Quốc hội thảo luận tại tổ 2 dự án luật sửa đổi: Luật Tài nguyên nước và Luật Các Tổ chức tín dụng

Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi)

Chiều 6/5, Quốc hội thảo luận tại Tổ về nội dung của dự án Luật Các Tổ chức tín dụng (sửa đổi) và dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).

Tổ thảo luận số 7, gồm các đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh các tỉnh: Thái Nguyên, Lâm Đồng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An.

Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát biểu góp ý Luật Tài nguyên nước tại phiên thảo luận tổ chiều ngày 5/6

Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát biểu góp ý Luật Tài nguyên nước tại phiên thảo luận tổ chiều ngày 5/6

Tham gia góp ý đối với dự án Luật Tài nguyên Nước tại phiên thảo luận tổ, đại biểu Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đánh giá: Luật Tài nguyên nước năm 2012, sau 10 năm điều chỉnh đã góp phần tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của toàn xã hội. Tài nguyên nước được quản lý, sử dụng hiệu quả, bền vững hơn. Tuy nhiên, một số tồn tại, hạn chế cũng đã bộc lộ trong quá trình triển khai, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung để bảo đảm phù hợp với thực tế, nâng cao hơn nữa hiệu quả hiệu lực, tháo gỡ khó khăn… Vì vậy, đại biểu Yến tán thành việc Quốc hội cho ý kiến sửa đổi Luật này là rất cần thiết.

Về phạm vi điều chỉnh (Điều 1): Đại biểu nhận thấy theo quy định tại khoản 2, Điều 1 thì “Nước dưới đất…” không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này. Tuy nhiên, trong dự thảo luật lại có rất nhiều điều luật lại quy định nội dung quản lý có liên quan đến “Nước dưới đất” từ Xả thải; Khai thác; Bảo vệ; Bổ sung; Thăm dò, Hành nghề; Cấp phép,… (ví dụ tại các điểm a, khoản 3, Điều 12; khoản 2, Điều 15, Điều 26, Điều 30, Điều 40, Điều 52,…). Như vậy, là không thống nhất và không thuộc phạm vi điều chỉnh tại Điều 1. Do đó, đại biểu đề nghị ban soạn thảo cần rà soát lại, nếu không thuộc phạm vi điều chỉnh của luật này thì phải đưa ra. Song, đại biểu đề xuất ban soạn thảo cân nhắc “Nước dưới đất” nên được điều chỉnh bởi Luật này, bởi “nước dưới đất” cũng là tài nguyên nước đã được luật này định nghĩa tại khoản 1, Điều 3.

Về giải thích từ ngữ (Điều 3): Tại khoản 1 Điều 3, đại biểu đề nghị ban soạn thảo cân nhắc thêm Nước thải sau xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường có được xem là tài nguyên không. Trường hợp là tài nguyên, ban soạn thảo nên cân nhắc bổ sung hoặc có quy định cho loại tài nguyên này.

Về dòng chảy tối thiểu (Điều 25) và Ngưỡng khai thác nước dưới đất (Điều 26): Đại biểu cho rằng quy định về “Dòng chảy tối thiểu” là một nội dung mới trong dự thảo luật và theo quy định tại khoản 2 Điều 25 thì “Dòng chảy tối thiểu” là căn cứ, cơ sở để xem xét trong quá trình thẩm định, quyết định nhiều nhiệm vụ quan trọng như: Quy hoạch về tài nguyên nước, quy hoạch tỉnh, quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành; Quy trình vận hành hồ chứa; Cấp giấy phép khai thác sử dụng tài nguyên nước,… Như vậy, việc xác định “Dòng chảy tối thiểu” phải triển khai làm trước,…Song, trong dự thảo luật không quy định thời gian nào phải làm, phải xong và thời gian công bố,…cũng như các phương pháp, các công cụ, các tiêu chuẩn, quy chuẩn có liên quan đến việc xác định dòng chảy ở mức bao nhiêu được gọi là thấp nhất tại các sông suối liên quốc gia, liên tỉnh, nội tỉnh, hồ chứa, đập dâng,…. Nếu không có hoặc chưa xác định được vấn đề này thì các Quy hoạch tài nguyên nước quốc gia, quy hoạch tỉnh và nhiều quy hoạch khác có phê duyệt được không. Vì vậy, đại biểu đề nghị ban soạn thảo cần cân nhắc quy định tại Điều 25 này.

Tương tự, đối với quy định tại Điều 26 của dự thảo luật về “Ngưỡng khai thác nước dưới đất”, đại biểu cũng đề nghị ban soạn thảo cân nhắc rà soát lại, vì nó cũng có một số nội dung tương tự như Điều 25. “Ngưỡng khai thác nước dưới đất” cũng là căn cứ, cơ sở để xem xét trong quá trình thẩm định, quyết định nhiều nhiệm vụ quan trọng liên quan đến quy hoạch…, nhưng dự thảo luật cũng chưa quy định cách thức, thời gian, phương pháp, quy chuẩn để xác định “Ngưỡng khai thác nước dưới đất”.

Về Quy hoạch về tài nguyên nước (Điều 15), quy hoạch liên quan đến nguồn nước liên quốc gia (Điều 73, 74, 75): Đại biểu Yến cho biết dự thảo Luật đã quy định mới, bổ sung hoặc làm rõ về lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh, công bố và tổ chức thực hiện Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh từ Điều 15 đến Điều 21…Tuy nhiên, đại biểu Yến nhận định quy hoạch bảo vệ, khai thác, sử dụng nguồn nước liên quốc gia,… đã được quy định trong Luật Quy hoạch 2017 và cũng được dự thảo luật lần này quy định, nhưng chỉ nhắc tên (Tại Điều 73, 74, 75), không quy định cụ thể về căn cứ, nội dung nhiệm vụ, nội dung quy hoạch và trách nhiệm lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh, công bố và tổ chức thực hiện Quy hoạch,… Vì vậy, đại biểu đề nghị ban soạn thảo cân nhắc, cần bổ sung làm rõ vấn đề này tại dự thảo Luật.

Về đăng ký, cấp giấy phép tài nguyên nước được quy định tại Điều 44 và các Điều 76, 77 - thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của chính phủ, các bộ và UBND cấp tỉnh: Đại biểu nhận thấy có rất nhiều loại giấy phép và tên gọi khác nhau như: (1) Giấy phép tài nguyên nước; (2) Giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước; (3) Giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất; (4) Giấy phép thăm dò nước dưới đất; (5) Giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất; (6) Giấy phép chấp thuận sử dụng mặt nước, các hoạt động thuộc phạm vi lòng, bờ, bãi sông, hồ… Vì vậy, đại biểu đề nghị ban soạn thảo rà soát lại sự trùng lặp hoặc thống nhất giữa các giấy phép, đăng ký (tên gọi, nội dung,…) mặt khác phải quy định cụ thể rõ ràng cho từng loại giấy phép bao gồm: Đối tượng phải có giấy phép; Nội dung giấy phép; Thẩm quyền cấp giấy phép; Hồ sơ trình tự, thủ tục cấp giấy phép; Cấp đổi, điều chỉnh, cấp lại, tước quyền, thu hồi; Phí, lệ phí cấp; Quyền, trách nhiệm người được cấp và Trách nhiệm cơ quan cấp,… Kể cả trình tự thủ tục đăng ký cấp phép. Luật cần có sự công khai, minh bạch nếu không cụ thể rất dễ dẫn đến tiêu cực.

Ngoài ra, đại biểu Yến cũng đề nghị ban soạn thảo cân nhắc đối với một số quy định tại các nội dung “Đánh giá khả năng chịu tải của nguồn nước” tại điểm d, khoản 2 Điều 12 của dự thảo Luật; điểm b khoản 2 Điều 44 và một số nội dung mang tính kỹ thuật chuyên ngành về Hồ chứa, đập dâng (Điều 53), Mục 3 - Sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả (từ Điều 55 đến Điều 57),…

Đại biểu Huỳnh Thị Phúc, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phát biểu ý kiến thảo luận tại tổ

Đối với dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), đại biểu Huỳnh Thị Phúc, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh tham gia góp ý đối với các nội dung quy định về xử lý nợ xấu, về tổ chức tài chính vi mô do các tổ chức chính trị xã hội tại khoản 6, Điều 6 (như Quỹ CEP của tổ chức công đoàn), quỹ tín dụng nhân dân và nhiều nội dung quan trọng khác của dự thảo Luật.

Đại biểu cũng đề nghị cần luật hóa xử lý các hành vi vi phạm đối với các nhân viên tổ chức tín dụng có vi phạm, đại biểu dẫn chứng về tình trạng ép người dân phải mua bảo hiểm khi có nhu cầu vay vốn ngân hàng trong thời gian qua. Từ đó, đại biểu đề nghị cần có các quy định về xử phạt đối với hành vi này và các hành vi vi phạm đối với nhân viên ngân hàng trong dự thảo luật.

Các đại biểu Quốc hội Nguyễn Tâm Hùng, Đỗ Văn Yên, Dương Tấn Quân thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng tham gia góp ý đối với các nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau của hai dự án Luật trên.

CHÂU VŨ - MINH THIÊN (Từ Hà Nội)

Nguồn Bà Rịa - Vũng Tàu: http://www.baobariavungtau.com.vn/chinh-tri/202306/quoc-hoi-thao-luan-tai-to-2-du-an-luat-sua-doi-luat-tai-nguyen-nuoc-va-luat-cac-to-chuc-tin-dung-981049/