Quốc hội điều chỉnh mức chi theo Chính phủ?

- Trước tình trạng bội chi ngân sách lên tới gần 68 ngàn tỉ đồng, vượt tới 33% so với dự toán ban đầu, nhiều đại biểu lên tiếng mạnh mẽ yêu cầu kiểm toán Nhà nước phải vào cuộc để công khai, minh bạch các khoản thu chi ngân sách.

Đề nghị công khai, minh bạch việc chi vượt dự toán Chính phủ trình Quốc hội phê chuẩn quyết toán thu-chi NSNN năm 2008 với tổng số thu là 548.529 tỷ đồng. Tổng số chi cân đối NSNN là 590.714 tỷ đồng, bội chi NSNN 67.677 tỷ đồng, chiếm 4,5% GDP. Quyết toán ngân sách nhà nước năm 2008 vượt dự toán tới 33,3%. Ủy ban Tài chính – Ngân sách đã đề nghị Quốc hội phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2008 như Tờ trình của Chính phủ. Đại biểu Đặng Như Lợi (Cà Mau) lên tiếng phản đối: “Chính phủ chi vượt dự toán, còn báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính thì đề nghị Quốc hội thông qua con số chi vượt đó. Bây giờ đại biểu quốc hội chẳng có cơ sở nào để bảo rằng con số vượt chi đó là không được. Bội chi lên tới gần 68 ngàn tỉ đồng, tôi không hiểu là cái gì, cách tính toán như trong báo cáo là những con số vô lí về mặt toán học”. Đại biểu Lợi còn “mát mẻ” rằng với mức chi vượt lên tới 33% so với dự toán ban đầu, nhất là trong bối cảnh khó khăn thế này mà vẫn chi được vượt dự toán như vậy thì đề nghị Quốc hội nên biểu dương!. Ông cũng lên tiếng không hiểu vì sao GDP chỉ tăng 0,4 – 0,7% mà quyết toán ngân sách giờ lại vượt tới 33%. Đại biểu Nguyễn Văn Ba nêu ý kiến: “Đề nghị tất cả các nguồn chi phải có kiểm toán. Phải khuyến khích các cơ sở kiểm toán độc lập, có như vậy mới thực hiện được mong muốn mọi chi tiêu phải rõ ràng, rành mạch và khi đại biểu ấn nút thông qua thì mới yên tâm được”. Hiệu quả việc chi ngân sách quốc gia cũng được đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) yêu cầu làm rõ. Thay vì chỉ đưa những con số chung chung, Chính phủ hãy cụ thể là có bao nhiêu công trình đầu tư xong được đưa vào sử dụng, bao nhiêu công trình không được đưa vào sử dụng, lãng phí. Quốc hội không thể dễ dàng chấp nhận vượt chi Đại biểu Phan Trọng Lý (Nghệ An) lến tiếng về việc phải đảm bảo tính hiệu lực các quyết định của Quốc hội, nhất là trong vấn đề thu chi ngân sách. Vượt thu, vượt chi so với dự toán ban đầu năm nào Quốc hội cũng chấp nhận còn Chính phủ năm sau lại tái diễn như vậy. “Tôi đề nghị phải làm rõ vì sao vượt chi. Có người nói do dự toán, dự báo không tốt. Làm rõ có phải có ý chủ quan trong tham mưu hay có âm mưu lập dự toán thấp để thông qua rồi sau đó bội chi. Quốc hội không thể dễ dàng nói vượt chi rồi thì thôi chấp nhận, rồi sang năm lại tái như vậy”, đại biểu Lý lên tiếng. Đại biểu Lý đề nghị làm rõ trách nhiệm từ khâu lập dự toán đến khâu thực hiện vượt thu chi ngân sách. “Ngân sách là tiền của nhân dân, phải sử dụng hiệu quả. Vượt chi phải chăng chủ yếu chỉ ở 3 tháng cuối năm hay không, đó có phải là vì mục tiêu cố giải ngân hay không”. Cùng quan điểm với nhiều đại biểu trước đó, ông Phan Trọng Lý đề nghị kiểm toán phải vào cuộc, giúp Quốc hội nhiệm vụ xem xét, quyết định ngân sách Nhà nước. “Tự kiểm toán Nhà nước phải trình ý kiến của kiểm toán để Quốc hội quyết định về ngân sách. Kiểm toán phải bố trí tổng kiểm toán trước khi Quốc hội quyết định về vấn đề ngân sách của quốc gia”, đại biểu Lý nhấn mạnh. Nguyễn Bảo

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://bee.net.vn/channel/1983/201005/Quoc-hoi-dieu-chinh-muc-chi-theo-Chinh-phu-1755155/