Quốc hội Mỹ tăng cường an ninh trước mối đe dọa tấn công cực đoan

Một quan chức xác nhận trong bối cảnh mối quan ngại về âm mưu tấn công từ các nhóm cực đoan, Cảnh sát Đồi Capitol đã yêu cầu gia hạn thời gian triển khai lực lượng Vệ binh quốc gia bảo vệ khu vực.

Lực lượng vệ binh quốc gia Mỹ tuần tra gần Đồi Capitol ở Washington, D.C. (Ảnh: AFP/ TTXVN)

Lực lượng vệ binh quốc gia Mỹ tuần tra gần Đồi Capitol ở Washington, D.C. (Ảnh: AFP/ TTXVN)

Ngày 4/3, Lực lượng Vệ binh quốc gia Mỹ đã tăng cường tuần tra xung quanh khu vực tòa nhà Quốc hội sau khi giới chức nước này cảnh báo về âm mưu tấn công của các phần tử cực đoan.

Trước đó, các nhà chức trách Mỹ ban hành cảnh báo, trong đó cho rằng các nhóm cực đoan và những người ủng hộ nhóm QAnon đã lên kế hoạch về một vụ tấn công khác nhằm vào cơ quan lập pháp này vào khoảng thời gian gần với ngày 4/3.

Hạ viện Mỹ đã quyết định hủy các cuộc họp trong khi đó Thượng viện Mỹ vẫn tiến hành phiên họp toàn thể vào ngày 4/3 với việc tiến hành một cuộc bỏ phiếu về thủ tục đối với dự luật cứu trợ COVID-19 trị giá 1.900 tỷ USD do Tổng thống Joe Biden đề xuất. Phiên họp đã diễn ra suôn sẻ mà không có sự trở ngại nào.

Một quan chức xác nhận trong bối cảnh mối quan ngại về âm mưu tấn công từ các nhóm cực đoan, Cảnh sát Đồi Capitol đã yêu cầu gia hạn thời gian triển khai lực lượng Vệ binh quốc gia bảo vệ khu vực đến hết tháng 5 tới.

Trong nội dung cảnh báo, Bộ An ninh nội địa (DHS) và Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) đã nhấn mạnh đến nguy cơ các phần tử cực đoan, vốn tin rằng có gian lận trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ hồi tháng 11/2020, sẽ thực hiện vụ tấn công nhằm vào trụ sở Quốc hội.

Cả DHS và FBI cũng cảnh báo nguy cơ tiềm ẩn từ những đối tượng tin vào thuyết âm mưu rằng cựu Tổng thống Donald Trump có thể tái chiếm quyền lực vào ngày 4/3. Đây là ngày Mỹ tổ chức lễ nhậm chức tổng thống và chính quyền mới vào thời gian trước năm 1933. Nội dung cảnh báo cũng cho hay vào cuối tháng 2, một số nhóm cực đoan còn lên kế hoạch kiểm soát Đồi Capitol.

FBI và DHS đã từng thừa nhận về việc chưa chuẩn bị và không đưa cảnh báo hợp lý về nguy cơ xảy ra vụ bạo loạn tại Quốc hội Mỹ vào ngày 6/1, khiến 5 người thiệt mạng.

Bộ Tư pháp Mỹ cho biết đã bắt giữ hơn 200 đối tượng, đồng thời đang điều tra hàng trăm người khác, bao gồm thành viên các nhóm cực đoan như Proud Boys, Oath Keepers và Three Percenters.

Giới chức an ninh Mỹ cho rằng mối đe dọa từ những phần tử này vẫn tiếp diễn trong năm nay, thậm chí đến hết năm 2022. Trong một phiên điều trần trước Quốc hội, Giám đốc FBI Christopher Wray cho biết cơ quan này đã tiến hành 2.000 vụ điều tra liên quan đến phần tử cực đoan trong nước, tăng gấp đôi so với năm 2017.

Trong khi đó, trong thông điệp gửi đến các lực lượng Mỹ ngày 4/3, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin nhấn mạnh ngay cả khi nước này đang phải giải quyết nhiều vấn đề khác, Washington vẫn bảo đảm duy trì khả năng sẵn sàng ứng phó và ngăn chặn hiệu quả các mối đe dọa đến từ bên ngoài.

Ông nhấn mạnh Mỹ sẽ tiếp tục duy trì khả năng răn đe đối với các mối đe dọa mới, đồng thời xác định quy mô các phái bộ của nước này trên khắp thế giới một cách có nguyên tắc.

Bộ trưởng Austin đưa ra tuyên bố trên trong bối cảnh Mỹ đang xem xét lại hoạt động quốc phòng của nước này trên toàn cầu nhằm xác định những khu vực nào trên thế giới mà Mỹ cần tăng cường hay giảm bớt sự hiện diện quân sự.

Mỹ có mạng lưới căn cứ quân sự ở nước ngoài nhiều hơn bất cứ nước nào. Báo Politico dẫn nguồn tin quân sự Mỹ tiết lộ Washington có xấp xỉ 800 căn cứ quân sự thường trực trên khắp thế giới, vận hành với hơn 230.000 binh lính.

Riêng khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Mỹ duy trì 154.000 binh sỹ đồn trú, gồm 50.000 binh sĩ tại 109 căn cứ ở Nhật Bản, 28.000 quân nhân làm nhiệm vụ tại 85 căn cứ ở Hàn Quốc. Ở châu Âu, nước này sở hữu tới 65.000 quân nhân tại 350 căn cứ, gồm 58 căn cứ ở Italy và gần 180 cơ sở quân sự trên lãnh thổ Đức./.

Thanh Hương-Trần Quyên (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/quoc-hoi-my-tang-cuong-an-ninh-truoc-moi-de-doa-tan-cong-cuc-doan/698069.vnp