Quốc hội thảo luận về Dự thảo Luật thuế tài nguyên và Dự thảo Luật người cao tuổi

(ĐCSVN) - Ngày 21/10/2009, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng và các Phó Chủ tịch Nguyễn Đức Kiên, Uông Chu Lưu - Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XII tiếp tục làm việc ngày thứ 2, thảo luận về Dự thảo Luật thuế tài nguyên và Dự thảo Luật người cao tuổi.

Buổi sáng, các đại biểu đã thảo luận ở tổ về Dự thảo Luật thế tài nguyên. Ý kiến của các đại biểu cơ bản đồng tình với Dự thảo Luật thuế tài nguyên vì Luật này đã kế thừa, luật hóa các quy định của pháp luật hiện hành về thuế còn phù hợp liên quan đến tài nguyên; khắc phục những mặt hạn chế, chưa đầy đủ của chính sách thuế tài nguyên hiện hành. Dự thảo Luật thuế tài nguyên cũng đã thể chế hóa được chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tiếp tục cải cách, xây dựng hệ thống thuế đồng bộ, phù hợp với các quy định của Hiến pháp, thống nhất và đồng bộ với các văn bản pháp luật khác có liên quan, đồng thời tăng cường quản lý nhà nước đối với tài nguyên, bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm và có hiệu quả, góp phần bảo vệ môi trường. Các quy định trong Luật không quá kỹ thuật, phức tạp, rõ ràng, dễ thực hiện, dễ quản lý. Điều quan trọng là Luật thuế tài nguyên được thông qua sẽ góp phần đảm bảo ổn định nguồn thu ngân sách nhà nước. Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai trình bày Dự thảo Luật người cao tuổi Buổi chiều, các Đại biểu đã nghe Chủ nhiệm Ủy Ban các vấn đề xã hội của Quốc Hội Trương Thị Mai trình bày Dự thảo Luật người cao tuổi và tiến hành thảo luận ngay tại hội trường đối với Dự thảo Luật này. Nhìn chung, ý kiến của Đại biểu Quốc hội tán thành về sự cần thiết ban hành Luật và những nội dung cơ bản của Dự thảo Luật, cho rằng, nếu Luật người cao tuổi được ban hành sẽ tạo điều kiện để người cao tuổi phát huy trí tuệ, kinh nghiệm quý và phẩm chất tốt đẹp trong các hoạt động như: Giáo dục truyền thống đoàn kết, yêu n­ước, yêu con người và thiên nhiên; xây dựng đời sống văn hóa; bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc ở cơ sở và cộng đồng; tham gia các phong trào khuyến học, khuyến tài, hỗ trợ giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng người có đức, có tài và các cuộc vận động khác tại cộng đồng dân cư; truyền thụ kỹ năng, kinh nghiệm, kiến thức văn hóa, xã hội, khoa học và công nghệ và nghề truyền thống cho thế hệ trẻ; nghiên cứu, giáo dục, đào tạo, ứng dụng khoa học và công nghệ; tư vấn chuyên môn, kỹ thuật; phát triển kinh tế, giảm nghèo, làm giàu hợp pháp.; giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp tại cộng đồng dân c­ư; thực hiện pháp luật về dân chủ ở cơ sở; thực hành tiết kiệm chống lãng phí; phòng, chống tham nhũng, quan liêu; phòng, chống HIV/AIDS và tệ nạn xã hội; đóng góp ý kiến xây dựng chính sách, pháp luật và tham gia giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật và tham gia các hoạt động xã hội khác vì lợi ích của đất nước và nhân dân… Trong Dự thảo Luật người cao tuổi cũng dự kiến sẽ lấy ngày 6/6 hàng năm làm "Ngày người cao tuổi Việt Nam". Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến cho rằng cần phải quy định rõ khái niệm thế nào là người cao tuổi; bao nhiêu tuổi thì được coi là người cao tuổi và việc quy định độ tuổi của người cao tuổi cũng phải phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội, điều kiện sinh sống của từng vùng miền. Cũng có ý kiến nhấn mạnh rằng cần phải quy định rõ và cụ thể về trách nhiệm chăm sóc đối với người cao tuổi; cũng như quy định rõ về việc phát huy trí tuệ của người cao tuổi trong công tác nghiên cứu khoa học - xã hội.

Nguồn ĐCSVN: http://www.cpv.org.vn/cpv/modules/news/newsdetail.aspx?cn_id=366720&co_id=30106