Quốc hội Romania thông qua các đề xuất thay đổi bộ luật hình sự

Ngày 24/4, Quốc hội Romania đã thông qua các đề xuất thay đổi gây tranh cãi với bộ luật hình sự của quốc gia này, động thái được cho sẽ khơi mào cho những xung đột mới với Brussels.

Quang cảnh một phiên thảo luận của Quốc hội Romania. (Nguồn: Romania Insider)

Quang cảnh một phiên thảo luận của Quốc hội Romania. (Nguồn: Romania Insider)

Ngày 24/4, Quốc hội Romania đã thông qua các đề xuất thay đổi gây tranh cãi với bộ luật hình sự của quốc gia này, động thái được cho sẽ khơi mào cho những xung đột mới với Brussels.

Phe đối lập cho rằng những sửa đổi mới được Đảng Xã hội dân chủ cầm quyền đề xuất có thể làm lợi cho chủ tịch Đảng Xã hội dân chủ Liviu Dragnea khi cho phép rút ngắn tình trạng hạn chế và xóa bỏ một tội danh lạm dụng chức quyền từng khiến ông Dragnea bị tuyên 3,5 năm tù giam trong phiên tòa hồi tháng 6/2018. Hiện ông Dragnea đang chuẩn bị kháng cáo và phiên tòa phúc thẩm dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 20/5. Phe đối lập cũng khẳng định sẽ khiếu kiện những sửa đổi mới này lên Tòa Hiến pháp Romania nhằm trì hoãn tiến trình kích hoạt bộ luật sửa đổi.

Trong khi đó, đảng cầm quyền Đảng Xã hội dân chủ cho rằng những thay đổi mới đã được tòa án chấp thuận trong lần khiếu kiện trước đó của phe đối lập.

Trước đó, Ủy ban châu Âu (EC) cũng từng cảnh báo Romania về việc áp dụng những thay đổi này. EC lo ngại những thay đổi này sẽ làm suy yếu cuộc chiến chống tham nhũng đồng thời cảnh báo sẽ "hành động tức thì" nếu Bucharest tiếp tục thực hiện kế hoạch trao quyền miễn trừ tội với những quan chức cấp cao từng bị kết án vì các tội danh nhận hối lộ. Mâu thuẫn về các biện pháp cải cách tại Romania đã phủ bóng lên nhiệm kỳ đầu tiên quốc gia này giữ chức Chủ tịch luân phiên của Liên minh châu Âu (EU) bắt đầu từ tháng 1 vừa qua.

Ban lãnh đạo của Đảng Xã hội dân chủ từng cố gắng thông qua những thay đổi mới này bằng cách sử dụng các sắc lệnh khẩn cấp nhưng cựu Bộ trưởng Tư pháp Tudorel Toader đã phản đối và bị sa thải hồi tuần trước.

Từ nhiều năm nay, cải cách tư pháp đã trở thành vấn đề nổi cộm gây nhiều tranh cãi tại Romania. Các ý kiến phản đối lo ngại chủ trương cải cách có nguy cơ làm suy yếu nỗ lực chống tham nhũng, thậm chí chỉ nhằm mục tiêu duy nhất là bảo vệ các quan chức tham nhũng. Vấn đề này cũng làm nảy sinh bất đồng giữa Chính phủ Romania và EU, bởi EU cho rằng những cải cách mà Romania đưa ra là bước thụt lùi trong cuộc chiến chống tham nhũng - điều mà liên minh này vẫn quan ngại trong hơn 11 năm qua kể từ khi Romania gia nhập EU./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/quoc-hoi-romania-thong-qua-cac-de-xuat-thay-doi-bo-luat-hinh-su/565971.vnp