Quốc hội thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2020

Sáng 14-11, với 90,48% tổng số đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2020.

Cụ thể, Quốc hội tán thành thông qua tổng số thu và chi ngân sách trung ương năm 2020 như sau: Tổng số thu ngân sách trung ương là 851.768.636 triệu đồng. Tổng số thu ngân sách địa phương là 660.531.364 triệu đồng.

Tổng số chi ngân sách trung ương là 1.069.568.636 triệu đồng, trong đó dự toán 367.709.919 triệu đồng để bổ sung cân đối ngân sách, bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương.

Về phân bổ ngân sách trung ương năm 2020, Quốc hội quyết định: Phân bổ ngân sách trung ương năm 2020 theo từng lĩnh vực và chi tiết cho từng bộ, cơ quan trung ương; phân bổ số bổ sung cân đối ngân sách, bổ sung có mục tiêu và phân bổ vốn chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương; mức bội thu, mức vay bù đắp bội chi, vay để trả nợ gốc của ngân sách địa phương.

 Quốc hội thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2020 với đa số đại biểu tán thành. Ảnh: TTXVN.

Quốc hội thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2020 với đa số đại biểu tán thành. Ảnh: TTXVN.

Nghị quyết giao Chính phủ giao nhiệm vụ thu, chi ngân sách nhà nước và mức phân bổ ngân sách trung ương cho từng bộ, cơ quan trung ương và từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo đúng quy định của pháp luật và thông báo bằng văn bản đến từng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Cùng với đó, phân bổ chi tiết kinh phí sự nghiệp còn lại của Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới và kinh phí sự nghiệp của Chương trình mục tiêu Xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc đối tượng công ích, bảo đảm yêu cầu thời gian phân bổ theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước; phân bổ trong điều hành ngân sách đối với một số khoản chi đã có cơ chế, chính sách, xác định được nhiệm vụ, nhưng chưa có cơ sở tính toán để phân bổ, bố trí cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương ngay từ đầu năm. Đồng thời trong việc quản lý, điều hành cần kịp thời thu hồi về ngân sách trung ương các khoản kinh phí hỗ trợ có mục tiêu cho ngân sách địa phương còn dư hoặc hết nhiệm vụ chi theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, chỉ đạo, hướng dẫn các bộ, cơ quan trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phân bổ vốn đầu tư phát triển theo thứ tự ưu tiên đã được quy định trong Luật và Nghị quyết của Quốc hội có liên quan, ưu tiên thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản, thu hồi vốn ứng trước; kiên quyết cắt giảm số vốn bố trí không đúng quy định; xử lý nghiêm các trường hợp để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản; tuân thủ nghiêm danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được cấp có thẩm quyền quyết định.

Ngoài ra, chỉ đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, dự toán chi ngân sách địa phương, bội chi ngân sách địa phương, tổng mức vay của ngân sách địa phương (bao gồm vay để bù đắp bội chi và vay để trả nợ gốc), quyết định phân bổ dự toán ngân sách theo thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật... Phân bổ tăng thêm 2% dự toán số bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương cho ngân sách các địa phương nhận bổ sung cân đối so với dự toán năm 2019...

* Trước đó, trong quá trình thảo luận, có ý kiến đại biểu cho rằng, cơ cấu phân bổ chi đầu tư phát triển của ngân sách nhà nước chưa bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương theo Hiến pháp; việc phân bổ còn phân tán, cần tập trung nguồn lực đầu tư cho các dự án, công trình trọng điểm quốc gia để tạo sự lan tỏa trong phát triển.

Nói rõ hơn về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ: Trong điều kiện thu ngân sách còn khó khăn, nguồn thu ngân sách Trung ương phụ thuộc nhiều từ thu dầu thô, thu hoạt động xuất nhập khẩu và nguồn thu phân chia giữa ngân sách trung ương với ngân sách địa phương đang có xu hướng giảm, thì việc Chính phủ dự kiến bố trí 220.000 tỷ đồngcho chi đầu tư phát triển, tương ứng tỷ lệ tăng 11,7% so với dự toán năm 2019 đã thể hiện nỗ lực trong công tác điều hành ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, đúng như ý kiến của các đại biểu, sau khi loại trừ các khoản chi cụ thể, thì nguồn phân bổ còn lại của ngân sách trung ương chỉ khoảng 112.900 tỷ đồng, đây là mức thấp so với yêu cầu phát huy vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương theo quy định của Hiến pháp và Luật Ngân sách nhà nước.

Từ đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan sớm cơ cấu lại nguồn thu ngân sách trung ương và tổ chức rà soát, đánh giá, sắp xếp lại các Chương trình mục tiêu để ngân sách trung ương trong giai đoạn ổn định ngân sách 2021 – 2025 sẽ tập trung đủ nguồn thực hiện các nhiệm vụ chi của quốc gia; đồng thời, trong việc phân bổ cần ưu tiên bố trí vốn cho các dự án phát triển hạ tầng trọng điểm; tập trung đẩy nhanh tiến độ để bảo đảm các công trình trọng điểm, quan trọng quốc gia sớm hoàn thành đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả kinh tế, xã hội.

PHƯƠNG HẰNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc-su-kien/quoc-hoi-thong-qua-nghi-quyet-ve-phan-bo-ngan-sach-trung-uong-nam-2020-599886