Quốc hội thông qua Luật Lực lượng dự bị động viên, 'chốt' tuổi quân nhân dự bị thời bình

Với 92,96%, tương đương 449 Đại biểu tham gia bấm nút tán thành, Luật Lực lượng dự bị động viên vừa được Quốc hội thông qua.

Đã có 453 Đại biểu tham gia biểu quyết thông qua Luật Lực lượng dự bị động viên, trong đó 449 Đại biểu tán thành.

Đã có 453 Đại biểu tham gia biểu quyết thông qua Luật Lực lượng dự bị động viên, trong đó 449 Đại biểu tán thành.

Theo Luật được thông qua, độ tuổi quân nhân dự bị sắp xếp vào đơn vị dự bị động viên trong thời bình được quy định cụ thể như sau: nam quân nhân chuyên nghiệp dự bị không quá 40 tuổi, đối với hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị không quá 35 tuổi được sắp xếp vào đơn vị chiến đấu.

Nam quân nhân chuyên nghiệp dự bị và hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị không quá 45 tuổi, nữ quân nhân dự bị không quá 40 tuổi được sắp xếp vào đơn vị bảo đảm chiến đấu.

Trước đó, thảo luận về dự luật này, nhiều đại biểu quan tâm, cho ý kiến về độ tuổi sắp xếp quân nhân dự bị vào đơn vị dự bị động viên trong thời bình.

Theo đó, một số ý kiến đề nghị tăng hoặc giảm độ tuổi cho phù hợp với thực tiễn; có ý kiến cho rằng, quy định như dự thảo Luật chưa phù hợp, khó khăn trong sắp xếp đơn vị dự bị động viên, không thống nhất với Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng...

Đại biểu Hồ Văn Thái (Kiên Giang) đồng tình với quy định như trong dự thảo luật. Đại biểu cho rằng, hiện nay, nguồn quân nhân dự bị rất dồi dào, chiếm 8% so với dân số, với độ tuổi từ 40 trở xuống. “Xuất phát từ thực tiễn nguồn quân nhân dự bị dồi dào hiện có và yêu cầu sử dụng quân đội theo hướng tinh-gọn-mạnh, đủ sức hoàn thành tốt nhiệm vụ trong mọi tình huống, dự thảo quy định độ tuổi sắp xếp quân nhân dự bị vào đơn vị dự bị động viên trong thời bình là phù hợp”, đại biểu phân tích song cũng lưu ý, do lực lượng này đông nên quá trình tổ chức thực hiện, sắp xếp cần bảo đảm chất lượng, theo hướng ưu tiên tuyển chọn từ cao trở xuống.

Không đồng tình quan điểm này, đại biểu Trần Văn Mão (Nghệ An) nêu lên thực tế hiện nay, quân nhân dự bị thường đi làm ăn xa, khó khăn trong việc bổ nhiệm, miễn nhiệm các chức danh quản lý đơn vị dự bị động viên và kêu gọi huấn luyện, diễn tập, báo động, kiểm tra hằng năm. Nếu quá 35 tuổi không được sắp xếp vào các đơn vị này thì rất khó khăn cho địa phương. Theo đại biểu, thực tế qua khảo sát ở địa phương, đơn vị chỉ có khoảng 50-60% quân nhân dự bị được sắp xếp, bổ nhiệm vào các đơn vị trên địa bàn. Do vậy, đại biểu đề nghị xem xét lại độ tuổi quân nhân dự bị sắp xếp vào các đơn vị dự bị động viên trong thời bình, bảo đảm thống nhất với các văn bản pháp luật khác và sát với tình hình thực tế của địa phương.

Tuy nhiên, thay mặt UBTVQH giải trình trước Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh Võ Trọng Việt khẳng định, việc quy định độ tuổi của quân nhân dự bị đã được đánh giá kỹ tác động, bảo đảm nguồn để huy động vào LLDBĐV.

Riêng với đề nghị tăng hoặc giảm độ tuổi của quân nhân dự bị sắp xếp vào đơn vị dự bị động viên trong thời bình, UBTVQH thấy rằng, dự thảo Luật quy định độ tuổi của quân nhân dự bị trong thời bình thấp hơn độ tuổi của quân nhân chuyên nghiệp dự bị theo Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng, vì nguồn đối tượng này nhiều, đồng thời bảo đảm sức khỏe để thực hiện nhiệm vụ; còn độ tuổi đối với hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị là phù hợp với Luật Nghĩa vụ quân sự.

Liên quan đến phụ cấp đối với quân nhân dự bị được xếp, bổ nhiệm chức vụ đơn vị dự bị động viên, có đại biểu lưu ý, quy định “quân nhân dự bị xếp vào đơn vị dự bị động viên được hưởng phụ cấp” là thiếu khả thi, không thỏa đáng và ngân sách khó bảo đảm.

Cơ quan giải trình phân tích, quy định về phụ cấp đối với quân nhân dự bị được xếp, bổ nhiệm chức vụ trong đơn vị dự bị động viên nhằm động viên, khuyến khích, đề cao trách nhiệm của quân nhân dự bị và góp phần bảo đảm công bằng xã hội.

Anh Duy

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/quoc-hoi-thong-qua-luat-luc-luong-du-bi-dong-vien-chot-tuoi-quan-nhan-du-bi-thoi-binh-162159.html