QUỐC HỘI NGHE BÁO CÁO THẨM TRA VỀ VIỆC ĐỀ NGHỊ CHO LÙI THỜI GIAN THU TIỀN CẤP QUYỀN KHAI THÁC KHOÁNG SẢN VÀ KHAI THÁC TÀI NGUYÊN NƯỚC

Thực hiện Chương trình Kỳ họp thứ 8, chiều 21/10, Quốc hội nghe Ủy ban Kinh tế báo cáo thẩm tra về việc đề nghị Quốc hội cho lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành nội dung làm việc.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh báo cáo tại Kỳ họp

Về đề nghị lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước, thay mặt Ủy ban Kinh tế, Chủ nhiệm Ủy ban Vũ Hồng Thanh nêu rõ, theo Tờ trình 437/TTr-CP ngày 04/10/2019 của Chính phủ, Luật Khoáng sản số 60/2010/QH12 có hiệu lực từ ngày 01/7/2011 (Luật Khoáng sản) và Luật Tài nguyên nước số 17/2012/QH13 có hiệu lực từ ngày 01/01/2013 (Luật Tài nguyên nước) đều quy định về thu tiền cấp quyền khai thác đối với các loại khoáng sản và tài nguyên nước, nhằm tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, nâng cao ý thức, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong bảo vệ, khai thác, sử dụng hiệu quả các loại khoáng sản và tài nguyên nước phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của nhân dân, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, của xã hội và của tổ chức, cá nhân. Tuy nhiên, đến ngày 28/11/2013 Chính phủ mới ban hành Nghị định 203/2013/NĐ-CP về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản có hiệu lực thi thành từ ngày 20/01/2014 (Nghị định 203), chậm hơn 2 năm 6 tháng và đến ngày 17/7/2017 mới ban hành Nghị định số 82/2017/NĐ-CP về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước có hiệu lực thi hành từ ngày 01/9/2017 (Nghị định 82), chậm 4 năm 8 tháng.

Việc Chính phủ chậm ban hành các Nghị định hướng dẫn nêu trên đã làm cho các tổ chức, cá nhân phải nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước không có cơ sở thực hiện nghĩa vụ nộp tiền; các cơ quan quản lý nhà nước cũng không thu số tiền phải nộp. Đến nay, Chính phủ cho rằng việc triển khai thu đối với số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và tài nguyên nước nêu trên là không khả thi, có nhiều khó khăn, vướng mắc, do đó kiến nghị Quốc hội cho phép lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước từ thời điểm Luật có hiệu lực đến thời điểm Nghị định có hiệu lực.

Về vấn đề này, trong Ủy ban Kinh tế có 02 loại ý kiến: Đa số ý kiến đồng ý với đề xuất của Chính phủ và cho rằng việc truy thu số tiền nêu trên là khó khả thi do các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản, tài nguyên nước đã quyết toán, công bố lỗ, lãi, nộp các khoản thuế và phân chia lợi nhuận, có những tổ chức đã giải thể, phá sản; các dự án, công trình đã được cấp quyền khai thác khoáng sản, tài nguyên nước trước đây đến nay có thể không còn hoạt động/sử dụng hoặc đã chuyển cho tổ chức, cá nhân khác. Mặt khác, để thu được số tiền của hai lĩnh vực nêu trên, Nhà nước có thể sẽ phải bỏ số tiền không nhỏ cho nguồn nhân lực, thủ tục hành chính, công tác thẩm định, công tác thu, xử lý khiếu nại... Do đó, việc cho lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản từ ngày 01/7/2011 (ngày Luật Khoáng sản có hiệu lực) đến ngày 01/01/2014 (ngày Nghị định 203 có hiệu lực) và tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước từ ngày 01/01/2013 (ngày Luật Tài nguyên nước có hiệu lực) đến ngày 01/9/2017 (ngày Nghị định 82 có hiệu lực) cho các đối tượng liên quan là cần thiết, đồng thời giải quyết dứt điểm khoản dự toán đang “treo” thuộc Ngân sách nhà nước trong các lĩnh vực này, giải tỏa áp lực cho các tổ chức, cá nhân có hoạt động khoáng sản, tài nguyên nước. Tuy nhiên, một số ý kiến khác không tán thành với việc lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và tài nguyên nước, đồng thời cho rằng, việc chậm ban hành Nghị định hướng dẫn Luật dẫn đến những khó khăn vướng mắc như nêu tại Tờ trình là trách nhiệm của Chính phủ.

Các lý do nêu ra tại Tờ trình dẫn đến chậm ban hành Nghị định cũng không hợp lý; để bảo đảm kỷ cương pháp luật, cần thực hiện triệt để, nghiêm minh các quy định của Luật Khoáng sản và Luật Tài nguyên nước. Quốc hội không nên cho phép lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và tài nguyên nước. Việc cho lùi thời gian thực hiện quy định của pháp luật với lý do chậm ban hành Nghị định hướng dẫn cũng sẽ tạo tiền lệ xấu trong việc thực thi pháp luật, đồng thời, làm hụt một khoản thu lớn, trong khi ngân sách nhà nước còn nhiều khó khăn.

Về hồ sơ trình Quốc hội, Ủy ban Kinh tế thấy rằng, Tờ trình của Chính phủ mới chỉ đề cập đến những khó khăn, vướng mắc dẫn đến việc chậm ban hành Nghị định nên chưa thu được tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước theo quy định của luật. Do đó, đề nghị Chính phủ cần bổ sung nội dung đánh giá việc lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước ảnh hưởng như thế nào đến việc thu ngân sách nhà nước.

Toàn cảnh Phiên họp

Toàn cảnh Phiên họp

Về việc đưa nội dung lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước vào Nghị quyết kỳ họp thứ 8, Ủy ban Kinh tế nhận thấy, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo quy định của Luật Khoáng sản và tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước theo quy định của Luật Tài nguyên nước là khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước do cơ quan quản lý thuế thu “được gọi chung là thuế” theo quy định của Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 21/2012/QH13, Luật số 71/2014/QH13 và Luật số 106/2016/QH13. Do đó, việc không thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước (từ 01/7/2011 đến 31/12/2013 đối với khoáng sản và từ 01/01/2013 đến 31/8/2017 đối với tài nguyên nước) là một trong các “vấn đề quan trọng về kinh tế - xã hội” do Quốc hội quyết định theo quy định tại khoản 2 Điều 7 của Luật Tổ chức Quốc hội. Do đó, Ủy ban Kinh tế tán thành với đề xuất của Chính phủ đề nghị Quốc hội đưa nội dung cho phép lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước vào “Nghị quyết kỳ họp” tương tự như việc Quốc hội quyết định các vấn đề có liên quan đến các khoản thu, nhiệm vụ chi hay bổ sung dự toán ngân sách.

Về trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc chậm hướng dẫn thi hành Luật Khoáng sản và Luật Tài nguyên nước, Ủy ban Kinh tế cho rằng, việc chậm ban hành hai Nghị định nêu trên là trái với quy định tại khoản 2 Điều 11 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Nghị định 82 quy định thời điểm bắt đầu tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước là từ khi Nghị định có hiệu lực cũng trái với quy định tại khoản 1 Điều 11 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và không phù hợp với Luật Tài nguyên nước, vì khi Luật Tài nguyên nước có hiệu lực thì việc thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước đã được xác lập trong mối quan hệ giữa Nhà nước và các tổ chức, cá nhân là đối tượng phải nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước. Việc quy định thời gian nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước bắt đầu từ khi Nghị định có hiệu lực đã làm mất hiệu lực của Luật với các đối tượng này trong giai đoạn từ khi Luật có hiệu lực đến khi Nghị định có hiệu lực (từ ngày 01/01/2013 đến ngày 01/9/2017). Việc chậm ban hành 2 Nghị định nêu trên cũng đã làm cho các tổ chức, cá nhân được cấp quyền khai thác khoáng sản và tài nguyên nước không tính được số tiền để thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước và sẽ gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước nếu Quốc hội cho phép lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước. Đây là số tiền không nhỏ trong điều kiện ngân sách nhà nước còn nhiều khó khăn.

Trên cơ sở thẩm tra Tờ trình, Ủy ban Kinh tế kiến nghị Quốc hội yêu cầu Chính phủ cần kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân trong việc chậm ban hành hai Nghị định nêu trên theo quy định tại Điều 7 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5-6/2020)./.

Hồ Hương- Nghĩa Đức

Nguồn Quốc Hội: http://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=42454