Quốc hội thảo luận đối tượng tạm hoãn dân quân tự vệ

So với luật hiện hành, dự thảo Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi) đã bổ sung thêm một số đối tượng được miễn, hoãn nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ trong thời bình.

Những đối tượng nào được tạm hoãn dân quân tự vệ?

Sáng 28-10, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội thảo luận về Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi). Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt cho biết đa số ý kiến nhất trí với dự thảo, song có ý kiến đề nghị rà soát, quy định chặt chẽ đối tượng tạm hoãn tham gia dân quân tự vệ để dễ thực hiện, bảo đảm tính khả thi; có ý kiến đề nghị quy định cụ thể thời gian tạm hoãn.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt. Ảnh: quochoi.vn

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt. Ảnh: quochoi.vn

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, trên cơ sở kế thừa các quy định của Luật Dân quân tự vệ hiện hành, dự thảo Luật đã mở rộng diện đối tượng được tạm hoãn, miễn thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ để tương thích với một số đối tượng được tạm hoãn, miễn tại Luật Nghĩa vụ quân sự.

Theo đó, dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi) bổ sung thêm 3 đối tượng được miễn thực hiện nghĩa vụ dân quân tự vệ trong thời bình: Vợ hoặc chồng, con của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; người đang trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và người làm công tác cơ yếu.

Khoản 1 Điều 11 dự thảo Luật này cũng bổ sung thêm một số đối tượng được tạm hoãn thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ, cụ thể: Phụ nữ có thai hoặc nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi; nam giới một mình nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi; người chưa đủ sức khỏe theo xác nhận của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh;

Khoản 1 Điều 11 dự thảo Luật này cũng bổ sung thêm một số đối tượng được tạm hoãn thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ, cụ thể: Phụ nữ có thai hoặc nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi; nam giới một mình nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi; người chưa đủ sức khỏe theo xác nhận của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh; Người có chồng hoặc vợ là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công chức, viên chức, công nhân quốc phòng, hạ sĩ quan, binh sĩ đang phục vụ trong quân đội nhân dân; người có chồng hoặc vợ là sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ, công chức, viên chức, công nhân công an đang phục vụ trong công an nhân dân;

Người là lao động chính duy nhất trong hộ gia đình nghèo, nuôi dưỡng thân nhân không còn khả năng lao động hoặc chưa đến tuổi lao động; trong gia đình bị thiệt hại nặng về người và tài sản do tai nạn, thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm gây ra được ủy ban nhân dân cấp xã, cấp huyện nơi chưa tổ chức đơn vị hành chính cấp xã, cơ quan, tổ chức nơi công dân cư trú hoặc làm việc xác nhận; Người là con duy nhất của thương binh, bệnh binh, người nhiễm chất độc da cam/dioxin suy giảm khả năng lao động từ 61% đến 80%;

Người đang học trong các trường của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân; người lao động, học tập và làm việc tại nước ngoài.

Ông Việt lý giải đó là nhằm cụ thể hóa chính sách ưu đãi đối với gia đình người có công với cách mạng, người khuyết tật, người có hoàn cảnh khó khăn... tạo điều kiện cho công dân học tập, phát triển kinh tế gia đình, ổn định đời sống. Đồng thời không ảnh hưởng đến việc tuyển chọn công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ, vì nhu cầu tổ chức dân quân tự vệ chỉ chiếm khoảng 3,5% so với tổng số công dân trong độ tuổi.

Thảo luận tại hội trường, đại biểu Rơ Châm Long, đoàn Kontum tiếp tục đề nghị bổ sung những đối tượng cận nghèo vào danh sách đối tượng tạm hoãn dân quân tự vệ. Đại biểu cho rằng việc người cận nghèo tham gia nghĩa vụ quân sự hoặc dân quân tự vệ thì có thể ảnh hưởng đến phát triển kinh tế gia đình, khó thoát nghèo.

Nhiều ý kiến về tổ chức lực lượng tự vệ ở doanh nghiệp

Cũng trong báo cáo, ông Võ Trọng Việt cho biết còn có ý kiến đề nghị không quy định tổ chức tự vệ trong doanh nghiệp; có ý kiến đề nghị làm rõ điều kiện "bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng".

Ủy ban thường vụ Quốc hội thấy rằng, việc tổ chức tự vệ trong doanh nghiệp đã có tại Điều 19 Luật Dân quân tự vệ và các Nghị định của Chính phủ, quá trình thực hiện đã đạt được kết quả nhất định.

Tuy nhiên, đối với doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vẫn còn khó khăn, vướng mắc, nhất là bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng. Trong thời bình chỉ tổ chức tự vệ ở một số doanh nghiệp, còn các doanh nghiệp khác phải đăng ký, quản lý người lao động trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ để sẵn sàng mở rộng lực lượng.

Đối với doanh nghiệp có tổ chức Đảng do cấp ủy Đảng của doanh nghiệp lãnh đạo; các doanh nghiệp khác do cấp ủy Đảng khu công nghiệp hoặc cụm công nghiệp, khu công nghệ cao lãnh đạo. Các cấp ủy Đảng này đều chịu sự lãnh đạo, quản lý của cấp ủy Đảng địa phương. Do đó, để bảo đảm phù hợp với tình hình cụ thể, dự thảo Luật quy định chung "Bảo đảm sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng" là phù hợp.

Thảo luận tại hội trường, đại biểu Nguyễn Hữu Chính, đoàn Hà Nội nhận định, sau 10 năm từ khi Luật Dân quân tự vệ 2009 đi vào hiệu lực, thực tế cho thấy lực lượng tự vệ trong khối doanh nghiệp hiện nay hoạt động còn mang tính hình thức. Ông Chính chỉ ra rằng một số doanh nghiệp chưa quan tâm đến hoạt động của lực lượng tự vệ, các quy định của lực lượng này cũng chưa rõ, chung chung.

Theo đại biểu, các nội dung trong dự thảo luật đã làm rõ nhiều nội dung nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động của lực lượng dân quân tự vệ, song đề nghị tiếp tục làm rõ hơn nữa về chức năng nhiệm vụ và hoạt động của lực lượng này tại các doanh nghiệp.

Đồng tình với ý kiến trên, đại biểu Bùi Quốc phòng, đoàn Thái Bình cũng đề nghị cân nhắc thêm các quy định cụ thể hơn về việc tổ chức dự bị trong các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài.

Theo Chương trình Kỳ họp thứ 8 Quốc hội Khóa XIV, Dự thảo sửa đổi Luật Dân quân tự vệ dự kiến được biểu quyết thông qua vào chiều 26-11.

Điều chỉnh thêm để phù hợp với Luật CAND

Phát biểu ý kiến về dự thảo luật, đại biểu Triệu Tuấn Hải đoàn Lạng Sơn đề nghị cơ quan soạn thảo luật điểu chỉnh điều Khoản 1, Điều 42 về Trách nhiệm của Bộ Công an để phù hợp với Luật CAND và Luật Quốc phòng, từ "Chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện việc phối hợp hoạt động giữa các đơn vị CAND và Dân quân tự vệ trong bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật" thành "Chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện việc phối hợp hoạt động giữa các đơn vị CAND và Dân quân tự vệ trong xây dựng nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; đấu tranh phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội và xây dựng lực lượng CAND".

P. Thủy - T. Minh

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/quoc-hoi-thao-luan-doi-tuong-tam-hoan-dan-quan-tu-ve-567355/