Quốc hội thảo luận về dự án Luật Thanh niên (sửa đổi)

Chiều ngày 21/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Thanh niên (sửa đổi).

Toàn cảnh phiên họp

Theo Tờ trình của Chính phủ, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện Luật Thanh niên đã bộc lộ một số tồn tại và bất cập. Một số quy định của Luật khó áp dụng, thiếu đồng bộ với các chính sách khác, như chưa có sự rõ ràng về quyền và nghĩa vụ của thanh niên; quy định về trách nhiệm của Nhà nước còn chung chung, chưa cụ thể; thiếu nguồn lực thực hiện Luật; chưa có công cụ đo lường, thống kê nên chưa bóc tách và làm rõ được thông tin về thanh niên, nguồn lực đầu tư cho thanh niên với nguồn lực đầu tư vào các lĩnh vực khác của các bộ, ngành và địa phương. Thiếu cơ chế điều phối trong việc thực hiện các chính sách quy định trong Luật, thiếu sự gắn kết giữa cơ quan xây dựng chính sách và cơ quan thực thi chính sách; tính pháp chế trong thi hành Luật còn hạn chế, làm giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về thanh niên; công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với thanh niên chưa được coi trọng dẫn đến tình trạng cơ quan, tổ chức, đơn vị triển khai thực hiện tốt cũng không được đánh giá, ghi nhận và ngược lại không làm cũng không bị xử lý.

Bên cạnh đó, cơ chế tạo điều kiện, khuyến khích và bảo đảm sự tham gia của thanh niên trong quá trình xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến thanh niên còn chung chung. Do đó, thanh niên khó phát huy và thực hiện được đầy đủ các quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của mình trong việc tham gia xây dựng chính sách, pháp luật cho chính thanh niên. Mặt khác, bối cảnh kinh tế - xã hội của đất nước và nhu cầu của thanh niên đã có nhiều thay đổi so với thời điểm thông qua Luật năm 2005, hệ thống pháp luật chuyên ngành đã được sửa đổi, bổ sung khá nhiều, tác động trực tiếp đến các chính sách dành cho thanh niên, đặc biệt là sau khi Quốc hội thông qua Hiến pháp năm 2013. Bên cạnh đó, trước yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, các chính sách, pháp luật đối với thanh niên cần phải tiếp tục đổi mới, hoàn thiện để đáp ứng bối cảnh hiện nay và tạo điều kiện cho thanh niên phát triển.

Đại biểu phát biểu tại phiên họp

Qua thảo luận, các đại biểu cho rằng, xây dựng Luật Thanh niên (sửa đổi) sẽ giúp thể chế hóa và hoàn thiện cơ sở pháp lý, xác định rõ quyền và nghĩa vụ của thanh niên, các chính sách của Nhà nước; bảo đảm trách nhiệm của nhà nước, gia đình, nhà trường, xã hội và các tổ chức của thanh niên trong thực hiện chính sách, pháp luật để thanh niên được tu dưỡng, rèn luyện, lập thân, lập nghiệp, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Theo đại biểu Quốc hội Dương Tấn Quân- Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu, lực lượng thanh niên có vai trò rất quan trọng, đi đầu trong xây dựng và phát triển đất nước. Trong khi đó, trong Luật Thanh niên hiện hành còn có nhiều hạn chế, chưa cụ thể hóa được các chính sách của nhà nước để phát triển thanh niên. Do vậy, yêu cầu sửa đổi, bổ sung Luật Thanh niên phù hợp với tình hình mới, phát huy đúng vai trò xung kích trong xây dựng, phát triển đất nước của thanh niên.

Đại biểu Quốc hội Chau Chắc- Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang, cũng cho rằng, thanh niên là giường cột của nước nhà, là lực lượng xung kích trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và là một trong những nhân tố quyết định thắng lợi trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Chăm lo phát triển thanh niên vừa là mục tiêu vừa là động lực đảm bảo ổn định, phát triển bền vững của đất nước. Do vậy, việc sửa đổi Luật Thanh niên để tháo gỡ những bất cập, đảm bảo sự đồng bộ thống nhất trong hệ thống pháp luật là cần thiết.

Tuy nhiên, qua nghiên cứu dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, khi đối chiếu dự thảo Luật với các quy định của Luật hiện hàng vẫn chưa khắc phục được triệt để các điểm yếu mà Luật Thanh niên 2005 đang gặp phải. Nhiều nội dụng quy định còn chung chung, mang tính khẩu hiệu hô hào.

Đại biểu Quốc hội Mai Thị Kim Nhung- Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị, chỉ rõ, các quy định về chính sách của nhà nước đối với thanh niên trong dự thảo Luật còn rất chung chung, mang tính liệt kê, khẩu hiệu, vừa thừa vừa thiếu. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần rà soát cẩn thận lại nội dung này để đảm bảo tính khả thi của các chính sách; đồng thời quy định rõ trách nhiệm của các chủ thể liên quan để đảm bảo các chính sách này.

Theo đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim- Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cho rằng, dự thảo Luật lần này chỉ nên tập trung quy định về quyền và nghĩa vụ đặc thù của thanh niên. Bởi các quyền về công dân, quyền con người đã được các Luật khác quy định.

Quan tâm đến tên gọi của dự thảo Luật, nhiều đại biểu Quốc hội đề xuất sửa đổi tên dự thảo Luật thành Luật Hỗ trợ và phát triển thanh niên. Đồng thời, đề nghị dự thảo Luật lược bỏ bớt các quy định chồng lấn với các quy định đã có trong Hiến pháp cũng như các luật khác có liên quan để tránh trùng lắp, chồng lấn, đảm bảo tính khả thi, sớm đi vào cuộc sống.

Phát biểu kết thúc nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận rất sôi nổi về dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi) với nhiều ý kiến rất xác đáng. Thay mặt cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh sẽ tiếp thu đầy đủ các ý kiến góp ý của các đại biểu Quốc hội tại phiên họp hôm nay để tiếp tục nghiên cứu, rà soát, hoàn thiện dự thảo luật để trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp tới./.

Thu Phương- Nghĩa Đức

Nguồn Quốc Hội: http://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=43030