Quốc hội thảo luận về bình đẳng giới: Nâng cao vị thế của phụ nữ trong thời kỳ hội nhập

Bình đẳng giới không phải mục tiêu có thể thúc đẩy nhanh chóng mà cần có chiến lược cụ thể lâu dài, nhằm nâng cao vị thế của phụ nữ trong thời kỳ hội nhập đa phương, vì những mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc và chính Việt Nam.

Tỷ lệ nữ trong ĐBQH Khóa XIV cao hơn Khóa XIII

Theo Chương trình làm việc của Quốc hội, sáng 9/11, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung - Chủ tịch Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ - trình bày Báo cáo về việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới tại phiên họp toàn thể. Đây là lần đầu tiên nội dung bình đẳng giới được đưa ra thảo luận tại Quốc hội và truyền hình trực tiếp.

Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo thẩm tra về việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới. Sau đó Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới. Cũng trong buổi sáng, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội nêu.

Lần đầu tiên trong lịch sử, cơ quan lập pháp quốc gia có Chủ tịch Quốc hội và phó Chủ tịch Quốc hội thường trực là nữ

Nội dung được các đại biểu Quốc hội quan tâm tại kỳ họp

Trong quá trình phát triển của đất nước, công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm, tạo điều kiện để thực hiện tốt hơn mục tiêu bình đẳng giới.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, Việt Nam đã và đang từng bước nỗ lực thúc đẩy thực hiện cam kết quốc tế thông qua việc xây dựng, hoàn thiện và thực thi hệ thống chính sách, pháp luật về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ nói chung, về bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị nói riêng.

Việt Nam là một trong những nước có thành tựu về bình đẳng giới cao được quốc tế ghi nhận. Liên hợp quốc đánh giá việc thực hiện bình đẳng giới ở Việt Nam là điểm sáng trong việc thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ.

Trao đổi bên hành lang Quốc hội, nữ đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (đoàn Hà Nội) cho biết, phiên thảo luận tại hội trường về Mục tiêu bình đẳng giới là một trong những nội dung bà hết sức quan tâm ở kỳ họp này.

“Trước hết cũng phải đánh giá những mặt được. Lần đầu tiên đưa ra tại kỳ họp, có thể thấy đây là một sự kiện được Quốc hội quan tâm. Hiện nay, phụ nữ đang đảm nhiệm nhiều vị trí lãnh đạo chủ chốt của đất nước như Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội, Bộ trưởng. Rồi ở các địa phương, nhiều phụ nữ giữ vai trò chủ chốt ở các cấp, các ngành, góp phần giải quyết các vấn đề quan trọng. Nữ doanh nhân là người dân tộc thiểu số tăng, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục, y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân vai trò của phụ nữ dân tộc thiểu số được phát huy”, bà Khánh cho biết.

Tuy thế, bà Khánh cũng cho rằng, vẫn còn đó những khó khăn, thách thức. “Mặc dù đã được Đảng, Nhà nước quan tâm, có rất nhiều Nghị quyết, và Luật Bình đẳng giới ban hành, nhưng trong xã hội vấn đề BĐG đã thực chất hay chưa, thì chưa đạt được như mong muốn”, bà Khánh nhận định.

Đầu tư cho bình đẳng giới chưa thấm vào đâu

Cùng với đó, nữ đại biểu Quốc hội này cho hay, các chỉ tiêu đưa ra trong Chương trình Mục tiêu quốc gia về Bình đẳng giới chưa đạt được hết, vì rất nhiều lý do, như tư tưởng trọng nam hơn nữ dẫn đến nguy cơ mất cân bằng giới tính khi sinh và những hệ lụy về mặt xã hội có thể gia tăng tình trạng bất bình đẳng giới.

Các hình thức bạo lực trên cơ sở giới, nhất là bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái; những tác động của biến đổi khí hậu đối với phụ nữ và nam giới…

Các nữ đại biểu Quốc hội trao đổi với Bộ trưởng Đào Ngọc Dung bên hành lang Quốc hội

“Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, nữ giới muốn có được tiếng nói quyết định cần phải có ít nhất 30% đại diện trong bộ máy nhà nước”, bà Khánh thông tin.

Đồng quan điểm, đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) cho biết: “Báo cáo này chúng tôi đã cho ý kiến hoàn thiện để gửi Quốc hội. Và lần đầu tiên UB TVQH xem xét, đưa ra trình trước Quốc hội để thảo luận công khai. Đây là vấn đề, theo tôi, là sự sáng suốt của UB TVQH, vì bình đẳng giới cũng là vấn đề thể hiện rõ xu thế hiện nay của đất nước”.

Tuy thế, ông Nhưỡng lấy làm tiếc về mức kinh phí dành cho bình đẳng giới. “Báo cáo này, tôi đã từng phát biểu là rất tiếc đầu tư cho bình đẳng giới của chúng ta quá hẻo. Mức đầu tư trồi sụt thấy rõ. Từ 23 - 25 tỷ đến 45 tỷ, sau đó giảm xuống còn 19 tỷ năm 2017”, ông Nhưỡng nói.

“19 tỷ để chúng ta triển khai bình đẳng giới trong cả nước thì quả thực là… quá khó. Không thể làm được”, ông Nhưỡng trăn trở.

Theo vị đại biểu này, phải để các cơ quan của Chính phủ nhận diện rõ những yếu tố của bình đẳng giới, “bởi chúng ta đang thực hiện các Mục tiêu Bình đẳng giới, thì trên cơ sở các mục tiêu này, phải tính toán được mức đầu tư như thế nào, đầu tư vào lĩnh vực nào là trọng điểm”, ông Nhưỡng nhấn mạnh thêm.

Quan tâm tỷ lệ nữ tham gia các cơ quan dân cử

Cùng với đó, trao đổi bên hành lang Quốc hội, nhiều đại biểu cũng cho rằng, hiện nay ở địa phương, công tác này chưa được tích cực. Nói cách khác là chưa được bài bản như Trung ương. Các địa phương cần hết sức quan tâm đặc biệt đến vấn đề tỷ lệ phụ nữ tham gia cấp ủy, tham gia HĐND, UBND, tham gia các vị trí lãnh đạo ở các ngành, các cấp.

“Ví dụ, trong UBND các cấp dứt khoát phải có tỷ lệ nữ tham gia nhất định. Nếu chưa có nữ, dứt khoát phải để chỉ tiêu đó lại, tìm bằng được nữ để thay thế. Muốn được như vậy, cần phải đào tạo, bồi dưỡng, tạo cơ hội cho phụ nữ tiếp cận, để khi “anh” muốn đưa người ta vào vị trí nào đó thì họ có đủ tiêu chuẩn, đủ điều kiện. Nếu“anh” chưa chuẩn bị trước, đến khi cần, thì không thể có được nguồn. Tức là phải chú ý công tác tạo nguồn từ rất sớm”, đại biểu Bùi Sỹ Lợi (đoàn Thanh Hóa), Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội nêu.

Mặt khác, cũng theo ông Bùi Sỹ Lợi, quy định hiện hành về tuổi nghỉ hưu của lao động nữ (bao gồm cả cán bộ, công chức) thấp hơn nam giới là một chính sách của Đảng và Nhà nước tạo điều kiện để phụ nữ chăm lo gia đình, bảo vệ sức khỏe, đáp ứng nhu cầu của lao động nữ, phù hợp với bối cảnh lịch sử khi chính sách ra đời vào những năm 60 của thế kỷ trước, có thể được coi như là một "biện pháp đặc biệt tạm thời" nhằm bảo đảm bình đẳng nam và nữ.

Song đến nay, cùng với sự phát triển của nền kinh tế và xã hội, tuổi nghỉ hưu của một bộ phận lao động nữ là vấn đề cần phải quan tâm. Do đó, Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH đã và đang nghiên cứu, điều tra, tổng kết, đánh giá để đề xuất việc sửa đổi, bổ sung quy định này cho phù hợp với thực tiễn.

Theo xếp hạng của Liên hợp quốc về chỉ số bình đẳng giới (GII) năm 2014, Việt Nam xếp thứ 60/154 quốc gia trên thế giới. Chúng ta đã có những bước tiến vượt bậc trong việc thực hiện bình đẳng giới.

Với sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội dành cho phiên thảo luận hội trường diễn ra sáng 9/11 về thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới, Báo cáo sẽ nhận được sự đóng góp, phân tích kỹ các nguyên nhân đạt và chưa đạt của các chỉ tiêu, để Mục tiêu về bình đẳng giới đi vào thực chất.

Đúng như khẳng định của các đại biểu bên hành lang Quốc hội, những thành tựu về thực hiện bình đẳng giới ở nước ta trong thời gian qua sẽ tạo đà quan trọng để phát huy hiệu quả công tác này trong thời gian tới. Đó là những điều kiện hết sức thuận lợi và quý giá cả về phương diện lý luận và thực tiễn.

Hiến pháp 2013, Luật Bình đẳng giới, Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa X "Về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước" đã đưa ra chỉ tiêu: phấn đấu đến năm 2020, nữ đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp từ 35% đến 40%. Chiến lược quốc gia về BĐG giai đoạn 2011- 2020 cũng xác định phấn đấu tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016- 2021 là trên 35%.

Theo số liệu thống kê, về sự tham gia của phụ nữ trong Quốc hội, Việt Nam đã có sự tiến bộ đáng kể trong việc tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong các cơ quan dân cử, từ con số 3% nữ đại biểu Quốc hội tham gia khóa I đến tỷ lệ 26,72% đại biểu Quốc hội khóa là nữ của Quốc hội khóa XIV. Đặc biệt, lần đầu tiên trong lịch sử, chúng ta có Chủ tịch Quốc hội là nữ: Nguyễn Thị Kim Ngân.

Trong cơ quan dân cử ở địa phương, tỷ lệ nữ đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2016-2021 cấp tỉnh đạt 26,54% (tăng 1,37%); cấp huyện đạt 27,85% (tăng 3,23%) và cấp xã đạt 26,59% (tăng 4,88%).

THANH NHUNG

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/binh-dang-gioi-nang-cao-vi-the-cua-phu-nu-trong-thoi-ky-hoi-nhap-d66585.html