Quốc Mẫu Tam Đảo và Quốc Mẫu Tây Thiên - hai hay là một?*

Cũng như Đất có Thổ Công, Sông có Hà Bá, Núi cũng có những vị Thần Núi trị vì, cai quản. Đó là tín ngưỡng dân gian đã ăn sâu vào tâm thức của người Việt từ thủa hồng hoang của lịch sử.

Núi Tam Đảo với ba ngọn cao vút trông như 3 hòn đảo nổi bồng bềnh giữa biển mây bao phủ, từ Tây Bắc xuống Đông Nam, là: Thạch Bàn cao 1.388 m, Thiên Thị (chợ trời) cao 1.357 m và Phù Nghĩa cao 1.300m cũng không nằm ngoại lệ ấy. Từ lâu, Tam Đảo đã được coi là nơi linh địa, được cai quản bởi một vị Thần chủ tối linh mang Nữ tính được người dân lập đền thờ trên đỉnh ngọn Thạch Bàn – ngọn núi cao nhất của Tam Đảo. Theo Đại Nam nhất thống chí – Quốc sử quán triều Nguyễn: “Đền thần Tam Đảo ở xã Sơn Đình, huyện Tam Dương, thờ Trụ Quốc đại phu nhân, không rõ từ đời nào, tượng thần bằng đồng, nay vẫn còn nguyên. Đời Lê, quan quân đi đánh (Nguyễn Danh Phương) ở Ngọc Bội, thần hiển linh giúp sức, khi kéo quân về, nhà vua phong làm Thượng đẳng thần, đến bản triều lại gia phong”. (Đại Nam nhất thống chí, T4, Nxb Thuận Hóa, 1997, tr 238).

TS. Đặng Thị Ngọc Vân trình bày tham luận tại Hội thảo khoa học "Văn hiến Vĩnh Phúc - Truyền thống và hiện đại" sáng 25/11/2016.

Sách Di tích lịch sử văn hóa Việt Nam - Bảng tra cứu các tài liệu thư tịch Hán Nôm (Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1991, tr 590), căn cứ vào các cuốn sách như: Sơn Tây chí, Sơn Tây tỉnh chí, Bắc Thành địa dư chí lược, Đại Nam nhất thống chí, Địa dư chí, Hoàng Việt địa dư chí, Phú Thọ tỉnh địa dư, Đồng Khánh địa dư chí lược, đã cho ta biết rõ thêm, đền thờ thần núi Tam Đảo còn gọi là đền Thánh Mẫu, thờ Nữ thần núi Tam Đảo, mẹ của thần núi Tản Viên. Hiện trên núi có khối đá khắc chữ ghi việc Tư khấu Lê Khắc Phục nhận lệnh triều đình đến tế thần núi Tam Đảo năm Thái Hòa thứ 8 (1450). Đền nằm ở xã Sơn Đình, huyện Tam Dương, nay thuộc tỉnh Vĩnh Phúc. Tương truyền vào thời thuộc Minh, Lưu Nhân Chú và Phạm Cuống đi buôn dầu từ Thái Nguyên qua đây, đêm vào ngủ trọ trong đền, được thần báo mộng cho biết việc Lê Lợi khởi nghĩa ở Lam Sơn. Tỉnh dậy hai ông liền tìm vào theo Lê Lợi đánh giặc Minh. Sau ngày thắng lợi, hai ông được phong công nhần, xin vua phong cho thần là Trụ Quốc Thái phu nhân. Đến thời Hậu Lê, thần còn hiển linh giúp quan quân nhà Lê, được sắc phong Quốc Mẫu sơn Thượng đẳng thần”. Danh xưng Quốc Mẫu Tam Đảo hình thành từ đó. Nhiều xã ở quanh chân núi Tam Đảo cũng thờ thần núi Tam Đảo làm Thành hoàng như ở tổng Quan Ngoại có các làng Quan Nội, Quan Ngoại, Quan Đình, Đông Lộ, Cửu Yên, Vạn Phú,…

Lần theo thần thoại, ta biết được Mẹ của thần núi Tản Viên - Sơn Tinh – một trong Tứ Bất Tử của thần linh Việt chính là Mẹ / Mẫu Âu Cơ – người Mẹ giống nòi người Việt. Điều này đã được phản ánh trong Lĩnh Nam trích quái. Sách này cho biết thần Tản Viên là một trong 50 người con trai theo Lạc Long Quân về biển, nhưng được ít lâu thì trở lên ở với Mẹ / Âu Cơ trên đất liền. Thần từ cửa biển Thần Phù đi vào đất liền. Bản ý của Thần là tìm một miếng đất cao ráo tĩnh mịch để ở lâu dài. Thần ngược dòng sông lớn đến đất Long Đỗ (vùng Hà Nội), thấy phong cảnh đẹp đẽ toan dừng lại. Nhưng sau không vừa ý, Thần lại đi ngược dòng sông Lô (Hồng Hà), đến sông Đà. Thấy núi Tản Viên 3 tầng cao chót vót tròn như cái tán, Thần bèn quyết chọn làm chỗ ở. Như vậy là đã rõ, Vị thần cai quản núi Tam Đảo mà ta quen gọi là Thần Núi chính là Mẫu Âu Cơ – mẹ của Tản Viên Sơn Thánh, được phong là Trụ Quốc Thái phu nhân, được Vua nhà Lê sắc phong Quốc Mẫu sơn Thượng đẳng thần. Và như thế, Quốc Mẫu Tam Đảo chính là Quốc Mẫu Âu Cơ, được thờ phụng trong một ngôi đền trên đỉnh ngọn Thạch Bàn trên Tam Đảo.

Thời gian đắp đổi, Tam Đảo đã có nhiều tín ngưỡng, tôn giáo đến thường trú; trong đó xuất hiện một vị thần mới có danh xưng là Quốc Mẫu Tây Thiên. Vậy Quốc Mẫu Tây Thiên là ai? Và, vai trò của Bà thế nào đối với ngọn Chủ sơn Tam Đảo, đó là vấn đề cần làm sáng tỏ. Để làm rõ điều đó, trước hết cần hiểu về tên gọi “Tây Thiên” là thế nào?

Do được thiên nhiên ưu đãi cảnh núi thanh u, xa cách bụi trần, lại có vị thế nằm ở trung châu Bắc Bộ, nên Phật giáo - một tôn giáo lớn trên thế giới, có nguồn gốc từ nước ngoài khi truyền vào Việt Nam, đã tìm đến Tam Đảo khai sơn phá thạch, dựng chùa thờ Phật, truyền dạy giáo lý trong lớp cư dân bản địa là điều dễ hiểu. Ngôi chùa thờ Phật đầu tiên trên núi Tam Đảo mang tên Chùa Tây Thiên. Truy nguyên nghĩa, thì “Tây Thiên” là “bầu trời Tây phương”, chỉ nơi phát tích của Đức Phật và đạo Phật (Tây Thiên / Tây Trúc) bên Ấn Độ. Bởi vậy, trong thế giới Phật, khi nói tới “Tây Thiên”, là có ý nói đến một thế giới cực lạc, nơi sung sướng đến cực độ, nơi con người được giải thoát khỏi mọi sự đau khổ và hoàn toàn sung sướng. Đó là một thế giới của sự tưởng tượng, nơi mong / hướng đến của mọi kiếp tu Phật. Việc đặt tên chùa là Tây Thiên, những người sáng lập ngôi chùa này có một chủ ý muốn ví Chùa Tây Thiên - Tam Đảo với miền đất Phật ở bên Tây Trúc (Ấn Độ).

Về thời điểm xây dựng Chùa Tây Thiên, qua các văn bản Hán Nôm hiện còn lưu giữ ở Viện Hán Nôm, đều không cho ta biết Chùa Tây thiên được xây dựng từ thời nào. Sách Sơn Tây Địa chí cũng chỉ cho ta biết chùa được tôn tạo vào các đời Long Đức ((1732-1735), Chính Hòa (1680- 1705), và Bảo Thái (1720-1729).

Dù không biết xây dựng từ đời nào, nhưng theo đoán định của chúng tôi, thì Chùa Tây Thiên không thể có trước ngôi đền thờ Quốc Mẫu Tam Đảo trên đỉnh Thạch Bàn đã nói ở trên được. Hơn nữa, với việc chùa Tây Thiên - một thiết chế của Phật giáo, nhưng lại “thờ phụng Tam Đảo Sơn Thần Quốc Mẫu”, được triều đình sắc phong là Đại vương như ghi chép của một số tài liệu, trong đó có Bắc Thành Địa dư chí lược, càng củng cố thêm nhận xét trên. Và, chúng tôi rất tán đồng ý kiến của PGS.TS Nguyễn Tá Nhí, rằng “đền thờ Thần núi Tam Đảo vốn có từ cổ xưa. Truyền thuyết dân gian ghi lại sự việc Lưu Nhân Chú và Phạm Cuống ở Thái Nguyên đi bán dầu, đêm ngủ lại tại đền, nhờ đó biết được các thần nhắc bảo nhau có Lê Lợi làm minh chúa ở Thanh Hóa. Sau hai ông đi theo Lê Lợi, lập được nhiều công lao, khi mất được phong Quốc công. Đến niên hiệu Thái Hòa thứ 8 (1450) đời Lê Nhân Tông, thì ở đây vẫn chỉ có đền thờ. Về sau, có tu sĩ đạo Phật đến đây tu hành, mới đưa thêm tượng Phật vào thờ, do vậy đổi gọi là chùa Tây Thiên, thờ phụng theo nghi thức Tiền Phật, Hậu Thần / Thánh. Hiện nay, nhiều ngôi chùa ở đồng bằng Bắc Bộ cũng thờ phụng nghi thức này, như: chùa Bà Đanh / Bà Banh ở Kim Bảng (Hà Nam), chùa Đại Bi ở làng Bối Khê (xã Tam Hưng, huyện Thanh Oại, Hà Nội),…Thời gian xây dựng dạng chùa này xảy ra muộn nhất phải là trước thời Chính Hòa (1680-1705), bởi lẽ đến lúc này đã có bia ghi việc chùa Tây Thiên được trùng tu. Và cái tên “Tây Thiên” chỉ xuất hiện / được biết đến từ khi xuất hiện ngôi chùa Tây Thiên trên núi Thạch Bàn (Tam Đảo). Tây Thiên chỉ là một địa danh / địa chỉ Phật giáo, gắn với chùa Tây Thiên, và Thiền viện Tây Thiên nằm trên núi Tam Đảo, không có địa danh hành chính nào mang tên Tây Thiên ở huyện Tam Dương, và huyện Tam Đảo thuộc tỉnh Vĩnh Phúc.

Từ khi xuất hiện chùa Tây Thiên, thì / đồng thời trong hệ thống thờ Mẫu ở nước ta cũng xuất hiện một vị Thánh Mẫu, và vị này được những người sáng tạo / tôn vinh đẩy lên hàng Quốc Mẫu, với tước hiệu Quốc Mẫu Tây Thiên / hoặc Quốc Mẫu Tây Thiên Tam Đảo. Theo truyền thuyết Quốc Mẫu Tây Thiên, có một lý lịch, với nhân thân hẳn hoi: có bố là Năng Vỹ, mẹ là Đào Liễu, đã trên 40 tuổi mà chưa có con. Ông bà đi cầu tự ở chùa Tây Thiên, được ban điềm lành mà sinh ra Mẫu, đặt tên là Năng Thị Tiêu. Lớn lên, Mẫu dũng mãnh, tài lược hơn người, đã giúp Vua Hùng đánh giặc đạt nhiều chiến công. Sau lễ mừng thọ mẹ cha ngoài 80 tuổi, ngày 15 tháng 2, Mẫu được gọi về Trời. Nhớ ơn bà, nên vua đã phong là “Tam Đảo Sơn trụ Quốc mẫu đại vương, Đệ nhất Thượng đẳng phúc thần”. Nhìn nhận sự kiện này, chúng tôi đồng ý kiến với GS Trần Lâm Biền khi ông “ngờ rằng”, toàn bộ sự tích này đều được san định lại trong thời gian gần đây, để Mẫu có tên tuổi, cha mẹ và các chiến tích đời thường, và thoảng đâu đó cũng tương đồng theo kiểu thức Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Nói “ngờ rằng” chỉ là cách nói thôi, thực ra vị GS khả kính này đã khẳng định rằng sự kiện này rõ ràng là mới xuất hiện gần đây, khi ông khẳng định qua việc tạo tác pho tượng Mẫu: “ở lĩnh vực tạo hình, một đặc điểm của các điện thờ Mẫu ở Tây Thiên hiện nay là vẫn còn khá đơn sơ, ít theo qui chuẩn chung. Có nghĩa là trên chính điện chỉ có 1 tượng thủ điện, không có Tam Tòa Thánh Mẫu và chư vị liên quan. Ban thờ này, thực sự gần giống như cách bài trí các đền thờ nữ danh nhân được hội vào tín ngưỡng Tứ Phủ (Hai Bà Trưng, Bà Triệu,..). Ngoài ra, nghệ nhân tạo tượng ở đây cũng chưa xứng tầm với Mẫu Tây Thiên, mà còn làm tùy tiện, tô tượng không đúng tính chất, cụ thể là: Tượng không đẹp, ngồi kiết già hàng ma mà tay để úp; Tây Thiên ít nhất hiểu là đất Phật ở phương Tây, phần nào gắn với Tịnh độ tông, với thế giới của A Di Đà Phật. Đây là vùng rừng núi nhiều khi còn gắn với kiếp đời đã qua không tương xứng với Mầu Đỏ. Chưa thấy có tư liệu nào nói Mẫu Tây Thiên là hóa thân của Thánh Mẫu Đệ Nhất hay thuộc cung Đệ Nhất, vì thế yếm của Ngài màu Đỏ là không đúng”. Và vị GS này khẳng định: “Nhìn chung các tượng ở Tây Thiên đều là sản phẩm của người thợ non tay nghề và niên đại không thể trước thế kỷ XX”.

Như vậy, Quốc Mẫu Tây Thiên chính là bà Năng Thị Tiêu – một người bà con của những cư dân quanh chân núi Tam Đảo, nằm trong địa phận cai quản / trị vì của Quốc Mẫu Tam Đảo. Và sự xuất hiện của Quốc Mẫu Tây Thiên sau thời điểm chùa Tây Thiên hiện diện ở Tam Đảo rất xa. Và, càng không thể so sánh với vị Quốc Mẫu Tam Đảo được.

Và, đến đây, chúng tôi có thể trả lời cho câu hỏi đặt ra ở đầu bài, rằng:

Quốc Mẫu Tam Đảo và Quốc Mẫu Tây Thiên là hai vị khác nhau. Quốc Mẫu Tam Đảo chính là Quốc Mẫu Âu Cơ, mẹ của Tản Viên Sơn Thánh – một thần trong Tứ Bất Tử, là vị Thần Núi Tam Đảo. Còn, Quốc Mẫu Tây Thiên là bà Lăng Thị Tiêu, một sản phẩm của thế kỷ XX. Và, không thể xem Hai vị Quốc Mẫu ấy là Một, khi cố tình cho rằng Quốc Mẫu Tây Thiên Lăng Thị Tiêu là một hóa thân của Quốc Mẫu Tam Đảo.

Mặc dù hiện nay cái tên Tây Thiên, Quốc Mẫu Tây Thiên, Chùa Tây Thiên, Thiền Viện Trúc Lâm Tây Thiên vô cùng nổi tiếng, có phần lấn lướt cái tên Tam Đảo, Quốc Mẫu Tam Đảo, song không vì thế mà nâng Quốc Mẫu Tây Thiên trở thành vị thần đại diện cho Tam Đảo. Quốc Mẫu Tam Đảo mới là vị Thần cai quản Tam Đảo – một trong hai ngọn Chủ Sơn của Tâm thức Đại Việt từ ngàn năm nay.

Để xứng đáng hơn với vai trò và địa vị của Quốc Mẫu Tam Đảo, chúng tôi mong muốn các cơ quan chức năng cần trả lại tên và trùng tu, tôn tạo ngôi đền thờ Quốc Mẫu Tam Đảo trên đỉnh Thạch Bàn để tôn vinh Vị Thần Núi này cho xứng đáng với Vai trò, vị trí của Bà đứng đầu trong hệ thống thần linh Quốc gia nói chung, trong hàng Quốc Mẫu nói riêng.

---------------------------------

* Tham luận Hội thảo khoa học “Văn hiến Vĩnh Phúc - Truyền thống và hiện đại”

TS. Đặng Thị Ngọc Vân (Trung tâm NCBT&PH văn hóa dân tộc)

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/quoc-mau-tam-dao-va-quoc-mau-tay-thien--hai-hay-la-mot-49125