Quốc hội nghe Báo cáo thẩm tra Dự án luật xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam

Chiều ngày 28/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội nghe Báo cáo thẩm tra Dự án luật xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam. Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ điều hành nội dung làm việc.

Quốc hội nghe Báo cáo thẩm tra dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam

Quốc hội nghe Báo cáo thẩm tra dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam

Thay mặt Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Chủ nhiệm Ủy ban Võ Trong Việt nêu rõ, thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội và phân công của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ngày 06/5/2019, Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội (Ủy ban QPAN) đã tổ chức Phiên họp toàn thể để thẩm tra dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam theo Tờ trình số 156/TTr-CP ngày 05/5/2019 của Chính phủ. Tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, Ủy ban QPAN báo cáo Quốc hội kết quả thẩm tra như sau:

Ủy ban QPAN nhất trí với Tờ trình của Chính phủ và nhấn mạnh: Việc ban hành Luật này nhằm quy định đầy đủ, cụ thể, rõ ràng, minh bạch trình tự, thủ tục quản lý xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan và các trường hợp hạn chế quyền công dân trong hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng những thành tựu của khoa học, công nghệ trong quản lý xuất nhập cảnh, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế; khắc phục những bất cập, hạn chế trong hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh đối với công dân Việt Nam thời gian qua. Năm 2014, Quốc hội đã ban hành Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Giữa hai Luật này khác nhau về đối tượng áp dụng, nội dung điều chỉnh, thủ tục hành chính, các loại giấy tờ được cấp và nội dung, trách nhiệm quản lý nhà nước… Do vậy, Ủy ban QPAN đề nghị không hợp nhất dự thảo Luật này với Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Về bố cục của dự thảo Luật, Ủy ban QPAN tán thành với các ý kiến đề nghị bổ sung quy định về Cơ sở dữ liệu chuyên ngành về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, quy định về sử dụng hộ chiếu và hình thức, nội dung của hộ chiếu. Đồng thời, tán thành với các mục trong Chương III, vì cho rằng đã phù hợp với hình thức, nội dung cần điều chỉnh, bảo đảm rõ ràng, minh bạch, thuận lợi cho việc thực hiện.

Về phạm vi điều chỉnh, Ủy ban QPAN tán thành với phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, vì cho rằng khi công dân Việt Nam ra nước ngoài thì phải chấp hành pháp luật của nước sở tại, đồng thời không được thực hiện hành vi xâm phạm ANQG của Việt Nam. Hoạt động phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh với các hoạt động xâm phạm, đe dọa xâm phạm ANQG của các đối tượng trong và ngoài nước đã được điều chỉnh bởi pháp luật về ANQG và phòng, chống tội phạm, do các lực lượng chuyên trách bảo vệ ANQG chủ trì, phối hợp thực hiện. Hoạt động kiểm soát xuất cảnh, nhập cảnh đối với phương tiện và kiểm tra hàng hóa, vật phẩm, hành lý, vật dụng cá nhân của người xuất cảnh, nhập cảnh đang thực hiện theo quy định của pháp luật về an ninh hàng không, quản lý cửa khẩu biên giới đất liền, quản lý cảng biển và bảo vệ an ninh, trật tự tại cửa khẩu cảng, không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.

Chủ nhiệm Ủy ban Võ Trong Việt trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam

Đối với nội dung cấp hộ chiếu phổ thông và giấy thông hành, Ủy ban QPAN thấy rằng, thời hạn cấp các loại hộ chiếu quy định trong dự thảo Luật đang kế thừa quy định hiện hành (Nghị định số 136/2007/NĐ-CP và Nghị định số 94/2015/NĐ-CP của Chỉnh phủ), thậm chí thời hạn cấp hộ chiếu phổ thông tại nước ngoài (08 ngày) là dài hơn so với quy định hiện hành (05 ngày). Đối với trường hợp người Việt Nam định cư ở nước ngoài có nhu cầu rút ngắn thời gian cấp hộ chiếu để nhanh chóng về nước khi có người thân ở trong nước bị tai nạn, bệnh tật, từ trần… là xác đáng, cần được tạo điều kiện thuận lợi hơn. Cấp giấy thông hành để phục vụ qua lại các nước láng giềng có chung đường biên giới với Việt Nam đang thực hiện theo các thỏa thuận song phương khác nhau và các văn bản hướng dẫn kèm theo, nên không thể đưa vào quy định đầy đủ, cụ thể trong dự thảo Luật này. Việc quy định những nội dung cơ bản về trình tự, thủ tục cấp giấy thông hành và giao Chính phủ quy định chi tiết như ý kiến đại biểu nêu trên là phù hợp với nội dung kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 33 (tháng 4/2019), sẽ nâng cao giá trị pháp lý của các quy định này; bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất, logic trong việc quy định trình tự, thủ tục cấp các loại giấy tờ xuất nhập cảnh và phù hợp với khoản 2 Điều 14 của Hiến pháp năm 2013. Do đó, Ủy ban QPAN đề nghị tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến trên cho phù hợp.

Đối với các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh, Ủy ban QPAN tán thành với loại ý kiến gắn với khoản 6 Điều 28 dự thảo Luật và cho rằng: Việc quy định trường hợp hạn chế xuất cảnh vì lý do dịch bệnh nguy hiểm lây lan, truyền nhiễm nhằm mục đích bảo vệ tính mạng, sức khỏe của công dân; phong tỏa vùng dịch, ngăn chặn, dập dịch lây lan ra cộng đồng; phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 và một số Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên ; thống nhất với quy định của Luật Biên giới quốc gia, Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng, Nghị định số 112/2014/NĐ-CP ngày 21/11/2014 của Chính phủ quy định về quản lý cửa khẩu biên giới đất liền . Đối với các nội dung khác, Ủy ban QPAN đề nghị tiếp tục nghiên cứu để quy định cụ thể, chặt chẽ hơn để vừa bảo đảm quốc phòng, an ninh, vừa bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tránh lạm dụng, áp dụng tùy tiện quy định này.

Chủ nhiệm Ủy ban Võ Trọng Việt cho biết, ngoài các nội dung trên, đề nghị rà soát toàn bộ dự thảo Luật để chỉnh lý văn phong, kỹ thuật văn bản cho phù hợp, đúng với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật./.

Hồ Hương - Nhóm ảnh

Nguồn Quốc Hội: http://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=40456