Quốc hội thông qua Luật Trồng trọt với 93,81% ĐBQH tán thành

Chiều 19-11, Quốc hội thông qua Luật Trồng trọt với 93,81% ĐBQH biểu quyết tán thành.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo Giải trình tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Trồng trọt trình Quốc hội xem xét, thông qua cho biết:

Về hủy bỏ Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam (điểm a khoản 2 Điều 38), có ĐBQH đề nghị xem xét quy định dừng ngay việc sản xuất, nhập khẩu phân bón khi có bằng chứng khoa học về phân bón có nguy cơ cao gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người và môi trường (điểm a khoản 2 Điều 38).

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng

Về vấn đề này, UBTVQH xin được báo cáo như sau: trong dự thảo Luật đã quy định phân bón là hàng hóa kinh doanh có điều kiện, quản lý theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và phải khảo nghiệm để bảo đảm chất lượng, bảo đảm an toàn cho sức khỏe con người và môi trường.

Quy định tại khoản 2 Điều 38 nhằm xử lý các trường hợp phân bón đã được cấp Quyết định lưu hành (tức là đã qua khảo nghiệm đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật) nhưng sau một thời gian, do khoa học công nghệ phát triển nhanh chóng nên có bằng chứng chứng minh phân bón này có nguy cơ cao gây ảnh hưởng xấu sức khỏe con người và môi trường.

“Tuy nhiên, việc cấm hoặc dừng sản xuất một loại hàng hóa có nguy cơ cao gây hại đến sức khỏe con người, môi trường thì cơ quan quản lý phải điều tra, đánh giá, phân tích nguy cơ, các tác động ảnh hưởng đến sức khỏe con người và môi trường trên diện rộng để có đủ căn cứ ra quyết định” – Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nói.

Theo ông, pháp luật của Mỹ và các nước EU đều tuân thủ nghiêm ngặt việc xác định, đánh giá nguy cơ gây hại trước khi cấm hoặc dừng sản xuất sản phẩm, hàng hóa có nguy cơ gây hại. Đồng thời, Công ước Rotterdam, Công ước Stockholm, Công ước Basel và Nghị định thư Montreal về vận chuyển thương mại hàng hóa đã quy định việc bổ sung hóa chất được cho là nguy hại vào Danh mục cấm sử dụng theo các phụ lục của công ước trên đều phải có quá trình xin ý kiến của các bên liên quan (được sự đồng thuận của 100% các nước thành viên trong các kỳ họp) và có lộ trình áp dụng cụ thể. Đối với các hóa chất độc hại như thuốc bảo vệ thực vật, thời hạn này có thể lên tới 24 tháng.

“Do vậy, luôn có lộ trình thông báo trước cho việc cấm sử dụng hóa chất được cho là có nguy cơ gây độc hại. Trong thời gian chờ đợi xác minh, các cơ quan liên quan có khuyến cáo cho người dân trong việc sử dụng”, ông Dũng phân tích.

Ông cho rằng, Việt Nam tham gia nhiều công ước quốc tế, có trao đổi thương mại hàng hóa với nhiều nước trên thế giới nên việc tuân thủ quy định và pháp luật quốc tế là cần thiết. Do vậy, trong dự thảo Luật quy định việc thời gian tối đa là 6 tháng đối với tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu phân bón kể từ ngày Quyết định công nhận lưu hành phân bón bị hủy bỏ có hiệu lực là phù hợp với năng lực quản lý nhà nước về phân bón và tương thích với luật pháp quốc tế.

“Vì vậy, xin Quốc hội cho giữ quy định này như điểm a khoản 2 Điều 38 của Dự thảo Luật”, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị.

A.Quỳnh

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/quoc-hoi-thong-qua-luat-trong-trot-voi-93-81-dbqh-tan-thanh-520727/