Quốc hội thông qua Luật Đo đạc và bản đồ

Với 451/452 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 92,61%), chiều 14/6, Quốc hội đã thông qua Luật Đo đạc và bản đồ.

Trình bày Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đo đạc và bản đồ trình Quốc hội xem xét thông qua của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cho biết, ngày 11/6/2018, Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường về Dự thảo Luật Đo đạc và Bản đồ. Hầu hết ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội tán thành với Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý và Dự thảo Luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội. Bên cạnh đó, có một số ý kiến góp ý thêm nhằm hoàn thiện Dự thảo Luật.

Sau Phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường phối hợp với Ban soạn thảo - Bộ Tài nguyên và môi trường, Thường trực Ủy ban Pháp luật và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để chỉnh lý Dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét thông qua.

Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường biểu quyết thông qua Luật Đo đạc và bản đồ

Cụ thể, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghiên cứu tiếp thu chỉnh sửa dự thảo Luật theo ý kiến đại biểu Quốc hội về nhiều nội dung như bổ sung một số vấn đề về nguyên tắc trong hoạt động đo đạc, bản đồ tại Điều 4 như bảo đảm trật tự, an toàn xã hội và đáp ứng yêu cầu ứng phó với biến đổi khí hậu, nâng cao dân trí. Bổ sung nội dung quy định về chỉnh lý biến động bản đồ hành chính các cấp vào Khoản 2 và Khoản 3 Điều 26 trong Dự thảo Luật.

Bổ sung vào Khoản 2 Điều 51 quy định về phạm vi hoạt động của tổ chức nước ngoài trong giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ; bổ sung vào khoản 6 quy định các trường hợp khác theo quy định của pháp luật. Xem xét lại quy định tại Khoản 2 Điều 52 liên quan đến giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ của nhà thầu nước ngoài cho phù hợp với thực tế và pháp luật hiện hành; quy định tại Khoản 4 Điều 53 về chứng chỉ hành nghề đo đạc và bản đồ và tiêu chí phân chứng chỉ hạng I và hạng II; quy định rõ những vấn đề liên quan đến sát hạch khi cấp mới, cấp đổi, cấp lại và gia hạn chứng chỉ hành nghề đo đạc và bản đồ…

Giải trình một số nội dung cụ thể, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng nêu rõ, về thành lập bản đồ hành chính quy định tại Điều 26, có ý kiến đại biểu đề nghị bổ sung bản đồ hành chính cấp xã vào Khoản 1 Điều 26, theo báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bản đồ hành chính là bản đồ thể hiện sự phân chia lãnh thổ theo đơn vị hành chính trong quốc gia. Đơn vị hành chính cấp xã là cấp nhỏ nhất, trong đó không có sự phân chia lãnh thổ. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giữ nguyên như Dự thảo Luật.

Ngay sau khi nghe trình bày Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đo đạc và bản đồ, các đại biểu Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Luật Đo đạc và bản đồ với 451/452 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành chiếm 92,61% tổng số đại biểu Quốc hội.

Luật Đo đạc và bản đồ được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV gồm 9 chương và 61 điều, quy định về hoạt động đo đạc và bản đồ cơ bản; hoạt động đo đạc và bản đồ chuyên ngành; chất lượng sản phẩm đo đạc và bản đồ; công trình hạ tầng đo đạc; thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ; hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia; điều kiện kinh doanh dịch vụ đo đạc và bản đồ; quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân hoạt động đo đạc và bản đồ; quản lý nhà nước về đo đạc và bản đồ.

T.Tr

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/quoc-hoi-thong-qua-luat-do-dac-va-ban-do-74922.html