Quốc hội thảo luận về Dự án Luật đầu tư công (sửa đổi)

Tiếp theo chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, chiều ngày 16/11/2018, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Dự án Luật đầu tư công (sửa đổi). Về cơ bản, các đại biểu tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật.

Ảnh: quochoi.vn

Giải trình về một số vấn đề được đại biểu Quốc hội quan tâm, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ nhấn mạnh về sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật đầu tư công. Sau ba năm được ban hành, Luật đầu tư công đã tạo bước tiến rất lớn, chuyển biến căn bản trong tái cơ cấu đầu tư công, khắc phục tình trạng phân tán, dàn trải, đặt biệt là nâng cao hiệu quả đầu tư. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện vẫn còn những yếu kém và hạn chế. Để khắc phục, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 60/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2016, Nghị quyết số 70/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công. Qua đó nhằm siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đẩy nhanh triển khai Luật này và đặc biệt là giải ngân vốn đầu tư công. Trong phạm vi thẩm quyền của mình, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 120/NĐ-CP ngày 13/9/2018 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 77/2015/ NĐ-CP, số 136/2015/ NĐ-CP ngày và số 161/2016/ NĐ-CP. Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành tổng hợp lấy ý kiến nhiều vòng, nhiều cơ quan, địa phương, tổ chức nhiều hội thảo để hoàn thiện dự thảo Luật trình Quốc hội trong lần sửa đổi một số điều của Luật đầu tư công.

Về phạm vi sửa đổi và tên gọi, quá trình lấy ý kiến từ các bộ, ngành, địa phương tập hợp được 597 ý kiến của hầu hết các cơ quan trung ương và địa phương tập trung vào 3 nhóm chính sách liên quan đến 18 nhóm vấn đề lớn. Vì vậy, Chính phủ trình với Quốc hội cho phép đổi tên thành Luật đầu tư công (sửa đổi).

Quan điểm sửa đổi Luật đầu tư công là phải thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, quản lý chặt chẽ, nâng cao hiệu quả sử dụng đầu tư công, đảm bảo gắn tái cơ cấu đầu tư công với tái cơ cấu về thu, chi ngân sách. Đồng thời, phân cấp mạnh mẽ thẩm quyền gắn với trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, cơ quan có liên quan đặc biệt đối với địa phương và các bộ, ngành, cố gắng đơn giản nhất các thủ tục, không làm phát sinh những thủ tục mới. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương về ngân sách, tăng cường công tác hậu kiểm, đảm bảo công khai, minh bạch, giám sát chặt chẽ, có chế tài xử lý nghiêm các vi phạm. Để đảm bảo tính đồng bộ trong Luật này với hệ thống pháp luật hiện hành, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Chính phủ sẽ chỉ đạo, rà soát, đánh giá kỹ một cách công bằng, cả những mặt tích cực và tiêu cực trong 18 nhóm chính sách. Cân nhắc để lựa chọn kỹ lưỡng những nội hàm, nội dung cần phải sửa đổi, có lý lẽ và có cơ sở thuyết phục để trình với Quốc hội trong kỳ họp lần sau.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng sẽ chỉ đạo rà soát để quy định cụ thể, rõ ràng hơn trách nhiệm, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong từng khâu của quá trình thực hiện các dự án đầu tư công. Đồng thời, chỉ đạo rà soát các điều khoản để tiếp cận thông lệ quốc tế tốt nhất đối với đầu tư công. Đặc biệt nghiên cứu để xây dựng các tiêu chí, lựa chọn các dự án đầu tư hay việc đánh giá hiệu quả đầu tư.

Về tiêu chí dự án quan trọng quốc gia, Nghị quyết số 05/1997/QH10 ngày 29/11/1997 của Quốc hội khóa X quy định là 10.000 tỷ đồng, bằng 3,2% GDP. Nghị quyết số 66/2006/NQ-QH11 ngày 29/6/2006 của Quốc hội khóa XI quy định là 20.000 tỷ đồng, bằng 1,9% GDP. Nghị quyết 49/2010/QH12 ngày 19/6/2010 của Quốc hội khóa XII quy định là 35.000 tỷ đồng, bằng 1,6% GDP. Quá trình thảo luận Dự án này có ý kiến cho rằng nếu bây giờ vẫn lấy lại tiêu chuẩn, tiêu chí của năm 1997 là 10.000 tỷ đồng như Luật đầu tư công năm 2014 là không hợp lý nữa. Vấn đề ở đây là tổng mức đầu tư chứ không phải là vốn nhà nước nằm trong dự án này. Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục nghiên cứu vấn đề này để báo cáo Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho biết.

Tại phiên thảo luận, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã giải trình, làm rõ một số vấn đề được đại biểu Quốc hội quan tâm liên quan đến các vấn đề về các tiêu chí, lựa chọn các dự án đầu tư hay việc đánh giá hiệu quả đầu tư; sửa đổi, bổ sung thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp; quy định thẩm quyền của Thường trực Hội đồng nhân dân; báo cáo đánh giá tác động môi trường…

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho rằng, các ý kiến đóng góp của đại biểu Quốc hội rất tâm huyết, thẳng thắn, trách nhiệm và có giá trị. Sau cuộc họp này, Chính phủ sẽ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội và các cơ quan hữu quan để tổng hợp đầy đủ. Với tinh thần rất nghiêm túc và cầu thị để tiếp thu tối đa các ý kiến xác đáng của đại biểu Quốc hội để chỉnh lý, hoàn thiện dự án luật và báo cáo Quốc hội xem xét để quyết định tại kỳ họp thứ 7.

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, phiên thảo luận tại hội trường đã có 17 đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến và Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã phát biểu tiếp thu, giải trình làm rõ một số vấn đề mà các đại biểu Quốc hội quan tâm. Các ý kiến của các đại biểu Quốc hội đã được phản ánh đầy đủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo để tiếp thu, giải trình nghiêm túc và hoàn thiện Dự án Luật để gửi xin ý kiến các đoàn đại biểu Quốc hội và các đại biểu Quốc hội, sau đó tiếp tục hoàn thiện và trình Quốc hội xem xét quyết định tại Kỳ họp thứ 7./.

Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Nguồn Bộ KHĐT: http://www.mpi.gov.vn/Pages/tinbai.aspx?idTin=41633&idcm=49