Quốc hội thông qua Nghị quyết về khoanh nợ, xóa nợ thuế

Với tỷ lệ 91,3% đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành, Quốc hội chính thức thông qua Nghị quyết về khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước (NSNN). Theo đó, trong ba năm kể từ 1-7-2020, Chính phủ chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Nghị quyết và báo cáo Quốc hội kết quả xử lý nợ hằng năm khi trình Quốc hội phê chuẩn quyết toán NSNN, đồng thời báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên - Huế tham gia biểu quyết thông qua Nghị quyết, chiều 26-11.

NDĐT- Với tỷ lệ 91,3% đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành, Quốc hội chính thức thông qua Nghị quyết về khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước (NSNN). Theo đó, trong ba năm kể từ 1-7-2020, Chính phủ chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Nghị quyết và báo cáo Quốc hội kết quả xử lý nợ hằng năm khi trình Quốc hội phê chuẩn quyết toán NSNN, đồng thời báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết.

Chiều 26-11, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết về khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước (NSNN). Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành phiên làm việc.

Mở đầu phiên làm việc, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết.

Báo cáo nêu rõ, Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ bảy (Quốc hội khóa XIV), có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2020 đã quy định đầy đủ các đối tượng được xử lý nợ (người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, giải thể, phá sản, bị thiên tai, bất khả kháng, không còn hoạt động sản xuất, kinh doanh...) và các điều kiện xử lý, thẩm quyền xử lý nợ.

Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 152 của Luật Quản lý thuế số 38 đối với các khoản thuế được miễn, giảm, không thu, xóa nợ phát sinh trước ngày 1-7-2020 thì tiếp tục xử lý theo quy định của Luật Quản lý thuế hiện hành. Do đó, đối với các khoản nợ phát sinh trước ngày 1-7-2020 không được hồi tố để xử lý theo quy định của Luật Quản lý thuế số 38.

Chính vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng việc ban hành Nghị quyết để xử lý nợ đối với các đối tượng đã được quy định tại Luật Quản lý thuế số 38 nhưng phát sinh trước ngày 1-7-2020 là cần thiết.

Việc Quốc hội ban hành Nghị quyết quy định về việc này sẽ là cơ sở pháp lý cho việc thực hiện xử lý nợ, theo đó các cơ quan, người có thẩm quyền phải căn cứ vào từng đối tượng, từng hồ sơ, đáp ứng các điều cụ thể về hồ sơ, thủ tục theo quy định của Nghị quyết thì mới được xử lý nợ.

Đồng thời, Nghị quyết này chỉ khoanh tiền nợ thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp, chưa xử lý tiền nợ thuế gốc, theo đó điều kiện tiên quyết để được xử lý nợ là người nộp thuế không còn khả năng nộp NSNN. Đối với tiền nợ thuế gốc sẽ tiếp tục theo dõi và được xử lý theo quy định của Luật Quản lý thuế số 38.

Bên cạnh đó, Báo cáo cũng giải trình, tiếp thu, chỉnh lý các nội dung của dự thảo Nghị quyết về: tên gọi của Nghị quyết; phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; nguyên tắc xử lý nợ; đối tượng xử lý nợ; biện pháp xử lý nợ; thẩm quyền khoanh nợ, xóa nợ; điều khoản thi hành.

Sau khi nghe Báo cáo, Quốc hội tiến hành biểu quyết bằng hệ thống điện tử. Kết quả có 441/458 đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành, chiếm 91,3% tổng số đại biểu Quốc hội. Như vậy, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp NSNN.

Kết quả biểu quyết thông qua Nghị quyết về xử lý nợ đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp NSNN.

Nghị quyết mới được thông qua gồm tám Điều, trong đó quy định rõ về: phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; nguyên tắc xử lý nợ; đối tượng được xử lý nợ; các biện pháp xử lý nợ; thẩm quyền và hồ sơ, trình tự thủ tục xử lý nợ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức có liên quan.

Nghị quyết nêu trên có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2020 và được tổ chức thực hiện trong thời hạn ba năm kể từ ngày có hiệu lực thi hành.

Đáng chú ý, Quốc hội giao Chính phủ chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Nghị quyết và báo cáo Quốc hội kết quả xử lý nợ hằng năm khi trình Quốc hội phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước, đồng thời báo cáo tổng kết việc thực hiện Nghị quyết.

Bên cạnh đó, Quốc hội cũng giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp giám sát việc thực hiện Nghị quyết, bảo đảm đúng quy định của pháp luật.

NHÓM PHÓNG VIÊN, ẢNH: DUY LINH.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/tin-tuc/item/42372902-quoc-hoi-thong-qua-nghi-quyet-ve-khoanh-no-xoa-no-thue.html