Quốc hội thông qua Luật Viễn thông (sửa đổi)

Quốc hội chính thức thông qua Luật Viễn thông (sửa đổi) quy định chi tiết về các dịch vụ viễn thông, tài nguyên viễn thông, quỹ viễn thông, việc đấu giá quyền sử dụng kho số viễn thông...

Sáng 24/11, với 468/472 đại biểu tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Viễn thông (sửa đổi). Luật gồm 10 chương, 73 điều.

Trước khi Quốc hội biểu quyết, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật.

Về dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet, ông Lê Quang Huy cho biết, có ý kiến đề nghị làm rõ dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet có phải là một loại hình dịch vụ viễn thông hay không; nếu đúng thì phải đáp ứng tất cả các nghĩa vụ của các dịch vụ viễn thông truyền thống; nếu không thì cần định nghĩa lại để tránh sự nhầm lẫn trong cách hiểu, áp dụng và thực thi pháp luật.

Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu.

Ông Lê Quang Huy cho biết, dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet cung cấp tính năng tương đương với dịch vụ viễn thông cơ bản (tin nhắn, thoại, hội nghị truyền hình), cung cấp tính năng chính là gửi, truyền, nhận thông tin giữa hai hoặc một nhóm người sử dụng dịch vụ viễn thông trên Internet. Các dịch vụ giống nhau cần được điều chỉnh bởi cùng một Luật, bảo đảm sự bình đẳng giữa doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông truyền thống.

Trên thế giới, nhiều quốc gia đã quy định dịch vụ này là dịch vụ viễn thông và được quản lý theo pháp luật về viễn thông.

Do đó, dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet là một loại dịch vụ viễn thông, được điều chỉnh trong Luật Viễn thông. Tuy nhiên, dịch vụ này có đặc điểm là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ không sở hữu hạ tầng mạng, không được phân bổ tài nguyên viễn thông nên dự thảo Luật đã chỉnh lý theo hướng quy định theo phương thức “quản lý nhẹ” , chỉ phải tuân thủ một số quy định về nghĩa vụ như tại khoản 2 Điều 28 dự thảo Luật.

Với phân tích nêu trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng tên gọi “dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet” đã thể hiện được đặc tính của dịch vụ này. Do vậy, xin giữ tên gọi này như trong dự thảo Luật.

Ngăn chặn trả giá cao bất thường rồi bỏ cọc trong đấu giá kho số

Giải trình về biện pháp để kiểm soát việc bỏ tiền đặt cọc tham gia đấu giá kho số viễn thông, Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT Lê Quang Huy cho biết, việc người trúng đấu giá bỏ tiền đặt cọc là một vấn đề đang xảy ra trong việc đấu giá các loại tài sản hiện nay như đất đai, biển số xe ô tô... Luật Đấu giá tài sản năm 2016 quy định người trúng đấu giá có trách nhiệm thanh toán đầy đủ tiền mua tài sản đấu giá theo thỏa thuận trong hợp đồng mua bán tài sản đấu giá. Trường hợp bỏ tiền đặt cọc là vi phạm thỏa thuận trong hợp đồng mua bán tài sản đấu giá và thực hiện theo pháp luật về dân sự.

Dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) đã quy định mức giá khởi điểm phù hợp khi tham gia đấu giá để hạn chế rào cản, tạo điều kiện cho mọi tổ chức, cá nhân có nhu cầu tham gia đấu giá. Tuy nhiên, quy định này cũng dẫn đến những rủi ro nhất định như tình trạng bỏ tiền đặt cọc. Dự thảo Luật giao Chính phủ quy định chi tiết về việc đấu giá quyền sử dụng kho số viễn thông, tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” bảo đảm phù hợp với pháp luật về đấu giá tài sản.

Sẽ thu phí sử dụng số hiệu mạng

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng tiếp thu, giải trình ý kiến đề nghị làm rõ việc thu phí đăng ký sử dụng số hiệu mạng theo thông lệ quốc tế. Đây là nội dung mới so với dự thảo Luật do Chính phủ trình, phát sinh nghĩa vụ tài chính (mặc dù mức thu không lớn), do đó cần rà soát kỹ lưỡng và đánh giá tác động.

Đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Viễn thông (sửa đổi).

Hiện nay, Luật Phí và Lệ phí chưa quy định về lệ phí đăng ký sử dụng, phí duy trì sử dụng số hiệu mạng. Trên bình diện quốc tế, tổ chức quản lý địa chỉ Internet/số hiệu mạng khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APNIC) trước đây cũng không thực hiện việc thu phí số hiệu mạng. Tuy nhiên, APNIC vừa thông báo sẽ thực hiện thu phí số hiệu mạng từ ngày 01/01/2025.
Vì vậy, nếu Việt Nam không có quy định này, các tổ chức, doanh nghiệp viễn thông Việt Nam sử dụng nhiều số hiệu mạng sẽ gặp khó khăn trong đăng ký, sử dụng số hiệu mạng và ảnh hưởng đến hoạt động mạng, dịch vụ của doanh nghiệp trong thời gian tới.

Tính đến tháng 10/2023, trong số 614 tổ chức, doanh nghiệp viễn thông Việt Nam đã đăng ký sử dụng số hiệu mạng, chỉ có 4 doanh nghiệp thuộc đối tượng phải nộp phí sử dụng số hiệu mạng theo chính sách mới của tổ chức quản lý địa chỉ Internet/số hiệu mạng khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (APNIC) .

Việc thu, nộp, quản lý lệ phí đăng ký sử dụng, phí duy trì sử dụng số hiệu mạng sẽ thực hiện tương tự như đối với địa chỉ Internet (đã triển khai từ trước đến nay). Mức thu, đối tượng thu, nộp, chế độ miễn, giảm đối với phí, lệ phí số hiệu mạng sẽ được quy định tại thông tư hướng dẫn của Bộ trưởng Tài chính. Bộ TT&TT (cơ quan quản lý cấp, phân bổ số hiệu mạng) sẽ có trách nhiệm tổ chức việc thu lệ phí đăng ký sử dụng, phí duy trì sử dụng số hiệu mạng.

Trần Thường

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/quoc-hoi-thong-qua-luat-vien-thong-sua-doi-2218551.html