Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông

Có 70 ĐBQH đăng ký chất vấn Bộ trưởng Bộ TT-TT Trương Minh Tuấn. Nội dung chất vấn tập trung vào việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính; công tác quản lý nhà nước về báo chí, truyền thông; về hệ thống dịch vụ truyền thông, việc xã hội hóa các chương trình phát thanh, truyền hình; giải pháp kiểm soát, hạn chế thông tin xấu, độc hại, phản cảm trên mạng xã hội và định hướng thông tin, tuyên truyền văn hóa, đạo đức xã hội.

Chất vấn Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) cho rằng, việc xây dựng Chính phủ điện tử lấy người dân, doanh nghiệp làm chính. Trong báo cáo, dù đã có cố gắng nhưng 2 năm thực hiện, việc ứng dụng công nghệ thông tin còn thấp, người dân chưa được hưởng dịch vụ công chưa tiện lợi, có biểu hiện lãng phí. Để xảy ra trách nhiệm của Bộ đến đâu? Thời gian tới Bộ trưởng có giải pháp nào đủ mạnh để khắc phục không?

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn

Trả lời ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho rằng hoạt động công nghệ ứng dụng thông tin cơ quan nhà nước được đẩy mạnh. Việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến đã được các bộ ngành đã thực hiện ở mức cao, giúp tiện lợi cho người dân. Một số lĩnh vực như: thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội có kết quả khả quan trong việc cung cấp thông tin phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Hiện các địa phương có 14.000 dịch vụ trực tuyến ở mức độ 3, 4 đã được thực hiện. Người dân giảm được nhiều thời gian, công sức. Cụ thể như, lĩnh vực hải quan, thuế xử lý trên 21 triệu hồ sơ trực tuyến; Bảo hiểm xã hội Việt Nam xử lý trên 28 triệu hồ sơ trực tuyến; ngành Ngoại giao trên 1,6 triệu hồ sơ trực tuyến; Bộ Kế hoạch và Đầu tư trên 450 nghìn hồ sơ trực tuyến; Bộ Tư pháp trên 258 nghìn hồ sơ trực tuyến...

Tuy nhiên, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn thừa nhận việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến còn nhiều hạn chế, công cuộc xây dựng Chính phủ điện tử còn nhiều tồn tại ở một số bộ ngành. Nhiều dịch vụ công trực tuyến chưa phát sinh hồ sơ, mới chỉ dừng ở công tác văn thư, lưu trữ. Nguyên nhân là người đứng đầu chưa quyết liệt áp dụng dịch vụ công; kinh phí đầu tư Chính phủ điện tử không đáp ứng được yêu cầu, nhu cầu; lộ trình triển khai không theo kế hoạch; nguồn nhân lực công nghệ thông tin thiếu…

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết, năm 2015, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Khung kiến trúc chính phủ điện tử phiên bản 4.0 và ban hành các văn bản hướng dẫn các địa phương. Đồng thời đề nghị các địa phương thực hiện nghiêm quyết định 1819 của Chính phủ. Bộ Thông tin đã phối hợp với Bộ Nội vụ xây dựng nhiều đề án, kế hoạch để thúc đẩy việc xây dựng Chính phủ điện tử, cải cách hành chính thông qua ứng dụng tiến bộ công nghệ thông tin.

“Chính phủ yêu cầu các bộ ngành, địa phương thực hiện nghiêm ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao hiệu quả nâng dịch vụ công” - Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nói.

THÁI AN

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/quoc-hoi-chat-van-bo-truong-bo-thong-tin-va-truyen-thong-d66973.html