Quốc hội thảo luận Luật Bảo vệ và Phát triển rừng

Ngày 19/6, Quốc hội (QH) tiếp tục thảo luận Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi).

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường

Các đại biểu (ĐB) đề nghị cần có quy định chặt chẽ để tránh việc các tổ chức, cá nhân “lách luật” phá rừng, phải có biện pháp giám sát quỹ hình thành từ khoản thu dịch vụ môi trường rừng...

Quy định chặt chẽ, tránh lách luật

Tham luận trước Quốc hội, ĐB Hứa Thị Hà (Tuyên Quang), cho rằng dự thảo luật còn một số điểm chưa chặt chẽ, điều này có thể dẫn đến lách luật. Ví dụ, tại điểm a khoản 1 Điều 66 quy định việc tận dụng cây gỗ chết, cây gẫy đổ, trên thực tế đã xảy ra sự việc người ta có thể bằng nhiều cách khác nhau làm cây chết như bóc vỏ, cuốn dây thép hoặc cưa quanh thân cây vào tận lõi để cây chết dần, chết mòn, sau đó làm thủ tục xin tận thu.

Tại điểm b khoản 2 Điều 23 quy định về việc thu hồi rừng như sau: "Sau 12 tháng liên tục kể từ ngày được giao, được thuê rừng mà chủ rừng không tiến hành các hoạt động bảo vệ và phát triển rừng", việc thu hồi rừng ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của chủ rừng nên dễ xảy ra tình trạng làm hình thức, chống đối. Do đó, cần định lượng rõ như thế nào là không tiến hành các hoạt động bảo vệ và phát triển rừng.

Tại khoản 4 Điều 20 quy định về căn cứ giao rừng, cho thuê rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng như sau: "Năng lực quản lý rừng bền vững của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư". Theo ĐB tiêu chí này cần định lượng và liệt kê nội dung cụ thể để chứng minh năng lực quản lý rừng là bền vững.

Một nội dung nữa là trong quy định về thẩm quyền giải quyết chủ trương, mục đích sử dụng rừng tự nhiên cho phép HĐND chuyển mục đích sử dụng rừng đặc dụng dưới 1 ha. Theo ĐB Hà chỉ nên phân cấp cho HĐND cấp tỉnh chuyển mục đích sử dụng rừng phòng hộ và rừng sản xuất, không nên phân cấp để HĐND cấp tỉnh quyết định chuyển mục đích sử dụng rừng đặc dụng mà nên giao cho Chính phủ quy định nội dung này, chỉ chuyển đổi mục đích sử dụng rừng đặc dụng cho các dự án phục vụ nhiệm vụ quốc phòng an ninh. Vì hiện nay tổng số rừng đặc dụng của cả nước còn lại rất ít, với diện tích hơn 2 triệu ha, chiếm 14,8% tổng diện tích rừng cả nước. Hầu hết các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng có các loài đặc chủng, thực vật đặc hữu, nguy cấp, quý hiếm đã được bảo tồn và nằm trong rừng đặc dụng, khi rừng mất đi thì khó có thể tái tạo lại được.

Không có đất trồng rừng thay thế, có thể nộp tiền

Cũng theo ĐB Hà, về điều kiện chuyển mục đích sử dụng rừng phải trồng rừng thay thế nhưng hiện nay ở một số địa phương việc tự trồng rừng thay thế là khó khả thi, vì không có đất để giao rừng. Do vậy, việc nộp tiền trồng rừng thay thế khả thi hơn nhưng bổ sung nguyên tắc nộp tiền tương đương giá trị rừng được chuyển mục đích do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định.

Cùng quan điểm, ĐB Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) đề nghị bổ sung vào khoản 2 Điều 24 trường hợp nếu địa phương, nơi chuyển mục đích sử dụng rừng không còn đất để trồng rừng thay thế theo quy hoạch trồng rừng được phê duyệt thì chuyển khoản tiền trồng rừng thay thế theo giá trị tương ứng vào ngân sách địa phương để đầu tư vào công tác quản lý và bảo vệ rừng.

Báo cáo định kỳ Quỹ dịch vụ môi trường rừng

Quan tâm đến nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng, ĐB Cầm Thị Mẫn (Thanh Hóa) cho biết, tính đến năm 2016 tổng số tiền thu được từ dịch vụ môi trường rừng là trên 6.510 tỷ đồng, bình quân đạt 1.200 tỷ đồng/năm. Số tiền hàng ngàn tỷ đồng không hề nhỏ, do vậy cần phải được quản lý, kiểm soát chặt chẽ. Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 đã bổ sung các quy định về quỹ tài chính ngoài ngân sách nhà nước.

Vậy, để tăng cường việc giám sát, thanh tra, kiểm toán của Quốc hội, HĐND, Thanh tra Chính phủ và Kiểm toán nhà nước đối với việc quản lý, sử dụng nguồn vốn của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, cần bổ sung trách nhiệm báo cáo việc quản lý, sử dụng quỹ này cho cơ quan có thẩm quyền ngay trong điều luật. Có thể quy định định kỳ 3 năm, Chính phủ báo cáo tình hình quản lý quỹ và sử dụng quỹ này cho Quốc hội đối với quỹ ở Trung ương và UBND tỉnh báo cáo HĐND tỉnh đối với quỹ ở địa phương.

Quy trách nhiệm quản lý nhà nước

ĐB Ksor Phước Hà (Ksor H’Bơ Khăp) - Gia Lai dẫn chứng hiện nay mỗi năm cả nước xảy ra 7.000 vụ phá rừng, 20.000 vụ vận chuyển chế biến lâm sản trái phép, hàng loạt những công trình thủy điện lớn, nhỏ, trải dài theo những khe suối, con sông... Không những rừng bị tàn phá nặng nề mà đến đất rừng cũng bị đào bới mang đi. ĐB Phước Hà đề nghị chấm dứt việc cấp phép xây các công trình thủy điện đồng thời phải quy trách nhiệm quản lý nhà nước về lâm nghiệp.

“Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, Chủ tịch UBND các cấp có trách nhiệm chính đối với các vụ phá rừng, cháy rừng, mất rừng thuộc phạm vi, lĩnh vực địa bàn mình quản lý hoặc để các tổ chức, cá nhân, cấp dưới vi phạm các quy định của Luật Bảo vệ và phát triển rừng", ông Hà nói.

"Thực tiễn áp dụng quy định pháp luật về 3 loại rừng đã hình thành trong nhiều thập kỷ qua ăn sâu vào tiềm thức của nhiều tầng lớp xã hội, hệ thống cơ chế chính sách của Nhà nước hiện hành đều được quy định chi tiết cho 3 loại rừng đã trở thành thói quen ứng xử trong đời sống xã hội. Việc thay đổi về phân loại rừng chắc chắn sẽ gây xáo trộn về cơ chế quản lý, đòi hỏi sửa đổi nhiều văn bản pháp luật liên quan và phải mất nhiều năm tới mới có thể ổn định.

Một số khu rừng phòng hộ chuyển thành rừng bảo vệ sẽ ảnh hưởng đến sinh kế của người dân vì lý do bảo vệ, bảo tồn rừng. Nghiên cứu pháp luật quốc tế cho thấy việc phân loại rừng rất khác nhau, tùy thuộc vào điều kiện kinh tế - xã hội và văn hóa của quốc gia đó, các tổ chức quốc tế cũng không khuyến nghị quy định cách phân loại rừng chung đối với các quốc gia. Bộ NN-PTNT sẽ nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các ĐBQH về thể chế hóa quy định rừng biên giới, rừng bảo vệ nguồn nước của cộng đồng dân cư để bổ sung hoàn thiện luật trong thời gian tới.

Về việc quản lý chặt chẽ việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, nhất là rừng tự nhiên, Bộ cũng sẽ tiếp thu nghiên cứu để bổ sung quy định về đóng cửa rừng tự nhiên, tăng khả năng hấp thụ các bon, đẩy mạnh dịch vụ môi trường rừng, khuyến khích sản xuất nông lâm kết hợp và phát triển lâm sản ngoài gỗ, đặc biệt là cây dược liệu để tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho người làm nghề rừng.

Một nội dung nữa về quỹ dịch vụ môi trường rừng hiện nay 41 tỉnh đã thành lập quỹ này. Trong 5 năm vừa qua tổng số tiền thu được 6.510 tỷ đồng, bình quân 1 năm chúng ta thu được 1.300 tỷ đồng, chúng ta đã chi trả cho 500.000 hộ gia đình, các tổ chức, cá nhân bảo vệ rừng với một diện tích 5,87 triệu héc ta rừng, chiếm 42% tổng diện tích rừng toàn quốc. Do đó, quỹ này đang hoạt động rất tốt, chúng tôi tiếp thu những ý kiến đóng góp của các ĐBQH để hoàn thiện làm sao quỹ này hoạt động tốt hơn, thực hiện phương châm xã hội hóa nội dung này". (Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường).

KIÊN CƯỜNG

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/quoc-hoi-thao-luan-luat-bao-ve-va-phat-trien-rung-post196546.html