương trong đề xuất dự án.

Nếu Quốc hội không quyết định danh mục, đó sẽ là một bước lùi trong phân bổ ngân sách. Trong lịch sử Quốc hội những năm gần đây, việc phân bổ kế hoạch đầu tư công, giao vốn cho các dự án, về cơ bản được thực hiện bởi Quốc hội và Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội. Điều này thể hiện bằng các Nghị quyết 881, 726, 736, 26, 71 và bây giờ chúng ta cũng không nên tạo ra một tiền lệ khác.

Xét về mặt logic, Quốc hội sẽ không thể thông qua tổng mức đầu tư nếu như không biết rằng nguồn tiền rất lớn đó được phân bổ cho mục tiêu nào, cho dự án cụ thể nào. Chính vì vậy, việc trình danh mục là căn cứ để Quốc hội xem xét quyết định tổng mức đầu tư.

Quốc hội quyết định danh mục có làm giảm đi tính linh hoạt trong điều hành hay không? Danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn không phải danh mục “cứng” mà hoàn toàn có thể điều chỉnh trong trường hợp cần thiết. Điều 75 Luật Đầu tư công hiện hành có quy định rất rõ các trường hợp được điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và đã phân cấp cho UBTV Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ trong những trường hợp cần thiết. Trên thực tế, 4 năm qua Chính phủ nhiều lần trình UBTV Quốc hội điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn. Như vậy, không có việc chúng ta không có căn cứ để điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Việc trình Quốc hội có làm chậm tiến độ các dự án hay không? 4 năm qua kể từ khi thực hiện Luật Đầu tư công, các cơ quan của Quốc hội đã nhiều lần phải gửi văn bản đôn đốc các cơ quan của Chính phủ để đẩy nhanh tiến độ. Riêng Ủy ban Tài chính - Ngân sách đã không dưới 7 lần gửi văn bản tới các cơ quan của Chính phủ để đẩy nhanh tiến độ.

Về nguyên nhân việc giải ngân chậm, một số dự án chậm tiến độ, qua giám sát thực tế và qua Báo cáo của Chính phủ, tôi nhận thấy nguyên nhân chính là do tổ chức thực hiện, do triển khai giải phóng mặt bằng chậm, do năng lực nhà thầu còn hạn chế. Đến chiều hôm qua chúng tôi kiểm tra lại thông tin và đến giờ phút này nhiều địa phương vốn kế hoạch năm 2019 chưa được giao. Nên lý do chậm tiến độ không nằm ở cơ quan lập pháp.

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (Cà Mau): Danh mục dự án phải đi liền với kế hoạch đầu tư công

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân

Tôi hoàn toàn ủng hộ phương án 1 và những lập luận của UBTV Quốc hội về thẩm quyền xem xét, quyết định danh mục dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn. Lập luận như vậy phù hợp với Hiến pháp, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội. Ngoài ra, tôi xin bổ sung ba căn cứ:

Một, tại Chương I về chế độ chính trị, trong Hiến pháp khẳng định cơ chế phân công quyền lực nhà nước của chúng ta là “quyền lực nhà nước là thống nhất; có sự phối hợp, kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”. Vì lẽ đó, trong Điều 69 Hiến pháp khẳng định Quốc hội có ba chức năng cơ bản là lập hiến, lập pháp, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao. Khoản 2 và 3, Điều 70 khẳng định, nhiệm vụ của Quốc hội là hoạch định chiến lược và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Kế hoạch đầu tư công trung hạn là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Quốc hội.

Hai, danh mục dự án là một bộ phận trung tâm hạt nhân, có tính chất quyết định kế hoạch đầu tư công trung hạn. Nếu tách rời danh mục dự án thì kế hoạch đầu tư công trung hạn không còn ý nghĩa. Như vậy, Quốc hội sẽ không còn vai trò, vị trí của mình là quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.

Ba, theo quy định tại Điều 94 Hiến pháp, Chính phủ là cơ quan chấp hành của Quốc hội, là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam thực hiện quyền hành pháp. Nếu giao quyền này cho Chính phủ thì không đúng với nguyên tắc phân công và tổ chức quyền lực nhà nước. Ở đây không phải sự phân cấp mà là tổ chức quyền lực nhà nước theo cơ chế phân công quyền lực cho mỗi cơ quan thực hiện quyền hành pháp, lập pháp và tư pháp; nó trái với tinh thần của Hiến pháp.

Trên thực tế, kế hoạch đầu tư công trung hạn sở dĩ trục trặc, không thực hiện được theo Luật Đầu tư công là do năng lực của bộ máy tham mưu giúp việc của Chính phủ chưa làm tròn trách nhiệm Quốc hội giao. Thực tế, Quốc hội đang phải có cơ chế linh hoạt trong Nghị quyết số 26 và Nghị quyết số 71, về mặt tổ chức quyền lực, quyền này chỉ có thể trao cho UBTV Quốc hội trong trường hợp cần thiết mà không thể trao cho Chính phủ.

Trước phiên thảo luận, trong báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, về thẩm quyền xem xét, quyết định danh mục dự án kế hoạch đầu tư công trung hạn, UBTV Quốc hội xin ý kiến đại biểu theo 2 phương án: Quốc hội quyết định (phương án I) hoặc Quốc hội quyết định tổng mức, giao Chính phủ quyết định, điều chỉnh danh mục dự án theo kế hoạch đầu tư công trung hạn được Quốc hội thông qua (phương án II).

Lê Thùy

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/quoc-hoi-can-xem-xet-quyet-dinh-danh-muc-trong-ke-hoach-dau-tu-cong-538064.html