Quốc hội thông qua Luật Lực lượng dự bị động viên

Chiều nay, 26-11, Quốc hội biểu quyết thông qua Dự án Luật Lực lượng dự bị động viên với 92,96% ĐBQH tán thành

Theo Báo cáo giải trình, tiếp thu dự án Luật do Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt trình bày, về độ tuổi quân nhân dự bị sắp xếp vào đơn vị dự bị động viên trong thời bình (Điều 17), có ý kiến đề nghị tăng cho thống nhất với các luật khác liên quan và sát với tình hình thực tế. Có ý kiến đề nghị giảm độ tuổi nam quân nhân chuyên nghiệp dự bị, hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị được xếp vào đơn vị đảm bảo chiến đấu không quá 40 và nữ quân nhân dự bị không quá 35 tuổi.

Các đại biểu biểu quyết tại hội trường

Các đại biểu biểu quyết tại hội trường

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, việc quy định độ tuổi của quân nhân dự bị đã được đánh giá kỹ tác động, bảo đảm nguồn để huy động vào lực lượng dự bị động viên. Về đề nghị tăng hoặc giảm độ tuổi của quân nhân dự bị sắp xếp vào đơn vị dự bị động viên trong thời bình đã được giải trình tại Báo cáo số 462/BC-UBTVQH14, ngày 19-10-2019 QH. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ như dự thảo Luật.

Theo đó, nam quân nhân chuyên nghiệp dự bị không quá 40 tuổi; hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị không quá 35 tuổi được sắp xếp vào đơn vị chiến đấu. Nam quân nhân chuyên nghiệp dự bị và hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị không quá 45 tuổi; nữ quân nhân dự bị không quá 40 tuổi được sắp xếp vào đơn vị bảo đảm chiến đấu.

Về huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu quân nhân dự bị, phương tiện kỹ thuật dự bị, đơn vị dự bị động viên (Điều 22), Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho biết, có ý kiến đề nghị bổ sung các trường hợp được hoãn như: đi làm ăn xa, lao động chính của gia đình, dịch bệnh nguy hiểm, thiên tai hoặc người lao động không được chủ doanh nghiệp tạo điều kiện tham gia.

Toàn cảnh hội trường

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, quy định về các trường hợp được hoãn như dự thảo Luật là bao quát, đầy đủ, kế thừa quy định Pháp lệnh hiện hành. Qua rà soát, để bảo đảm chặt chẽ, rõ ràng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho chỉnh lý một số nội dung của Điều này như dự thảo Luật.

Cụ thể, quân nhân dự bị được hoãn tập trung huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu trong trường hợp trùng với thời gian thi tuyển công chức, viên chức; thi nâng bậc thợ, nâng ngạch công chức, viên chức; thi kết thúc học kỳ, thi kết thúc khóa học được cơ quan, tổ chức nơi quân nhân dự bị đang lao động, học tập, làm việc xác nhận;

Hoặc bị ốm đau, hoặc hoàn cảnh gia đình, bản thân khó khăn đột xuất không thể tham gia, được UBND cấp xã, UBND cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã nơi quân nhân dự bị cư trú, cơ quan, tổ chức nơi quân nhân dự bị đang lao động, học tập, làm việc xác nhận.

Luật Lực lượng dự bị động viên gồm 5 chương, 41 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2020.

5 hành vi bị nghiêm cấm trong xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên:

1. Trốn tránh thực hiện trách nhiệm của quân nhân dự bị, nghĩa vụ của chủ phương tiện kỹ thuật dự bị được huy động, điều động.

2. Chống đối, cản trở việc xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên.

3. Huy động, điều động lực lượng dự bị động viên không có trong kế hoạch được phê duyệt.

4. Lợi dụng, lạm dụng việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên để xâm phạm lợi ích quốc gia, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

5. Phân biệt đối xử về giới trong xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên.

Quỳnh Vinh - Thiện Minh

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/quoc-hoi-thong-qua-luat-luc-luong-du-bi-dong-vien-571474/