QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ MỘT SỐ NỘI DUNG CÒN Ý KIẾN KHÁC NHAU CỦA DỰ ÁN LUẬT DAN QUÂN TỰ VỆ (SỬA ĐỔI)

Mở đầu tuần làm việc thứ 2 tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, sáng 28/10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, Quốc hội họp phiên toàn thể hội trường, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi).

Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi)

Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi)

Thảo luận tại hội trường, đa số các ý kiến phát biểu của đại biểu Quốc hội đều tán thành với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cho rằng dự thảo đã nghiêm túc tiếp thu, chỉnh lý hoàn thiện nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội. Các đại biểu cũng đánh giá cao các nội dung của dự thảo luật đã được rà soát, bảo đảm đồng bộ thống nhất. Các quy định của dự thảo Luật bám sát nguyên tắc dân quân tự vệ với bản chất là lực lượng vũ trang quần chúng, không thoát ly sản xuất, vững mạnh, rộng khắp, tinh gọn trong tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng hiệu quả, bám sát tình hình, xu hướng công tác quân sự, quốc phòng, đặc thù trong xây dựng và bảo vệ đất nước hiện nay.

Đại biểu Chau Chắc – Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang ghi nhận dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý cơ bản hoàn chỉnh từng bước khắc phục những khó khăn bất cập, nhằm xây dựng lực lượng dân quân tự vệ rộng khắp, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần giữ vững an ninh, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, cơ sở. Đánh giá các nội dung của dự thảo Luật đã được chuẩn bị tốt, đại biểu Chau Chắc kiến nghị Quốc hội xem xét thông qua dự án Luật, cùng với đó thì Chính phủ, các cơ quan hữu quan sớm triển khai để luật đi vào cuộc sống. Đại biểu cũng nhấn mạnh, nếu dự thảo Luật được thông qua sẽ thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Quốc hội đối với lực lượng này.

Khó khăn trong thành lập tổ chức tự vệ tại doanh nghiệp

Bày tỏ băn khoăn với việc thành lập tổ chức tự vệ tại doanh nghiệp, đại biểu Lý Tiết Hạnh – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định cho biết, trong những năm qua việc thành lập đơn vị tự vệ trong các doanh nghiệp nhất là tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Nhiều doanh nghiệp không mặn mà với việc thành lập đơn vị tự vệ. Nhiều chủ doanh nghiệp cho rằng việc thành lập đơn vị tự vệ là trách nhiệm của chính quyền địa phương. Trong khi đó, lực lượng của địa phương và các khu công nghiệp nếu có thì chủ yếu tập trung công tác đảm bảo an ninh trật tự bên ngoài hàng rào doanh nghiệp. Còn bên trong doanh nghiệp, tình hình an ninh trật tự hết sức phức tạp. Mặt khác, khi có yêu cầu mở rộng hoặc huy động lực lượng để giải quyết các vấn đề trong toàn khu vực như cháy nổ, phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai thì các doanh nghiệp cũng phải có trách nhiệm.

Đại biểu Lý Tiết Hạnh – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định

Đại biểu Lý Tiết Hạnh cũng cho hay, hiện nay nhiều thanh niên thoát ly, đi làm ăn xa rất đông nên tình trạng lực lượng thanh niên tại địa phương không nhiều, còn doanh nghiệp ngoài nhà nước thì lại thu hút được lượng lớn thanh niên trẻ khỏe có trình độ.

Do đó, để phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 28 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về Chiến lược Bảo vệ tổ quốc trong tình hình mới, đại biểu Lý Tiết Hạnh đề nghị việc tổ chức, duy trì lực lượng dân quân tự vệ tại các doanh nghiệp là cần thiết để bảo đảm bình đẳng về trách nhiệm, nghĩa vụ giữa các loại hình doanh nghiệp với công tác bảo đảm an ninh quốc phòng tại địa phương nhưng cũng tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động tốt. Đại biểu đề nghị dự thảo Luật cần bổ sung trách nhiệm, nghĩa vụ phải thành lập đơn vị tự vệ trong doanh nghiệp; trách nhiệm của chủ doanh nghiệp trong chấp hành phân công, điều động khi có yêu cầu; đồng thời cân nhắc quy định về kinh phí bảo đảm.

Bày tỏ tán thành với ý kiến của đại biểu Lý Tiết Hạnh về thành lập lực lượng tự vệ tại doanh nghiệp, đại biểu Bùi Xuân Thống – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai cho biết thêm, từ thực tiễn tại Đồng Nam cho thấy việc thành lập lực lượng tự vệ tại doanh nghiệp sẽ góp phần đảm bảo an ninh trật tự tốt hơn. Đây cũng là lực lượng tại chỗ góp phần thực hiện nhiệm vụ phòng chống cháy nổ.

Không nên quy định Phó Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã hoạt động chuyên trách

Liên quan đến Ban chỉ huy quân sự cấp xã, thôn đội trưởng, đại biểu Triệu Tuấn Hải – Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn cho rằng nếu dự thảo Luật quy định phó chỉ huy trưởng cũng như chỉ huy trưởng phải được đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng, đại học ngành quân sự cơ sở tại các nhà trường quân đội trong khi phó chỉ huy trưởng hoạt động không chuyên trách thì rất khó thực hiện. Do đó chỉ nên quy định trình độ đào tạo với chỉ huy trưởng, còn phó chỉ huy trưởng nên quy định là được đào tạo.

Về chế độ chính sách cho xã đội phó, đại biểu Bùi Xuân Thống cho biết, hiện nay một số địa phương có xã đội phó là nữ nhưng xã đội phó lại là không chuyên trách nên không được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, đối với nữ thì không được hưởng chế độ thai sản. Đại biểu đề nghị cân nhắc để có thêm chế độ cho xã đội phó; đồng thời nghiên cứu để quy định xã đội phó là chuyên trách vì đặc thù của lực lượng dự bị động viên là một bộ phận của lực lượng vũ trang và hiện nay lực lượng công an cũng bố trí cán bộ chính quy về trưởng phó cấp xã.

Đại biểu Nguyễn Minh Hoàng – Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh

Trước đề xuất quy định chỉ huy phó Ban chỉ huy quân sự cấp xã phải là chuyên trách và chính quy Ban chỉ huy quân sự cấp xã, đại biểu Nguyễn Minh Hoàng – Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh cho rằng, nếu thực hiện chính quy hóa chỉ huy trưởng như công an xã thì lực lượng thường trực là sĩ quan sẽ tăng thêm. Lực lượng dân quân tự vệ không thoát ly sản xuất nên phát triển trong đội ngũ cán bộ, công chức. Cùng với đó nếu biên chế đối với chỉ huy phó lên công chức thì tăng thêm hơn 130.000 cán bộ công chức cấp xã. Điều này là không phù hợp với tinh thần Nghị quyết của Đảng về tinh gọn bộ máy.

Nhất trí với quy định về độ tuổi thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ của dự thảo Luật là công dân nam từ đủ 18 tuổi, đến hết 45 tuổi và công dân nữ từ đủ 18 tuổi đến hết 40 tuổi có nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ và nếu tình nguyện tham gia có thể kéo dài đến hết 50 tuổi đối với nam và hết 45 tuổi đối với nữ, đại biểu đại biểu Nguyễn Minh Hoàng cho rằng quy định này phù hợp với thực tiễn, có tính ổn định và phát huy hiệu quả trong xây dựng lực lượng dân quân tự vệ.

Đại biểu Nguyễn Minh Hoàng cho biết thêm, không phải tất cả cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đều tham gia lực lượng dân quân tự vệ mà chỉ sử dụng một tỷ lệ nhất định (khoảng 3,5%). Như vậy số lượng không nhiều nên cần có sự chọn lựa và có tuyển chọn để bảo đảm chất lượng, số lượng cho lực lượng dân quân tự vệ. Đặc biệt với quy định về kéo dài thời gian tham gia lực lượng dân quân tự vệ cũng sẽ không để mất đi chất xám của những người có kinh nghiệm, trình độ, những nơi có điều kiện tuyển dụng khó khăn trong việc phát triển lực lượng.

Bên cạnh đó, các đại biểu Quốc hội cũng đề nghị làm rõ thêm về vị trí, chức năng, độ tuổi của dân quân tự vệ; về tổ chức, vũ khí, biên chế; về tổ chức tự vệ trong doanh nghiệp; đề nghị làm rõ hơn các quy định về Ban chỉ huy quân sự cấp xã; công tác đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện dân quân tự vệ; các hoạt động của dân quân tự vệ; điều động dân quân tự vệ; chế độ chính sách, phụ cấp, chi ngân sách tiếp tục rà soát chỉnh lý để bảo đảm tính khả thi thống nhất. Một số ý kiến góp ý cụ thể vào kỹ thuật lập pháp, sử dụng từ ngữ, bố cục các chương điều đề nghị rà soát chỉnh sửa để bảo đảm chặt chẽ, thống nhất.

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hộ Đỗ Bá Tỵ cho biết, các ý kiến của đại biểu Quốc hội được ghi chép, tổng hợp đầy đủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra phối hợp tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội để hoàn thiện chỉnh lý dự thảo Luật trước khi trình Quốc hội thông qua.

Bảo Yến - Nghĩa Đức

Nguồn Quốc Hội: http://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=42564