Quốc hội xem xét dự án Luật sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan đến quy hoạch

Họp phiên toàn thể tại Hội trường chiều 9/11, Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bàyBáo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung các Luật có quy định liên quan đến quy hoạch.

Ngày 24/10 và ngày 2/11, Quốc hội đã thảo luận tại Tổ và Hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung các luật có quy định liên quan đến quy hoạch. Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật.

Báo cáo tại Quốc hội, ông Vũ Hồng Thanh, cho biết, đa số ý kiến thống nhất với các nguyên tắc sửa đổi đã nêu tại báo cáo thẩm tra và và cũng là các nguyên tắc đã được áp dụng trong quá trình xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung 11 luật liên quan đến quy hoạch đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 5. Đa số ý kiến đề nghị lấy tên gọi của dự án Luật là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch để thống nhất với tên gọi Luật sửa đổi, bổ sung 11 luật đã thông qua tại kỳ họp thứ 5.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin tiếp thu, thể hiện lại tên gọi của Luật là “Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch” để làm rõ được phạm vi điều chỉnh và dễ dẫn chiếu, dễ phân biệt.

Về nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường bộ (từ Điều 1 dự thảo Luật), một số ý kiến đề nghị quy định cụ thể phạm vi, nội dung của các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành thuộc các lĩnh vực giao thông vận tải hoặc mối quan hệ của các quy hoạch này với các quy hoạch giao thông vận tải quốc gia tại Luật Quy hoạch; có ý kiến đề nghị quy định quy hoạch kết cấu hạ tầng đường bộ là 1 nội dung của quy hoạch mạng lưới giao thông đường bộ. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu, bổ sung quy định cụ thể nội dung của quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ tại khoản 2 Điều 6a Luật Giao thông đường bộ.

Về nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hàng hải (Điều 2 dự thảo Luật), có ý kiến đề nghị bổ sung nội dung quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành. Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, bổ sung khoản 2 Điều 82a quy định quy hoạch chi tiết nhóm cảng, bến cảng; khoản 3 Điều 82a quy định quy hoạch phát triển vùng đất, vùng nước cảng và bổ sung khoản 2 Điều 102 quy định nội dung quy hoạch phát triển hệ thống cảng cạn.

Về nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đường sắt (Điều 3 dự thảo Luật), một số ý kiến đề nghịbổ sung nội dung quy hoạch tuyến đường sắt, ga đường sắt. Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, bổ sung khoản 2 Điều 7a quy định về nội dung quy hoạch tuyến đường sắt, ga đường sắt.

Về nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tài nguyên nước (Điều 5 dự thảo Luật), theo ông Vũ Hồng Thanh, có ý kiến đề nghị quy hoạch điều tra tài nguyên nước chỉ là một hoạt động khảo sát của tất cả các điều tra mà các ngành đều phải có, do vậy nên có sự tích hợp. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, các hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên nước đã được quy định tại Điều 12 của Luật Tài nguyên nước với 7 hoạt động điều tra mang tính chuyên môn sâu nhằm phục vụ công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước. Đồng thời, theo quy định tại khoản 2 Điều 10 Luật Tài nguyên nước thì Quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước phải trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Hơn nữa, tại số thứ tự số 05, Phụ lục II của Luật Quy hoạch đã quy định quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước là quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành. Thực tế hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang lập quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 12 năm 2018. Vì vậy, việc quy định như trong dự thảo Luật là để phù hợp với Luật Quy hoạch.

Về Phương án quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh trong quy hoạch tỉnh, một số ý kiến phát biểu tại Tổ và Hội trường đề nghị bỏ “Phương án quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh trong quy hoạch tỉnh” trong hệ thống quy hoạch sử dụng đất vì trái với Luật Quy hoạch và nội dung quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh đã được tích hợp trong nội dung Quy hoạch tỉnh; có ý kiến đề nghị cần xem xét giữ lại quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh là quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành để đảm bảo yêu cầu quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, nội dung của Quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh đã được tích hợp trong Quy hoạch tỉnh. Để đảm bảo việc triển khai nội dung trên, Luật Quy hoạch cũng đã quy định việc lập Quy hoạch sử dụng đất cấp huyện. Như vậy, với quy định như hiện tại của Luật Quy hoạch về Quy hoạch tỉnh và Quy hoạch sử dụng đất cấp huyện đã đảm bảo đáp ứng yêu cầu quản lý phân bổ đất đai trên địa bàn tỉnh. Do đó, việc lập thêm Phương án quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh trong quy hoạch tỉnh hoặc quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh là không cần thiết.

Về quy hoạch chung thành phố trực thuộc Trung ương, đa số ý kiến phát biểu tại Tổ và Hội trường đề nghị không lập quy hoạch chung đối với thành phố trực thuộc Trung ương vì trùng với quy hoạch tỉnh về nội dung và mức độ chi tiết. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng nếu như theo dự thảo Luật và các quy định hiện hành thì các thành phố trực thuộc trung ương sẽ phải lập 3 loại quy hoạch là Quy hoạch tỉnh (theo Luật Quy hoạch), Quy hoạch xây dựng tỉnh (theo dự thảo Luật này) và Quy hoạch chung đô thị (theo Luật Quy hoạch đô thị). Việc giữ quy hoạch chung đối với các thành phố trực thuộc Trung ương sẽ không phù hợp với quy định về mối quan hệ giữa các quy hoạch tại Luật Quy hoạch. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng không tiếp tục lập quy hoạch chung đối với các thành phố trực thuộc trung ương để bảo đảm tuân thủ nguyên tắc đồng bộ, thống nhất không có sự trùng lặp nội dung giữa các quy hoạch. Các loại quy hoạch đô thị còn lại gồm Quy hoạch chung được lập cho thành phố thuộc tỉnh, thị xã, thị trấn và đô thị mới; Quy hoạch phân khu; Quy hoạch chi tiết vẫn tiếp tục thực hiện theo Luật Quy hoạch đô thị.

Về điều chỉnh cục bộ quy hoạch, đa số ý kiến đại biểu phát biểu tại Tổ và Hội trường đề nghị sửa đổi quy định về điều chỉnh cục bộ quy hoạch để phù hợp với nguyên tắc của Luật Quy hoạch. Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng quy định chặt chẽ việc điều chỉnh quy hoạch, bảo đảm nguyên tắc ổn định trong hoạt động quy hoạch.

Về hiệu lực thi hành của Luật, ông Vũ Hồng Thanh cho biết, một số ý kiến cho rằng nếu dự án Luật được thông qua tại kỳ họp này thì cho đến ngày 1/1/2019 sẽ không đủ 45 ngày theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đề nghị quy định thời hạn có hiệu lực theo trường hợp xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự, thủ tục rút gọn, có hiệu lực kể từ ngày thông qua hoặc ký ban hành. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, theo quy định tại khoản 2 Điều 151 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Quốc hội có quyền quyết định Luật có hiệu lực kể từ ngày thông qua. Nhưng để phù hợp, đồng bộ với Luật Quy hoạch, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội quyết định ngày có hiệu lực của Luật này từ ngày 1/1/2019, việc này hoàn toàn phù hợp với thẩm quyền của Quốc hội theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Ngoài ra, ông Vũ Hồng Thanh cũng cho biết thêm, có một số ý kiến góp ý cụ thể từ ngữ, kỹ thuật văn bản, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý, sắp xếp lại các nội dung của dự thảo Luật cho phù hợp.

Sau khi nghe báo cáo giải trình, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về dự án Luật này/..

Nguyễn Hoàng

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/thoi-su/quoc-hoi-xem-xet-du-an-luat-sua-doi-bo-sung-cac-luat-co-lien-quan-den-quy-hoach/351648.vgp