Quốc hội thảo luận một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi)

Sáng 26/5, tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 5, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên họp.

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi)

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi)

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).

Tại Kỳ họp thứ tư, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (BVQLNTD) (sửa đổi). Dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý bảo đảm thể chế hóa kịp thời, đầy đủ, toàn diện các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết, tham gia và là thành viên, không làm phát sinh thêm các thủ tục hành chính, gây khó khăn, phiền hà và tạo gánh nặng kinh phí bất hợp lý cho tổ chức, cá nhân kinh doanh, người tiêu dùng, cơ quan liên quan, đồng thời bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.

Về giải thích từ ngữ (Điều 3), Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường cho biết Về khái niệm người tiêu dùng, 02 loại ý kiến khác nhau, cụ thể: Loại ý kiến thứ nhất đề nghị quy định người tiêu dùng bao gồm cả tổ chức. Loại ý kiến thứ hai cho rằng không cần thiết đưa “tổ chức” vào khái niệm “người tiêu dùng”. Sau khi nghiên cứu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất bổ sung đối tượng “tổ chức” vào nội dung quy định giải thích từ ngữ về người tiêu dùng và thể hiện một phương án theo loại ý kiến thứ nhất như trong dự thảo Luật (khoản 1 Điều 3). Phương án này cũng đã được Chính phủ thống nhất tại văn bản số 96/CP-PL ngày 31/3/2023.

Bên cạnh đó, có một số ý kiến đề nghị cần xem xét bổ sung thuật ngữ “tiêu dùng bền vững”. Dự thảo Luật đã bổ sung thuật ngữ này tại khoản 10 Điều 3.

Về quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng (Điều 4, Điều 5): Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định BVQLNTD trong sử dụng dịch vụ công, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, dịch vụ công là dịch vụ thiết yếu đối với đời sống kinh tế - xã hội của đất nước, cộng đồng dân cư hoặc bảo đảm quốc phòng, an ninh mà Nhà nước phải tổ chức thực hiện.

Do đó, việc cung cấp các dịch vụ công phải tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy trình thực hiện, bảo đảm quyền và trách nhiệm của bên cung cấp dịch vụ cũng như bên được cung cấp dịch vụ theo quy định của pháp luật. Vì vậy, dự thảo Luật đã bổ sung quy định tại khoản 10 Điều 4 theo hướng khi sử dụng dịch vụ công người tiêu dùng được bảo vệ theo quy định của Luật này và pháp luật khác có liên quan. Đồng thời, để ngăn chặn việc cung cấp các dịch vụ không bảo đảm chất lượng, dự thảo Luật đã bổ sung Điều 36 về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong việc cung cấp dịch vụ (bao gồm cả dịch vụ công) không đúng nội dung đã đăng ký, thông báo, công bố, giao kết.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường báo cáo: UBTVQH thấy rằng nhiều ý kiến đề nghị bổ sung một khoản tại Điều 5 quy định về nghĩa vụ theo hướng người tiêu dùng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về thông tin mà mình đưa ra, có trách nhiệm bồi thường cho cá nhân, tổ chức kinh doanh nếu có thiệt hại xảy ra từ việc đưa thông tin sai sự thật là xác đáng.

Việc bổ sung quy định này sẽ góp phần phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức và giúp người tiêu dùng thực hiện tốt trách nhiệm, nghĩa vụ của mình đối với hoạt động mua, bán và sử dụng hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ. Tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật đã bổ sung khoản 5 Điều 5 về nghĩa vụ của người tiêu dùng, cụ thể: “Bảo đảm cung cấp chính xác, đầy đủ về các nội dung thông tin liên quan đến giao dịch giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh. Chịu trách nhiệm về việc cung cấp thông tin không chính xác hoặc không đầy đủ theo quy định của pháp luật”.

Đối với một số ý kiến cho rằng nghĩa vụ của người tiêu dùng cần kiểm tra về hàng hóa, dịch vụ trước khi nhận theo quy định của luật này là chưa phù hợp, vì đối với một số loại hàng tiêu dùng hằng ngày thì người tiêu dùng có khả năng phát hiện được khi không đạt yêu cầu nhưng có nhiều loại hàng hóa mà không thể dùng mắt thường để đánh giá về chất lượng. Do đó, đề nghị cân nhắc để chỉnh lý cho hợp lý quy định này.

Về nội dung này, báo cáo giải trình như sau: việc kiểm tra hàng hóa theo quy định tại dự thảo Luật nhằm xử lý kịp thời đối với các lỗi có thể quan sát bằng mắt thường, hạn chế tối đa các tranh chấp phát sinh. Đối với các lỗi được phát hiện trong quá trình sử dụng thì sẽ được xử lý theo quy định về bảo hành hoặc thu hồi sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật. Dự thảo Luật quy định nghĩa vụ kiểm tra được thực hiện theo quy định của pháp luật, không áp dụng bắt buộc đối với tất cả sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ.

Về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch đặc thù (Chương III)

Báo cáo giải trình nêu có một số ý kiến đề nghị cần làm rõ hơn nội dung và giải pháp BVQLNTD trong giao dịch trên không gian mạng nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng cho các bên tham gia, giữa người bán và người mua. Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường cho biết: Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, BVQLNTD trong các giao dịch trên không gian mạng là bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và việc thực thi trách nhiệm của các chủ thể liên quan đối với các giao dịch giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng. Dự thảo Luật đã có nhiều quy định cụ thể về BVQLNTD đối với các giao dịch giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng, như quy định việc tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng có các trách nhiệm chung (Chương II); quy định về giao dịch trên không gian mạng, giao dịch trên nền tảng số (Mục 1 Chương III về Giao dịch từ xa); bổ sung, hoàn thiện nhiều nội dung và giải pháp để bảo vệ tốt hơn quyền lợi người tiêu dùng như quy định về trách nhiệm chung của tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng (khoản 2 Điều 39); trách nhiệm cụ thể của tổ chức thiết lập, vận hành nền tảng số trung gian (khoản 3 Điều 39); xác thực danh tính tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ trên nền tảng số (khoản 3 Điều 39); thực hiện nghĩa vụ nhận ủy quyền của người tiêu dùng trong quá trình giao dịch trên nền tảng số (điểm n khoản 3 Điều 39)…

Ngoài ra, Chương II dự thảo Luật còn có các quy định về trách nhiệm bảo vệ thông tin của người tiêu dùng, giao kết, chấm dứt hợp đồng, tiếp nhận và xử lý khiếu nại, trách nhiệm đối với sản phẩm, hàng hóa khuyết tật, dịch vụ không bảo đảm chất lượng, không đúng như công bố…; bổ sung Điều 40 về “Trách nhiệm công bố công khai thông tin cảnh báo người tiêu dùng trong giao dịch trên không gian mạng”. Bên cạnh đó, nội dung này còn được điều chỉnh theo pháp luật về thương mại điện tử cũng như pháp luật khác có liên quan.

Về hoạt động BVQLNTD của tổ chức xã hội (Chương IV): một số ý kiến đề nghị cần xây dựng các quy định để tạo điều kiện nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội bảo vệ người tiêu dùng bằng chính hoạt động của Hội. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội bảo vệ người tiêu dùng là hết sức cần thiết.

Do đó, dự thảo Luật đã có nhiều quy định để tạo điều kiện cho các tổ chức xã hội tham gia thực hiện BVQLNTD (trong đó có Hội bảo vệ người tiêu dùng) như đại diện người tiêu dùng khởi kiện khi có yêu cầu và ủy quyền hoặc tự mình khởi kiện vụ án BVQLNTD vì lợi ích công cộng (Điều 50), không phải nộp tạm ứng án phí, tạm ứng lệ phí Tòa án (Điều 71), tiền bồi thường thiệt hại trong vụ án dân sự về BVQLNTD do tổ chức xã hội khởi kiện vì lợi ích công cộng được sử dụng để phục vụ cho các hoạt động chung vì quyền lợi của người tiêu dùng trong trường hợp không xác định được đối tượng thụ hưởng (Điều 73)… Đồng thời, dự thảo Luật đã quy định cụ thể các hoạt động của Hội khi tham gia BVQLNTD và phân loại rõ các loại hình tổ chức xã hội để có căn cứ thực hiện việc Nhà nước giao nhiệm vụ, hỗ trợ kinh phí và các điều kiện khác theo quy định của pháp luật tại Điều 49 và Điều 53.

Đối với ý kiến đề nghị nghiên cứu, xem xét các Điều 50, 53 (về Hoạt động của tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và Tổ chức xã hội có tôn chỉ, mục đích tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng) vì có nội dung trùng lặp. Dự thảo Luật đã chỉnh lý để đảm bảo không có nội dung trùng lặp giữa 2 Điều này và thể hiện như trong dự thảo Luật.

Quang cảnh kỳ họp sáng 26/5

Về giải quyết tranh chấp tại Tòa án

Về thủ tục rút gọn để giải quyết vụ án dân sự về BVQLNTD, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường cho biết do còn có02 loại ý kiến khác nhau: (1). Đề nghị quy định rõ về việc áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết vụ án dân sự về BVQLNTD vì nếu chỉ căn cứ vào các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự hiện hành thì sẽ không thể áp dụng thủ tục rút gọn đối với các vụ án BVQLNTD trong khi đa số các vụ tranh chấp BVQLNTD có giá trị nhỏ, cần được giải quyết kịp thời để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng; hầu hết các nước trên thế giới đều quy định áp dụng thủ tục rút gọn trong việc giải quyết các vụ án dân sự BVQLNTD; đồng thời cần sửa đổi, bổ sung Bộ luật Tố tụng dân sự để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất và khả thi của hệ thống pháp luật. Tòa án nhân dân tối cao có văn bản góp ý đối với dự thảo Luật BVQLNTD, trong đó, không có ý kiến phản đối đối với quy định về thủ tục rút gọn trong dự thảo Luật. (2). Quy định về thủ tục rút gọn trong dự thảo Luật không thống nhất với điều kiện giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn quy định tại Điều 316, Điều 317 của Bộ luật Tố tụng dân sự. Điều này sẽ dẫn đến khó khăn trong quá trình áp dụng và ảnh hưởng đến việc BVQLNTD.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã lựa chọn một phương án theo loại ý kiến thứ nhất và thể hiện như trong dự thảo Luật, theo đó quy định rõ về việc áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết vụ án dân sự về BVQLNTD. Phương án này cũng được Chính phủ thống nhất. Quy định như vậy tuy có thể làm gia tăng khối lượng công việc của hệ thống Tòa án nhưng sẽ bảo vệ tốt hơn quyền lợi người tiêu dùng và phù hợp với thông lệ quốc tế. Dự thảo Luật đã được chỉnh lý khoản 2 Điều 70 về vụ án dân sự về BVQLNTD (hoàn thiện các điều kiện áp dụng để bảo đảm tính khả thi, đặc thù và thống nhất với quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự); Điều 78 bổ sung khoản 5 của Điều 317 Bộ luật Tố tụng Dân sự, để đảm bảo tính khả thi, thống nhất của hệ thống pháp luật.

Đối với ý kiến đề nghị cân nhắc quy định điều kiện giá trị giao dịch dưới 100 triệu đồng trong thủ tục rút gọn tại điểm c khoản 2 Điều 70; có ý kiến đề nghị bỏ quy định này vì các giao dịch mua bán hàng hóa tiêu dùng thông thường có giá trị lớn hơn 100 triệu đồng rất phổ biến, quy định như dự thảo sẽ khiến các giao dịch trên 100 triệu đồng không được áp dụng thủ tục rút gọn. Dự thảo Luật đã tiếp thu đảm bảo các giao dịch từ 100 triệu đồng trở lên vẫn có thể áp dụng thủ tục rút gọn quy định tại Bộ luật Tố tụng Dân sự, cụ thể khoản 2 Điều 70 được chỉnh sửa theo hướng vụ án dân sự về BVQLNTD được giải quyết theo thủ tục rút gọn quy định trong pháp luật về tố tụng dân sự khi đáp ứng quy định tại khoản 1 Điều 317 Bộ luật Tố tụng Dân sự hoặc khi có đủ một số điều kiện cụ thể được quy định trong dự thảo Luật.

Về việc bảo đảm cân bằng giữa quyền, nghĩa vụ của người tiêu dùng với quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh

Đối với một số ý kiến đề nghị cần bảo đảm cân bằng giữa quyền, nghĩa vụ của người tiêu dùng với quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh, không làm phát sinh gánh nặng bất hợp lý của tổ chức, cá nhân kinh doanh. Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường cho biết do dự thảo Luật đã rà soát, điều chỉnh, hoàn thiện các quy định nhằm đảm bảo cân bằng quyền lợi của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong mối quan hệ với người tiêu dùng. Phương án này cũng được Chính phủ thống nhất, cụ thể như sau: Thay đổi từ “trách nhiệm” thành “nghĩa vụ” tại Điều 5, rà soát điều chỉnh tương ứng trong các điều, khoản liên quan (Điều 1). Đồng thời, dự thảo Luật đã hoàn thiện Điều 5 theo hướng phân tách rõ ràng 6 nghĩa vụ của người tiêu dùng; bổ sung một khoản quy định người tiêu dùng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về thông tin mà mình đưa ra, có trách nhiệm bồi thường cho cá nhân, tổ chức kinh doanh nếu có thiệt hại xảy ra từ việc đưa thông tin sai sự thật.

Sửa đổi khoản 2 Điều 39 theo hướng không quy định lại trách nhiệm phải tuân thủ quy định tại các Chương I, II của tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng do các trách nhiệm quy định tại các Chương I, II áp dụng chung cho các đối tượng là tổ chức, cá nhân kinh doanh bao gồm cả các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng. Sửa đổi một số điểm tại khoản 3 Điều 39 để phù hợp với thực tiễn kinh doanh, không làm phát sinh trách nhiệm, chi phí vô lý cho tổ chức, cá nhân kinh doanh.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết: Dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 07 Chương, 79 Điều; sửa đổi, bổ sung 63 Điều, giữ nguyên 16 Điều; và bổ sung khoản 5 của Điều 317 Bộ luật Tố tụng dân sự. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị đại biểu tập trung thảo luận những nội dung trong Báo cáo của UBTVQH. Các vị đại biểu Quốc hội khi phát biểu thể hiện rõ quan điểm, đi thẳng về vấn đề, có phương án đề xuất cụ thể, các ý kiến tranh luận nêu rõ nội dung tranh luận, tránh trùng lắp nội dung và bảo đảm thời gian.

Đại biểu Huỳnh Thị Phúc - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát biểu thảo luận tại hội trường

Thảo luận tại phiên họp, đại biểu Huỳnh Thị Phúc cơ bản thống nhất với bố cục dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) và Báo cáo tiếp thu, giải trình của Ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra. Đại biểu Huỳnh Thị Phúc phát biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc điều chỉnh, bổ sung một số nội dung như sau:

* Về Bảo đảm an toàn, đo lường, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cung cấp cho người tiêu dùng: Đại biểu Huỳnh Thị Phúc đề nghị Ban soạn thảo cần xem xét bổ sung nội dung về quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại về tính mạng, tài sản của người tiêu dùng khi sử dụng sản phẩm, hàng hóa không phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường, chất lượng, an toàn như đã cam kết theo quy định.

* Về nội dung hoạt động kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trên không gian mạng: Đại biểu nhận định Dự thảo Luật lần này đã tiếp thu, bổ sung, điều chỉnh khá đầy đủ các nội dung liên quan các hoạt động kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trên không gian mạng nhưng theo đại biểu, Ban soạn thảo cần xem xét quy định rõ hơn các nội dung sau:

Đối với trách nhiệm của Tổ chức, cá nhân kinh doạnh với người tiêu dùng trong các giao dịch trên không gian mạng: Để đảm bảo phù hợp với thực tiễn, tăng tính khả thi và hiệu lực, hiệu quả; đại biểu Huỳnh Thị Phúc đề nghị bổ sung cụm từ “sản phẩm, hàng hóa dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh cung cấp” vào điểm d, khoản 3, Điều 39 dự án Luật, cụ thể: “Cho phép người tiêu dùng phản hồi, đánh giá về tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh cung cấp, đồng thời, hiển thị đầy đủ và chính xác kết quả phản hồi, đánh giá, trừ trường hợp phản hồi đánh giá đó vi phạm các quy định của pháp luật, trái đạo đức xã hội”.

Đồng thời, đại biểu Phúc cũng đề nghị cần xem xét bổ sung Điều 39 dự án Luật đối với các quy định về việc tổ chức thiết lập, vận hành nền tảng số phải thực hiện các biện pháp giám sát, phát hiện, cảnh báo cho người tiêu dùng, các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên nền tảng số có dấu hiệu nghi ngờ bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng có nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng và quy định thời hạn loại bỏ khỏi nền tảng số những tổ chức cá nhân vi phạm.

Liên quan đến nội dung này, Nữ đại biểu cũng đề nghị Ban soạn thảo cũng cần xem xét bổ sung quy định về trách nhiệm của các cơ quan truyền thông trong việc quảng cáo; giới thiệu sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ phảm bảo đảm không được sai lệch về chất lượng, giá, công dụng, thổi phồng chức năng của sản phẩm, dẫn đến hành vi lừa dối gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng, người sử dụng dịch vụ và không vi phạm thuần phong mỹ tục. Thực trạng nêu trên khá phổ biến, đã được các ĐBQH thảo luận và chất vấn tại các kỳ họp trước nhưng có vẻ chưa giải quyết có hiệu quả vì thế cần Luật hóa nội dung này với quy định chế tài cụ thể hơn - Đại biểu Phúc phát biểu.

* Về quy định thủ tục rút gọn trong các vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: Đại biểu cho rằng quy định như dự thảo Luật không thống nhất với các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự sẽ dẫn đến khó khăn trong quá trình áp dụng và ảnh hưởng đến việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là luật nội dung, trong khi đó quy định tại điều 69 và điều 78 của dự thảo Luật về thủ tục rút gọn trong vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là quy định về thủ tục tố tụng.

Khi giải quyết vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì phải tuân theo quy định rút gọn của Bộ luật Tố tụng dân sự. Do đó, để đảm bảo tính thống nhất, tránh mâu thuẫn, chồng chéo trong hệ thống pháp luật, đại biểu Phúc đề nghị ban soạn thảo xem xét điều chỉnh quy định thủ tục rút gọn về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Điều 70 và Điều 78 dự thảo Luật đảm bảo thống nhất giữa Bộ luật Tố tụng dân sự và Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).

* Về trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: Tại chương VI, từ Điều 74 đến Điều 76 Dự thảo luật về trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ cần rà soát, chỉnh sửa, bổ sung làm rõ Bộ ngành nào chủ trì, bộ ngành nào phối hợp để tránh chồng chéo và chung chung khó áp dụng hoặc khi có vấn đề thì phải chờ nghị định, thông tư, hướng dẫn…

CHÂU VŨ - MINH THIÊN (Từ Hà Nội)

Nguồn Bà Rịa - Vũng Tàu: http://www.baobariavungtau.com.vn/chinh-tri/202305/quoc-hoi-thao-luan-mot-so-noi-dung-con-y-kien-khac-nhau-cua-du-an-luat-bao-ve-quyen-loi-nguoi-tieu-dung-sua-doi-980082/