Quốc hội ủng hộ tối đa Dự án bảo tồn, tu bổ, tôn tạo di tích Kinh thành Huế

Làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Thừa Thiên Huế cùng các bộ, ngành Trung ương vào chiều 17/8, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, Quốc hội luôn ủng hộ tối đa Dự án bảo tồn, tu bổ và tôn tạo di tích Kinh thành Huế, với cơ chế chính sách thực hiện đặc thù.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, Quốc hội luôn ủng hộ tối đa Dự án bảo tồn, tu bổ và tôn tạo di tích Kinh thành Huế

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, Quốc hội luôn ủng hộ tối đa Dự án bảo tồn, tu bổ và tôn tạo di tích Kinh thành Huế

Chiều 17/8, đoàn công tác của Quốc hội do Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Thừa Thiên Huế về tình hình thực hiện kinh tế xã hội.

Cùng dự làm việc với đoàn có Ủy viên T.Ư Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc; Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy TT-Huế Lê Trường Lưu; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bùi Thanh Hà; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Phan Ngọc Thọ; đại diện lãnh đạo chủ nhiệm các Ủy ban, Ban, Viện của Quốc hội...

Quang cảnh buổi làm việc

Báo cáo với đoàn công tác, Chủ tịch UBND tỉnh TT-Huế Phan Ngọc Thọ thông tin, sau 10 năm thực hiện Kết luận 48 của Bộ Chính trị, đô thị Thừa Thiên Huế đã được quy hoạch, đầu tư xây dựng theo các lợi thế và bản sắc riêng, là đô thị theo hướng “di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường”. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng dịch vụ- công nghiệp- nông nghiệp.

Kinh tế Thừa Thiên Huế tăng trưởng theo hướng “xanh và bền vững”, tăng trưởng bình quân cả thời kỳ (2009- 2019) 7,2%/năm; quy mô kinh tế tăng 1,9 lần so với năm 2009. Công tác thu hút đầu tư có nhiều chuyển biến, đã thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn, có thương hiệu. Triển khai thực hiện tốt chương trình nông thôn mới, đã có 44 xã cán đích nông thôn mới.

Huế - “Đô thị di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường”

Chủ tịch Phan Ngọc Thọ cũng chỉ ra những mục tiêu chưa thực hiện được, đặc biệt là mục tiêu cơ bản đưa cả tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, do Thừa Thiên Huế có xuất phát điểm thấp, quy mô nền kinh tế còn nhỏ, tốc độ tăng trưởng chưa cao.

Để tạo đột phá, thúc đẩy phát triển đô thị Huế theo hướng “di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường”, theo ông Phan Ngọc Thọ, Thừa Thiên Huế cần có cơ chế để trở thành “đô thị di sản- thành phố trực thuộc Trung ương” nhằm phục dựng và bảo tồn toàn vẹn các di sản vật thể, phi vật thể và thiên nhiên mang nét đặc trưng của Việt Nam mà Cố đô Huế đang vinh dự bảo tồn và phát huy. Do đó, Quốc hội cần có cơ chế, chính sách đặc biệt để công nhận Thừa Thiên Huế là đô thị di sản- thành phố trực thuộc Trung ương.

Chủ tịch Quốc hội thăm hỏi đời sống người dân Kinh thành Huế

Về dự án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 di tích Kinh thành Huế, để đảm bảo nguồn lực kịp thời thực hiện và giải ngân dự án, ông Phan Ngọc Thọ đề nghị Quốc hội chỉ đạo bổ sung danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2019- 2020, bố trí 1.500 tỷ đồng trong năm 2019 và năm 2020 từ nguồn dự phòng chung của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016- 2020 cho dự án bảo tồn, tu bổ và tôn tạo di tích Kinh thành Huế.

Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, hướng đi của Thừa Thiên Huế về xây dựng “đô thị di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường” là hoàn toàn phù hợp với thế mạnh của địa phương và chủ trương của Đảng.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị tỉnh sớm tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận 48, đăng ký chương trình làm việc với Bộ Chính trị để có định hướng mới xây dựng phát triển Thừa Thiên Huế và đô thị Huế. Nếu định hướng này được làm trong năm nay thì đây là định hướng lớn cho tỉnh xây dựng nghị quyết đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020- 2025.

Tặng quà người dân Kinh thành Huế

Chủ tịch Quốc hội cũng đánh giá cao việc Thừa Thiên Huế đã khẳng định được vị thế về văn hóa, chính trị, nhân văn đối với quốc gia, khu vực và toàn thế giới, thông qua việc thành phố Huế được công nhận “Thành phố Văn hóa ASEAN”, “Thành phố bền vững môi trường ASEAN”, “Thành phố Xanh quốc gia”, “Thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam”...

“Đặc biệt, phong trào bảo vệ môi trường của tỉnh được cả nước đánh giá cao. Phong trào ngày Chủ nhật xanh, nói không với sản phẩm nhựa và túi ni lông sử dụng một lần được nhân dân tích cực hưởng ứng, thực hiện đều đặn, được Thủ tướng gửi thư khen, là điểm sáng để cả nước học tập”, Chủ tịch Quốc hội ghi nhận.

Chủ tịch Quốc hội cơ bản nhất trí với các nhiệm vụ tỉnh đề ra trong thời gian tới, đồng thời, đề nghị tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục quán triệt các nghị quyết của Trung ương, của tỉnh; thực hiện tốt phương châm xây dựng Đảng là then chốt; coi trọng công tác Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể Nhân dân; xây dựng bộ máy chính quyền trong sạch vững mạnh; đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, chương trình chống lãng phí và tiếp tục thực hiện tốt công tác chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp.

Về các kiến nghị của Thừa Thiên Huế, Chủ tịch Quốc hội ghi nhận và sẽ chỉ đạo Văn phòng Quốc hội tổng hợp để đề xuất kiến nghị gửi tới các cơ quan liên quan, trình Thủ tướng Chính phủ để chỉ đạo theo thẩm quyền. Riêng dự án bảo tồn, tu bổ và tôn tạo di tích Kinh thành Huế, Quốc hội luôn ủng hộ tối đa cho Huế và sẽ thực hiện bằng các cơ chế chính sách đặc thù.

Chiều cùng ngày, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã đến thăm, động viên và tặng quà cho một số hộ dân thuộc diện di dời, giải tỏa thực hiện Dự án bảo tồn, tu bổ và tôn tạo di tích Kinh thành Huế.

Ngọc Văn

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/quoc-hoi-ung-ho-toi-da-du-an-bao-ton-tu-bo-ton-tao-di-tich-kinh-thanh-hue-1453848.tpo