Quốc Phú ở Phú Quốc

'Tôi chỉ nhớ tuổi thôi, còn năm sinh từng đứa thì nhà báo hỏi cậu Phú giùm'. Nhìn chị Danh Thị Sang (46 tuổi, dân tộc Khmer, ấp Rạch Tràm, xã Bãi Thơ, Phú Quốc, Kiên Giang) đưa mắt sang thượng úy Trần Quốc Phú - Đội trưởng Đội Vận động quần chúng (Đồn Biên phòng Rạch Tràm - BĐBP Kiên Giang) rồi cười hồn nhiên như 'người trong nhà', tôi như hiểu được vì sao vị sĩ quan trẻ này được T.Ư Đoàn vinh danh là một trong 10 gương mặt trẻ triển vọng BĐBP năm 2017.

Trần Quốc Phú trong lần đến thăm gia đình chị Danh Thị Sang đang nuôi 6 người cháu của em gái thứ 8 (ảnh lớn). Ảnh: LỤC TÙNG

“Người nhà” của dân Rạch Tràm

Như đã quen tiếng xe của Phú, còn cách hơn chục mét, đã thấy 5 cháu nhỏ ùa ra đón thân thương, gần gũi rồi cất tiếng: “Dì ơi, cậu Phú tới”. Sau tiếng gọi, người phụ nữ da ngăm đen từ nhà bước ra với nụ cười rất tươi. Đó là chị Danh Thị Sang (dân tộc Khmer), dì ruột của 5 nhóc.

Gọi nhà là do thói quen. Đúng ra chỉ là cái chòi, tạm bợ và trống hoác, nền đất ẩm thấp... Tất cả đủ nói lên gia cảnh thiếu trước, hụt sau của chủ nhân. “Hôm nay đến ngày cấp tiền cho bé Thắm ...”, không đợi Quốc Phú dứt câu, chị Sang xởi lởi: “Đang mưa gió, đường sá lầy lội, cực lắm, để vài ngày nữa, nắng ráo đi cũng được”. Nói xong, chị lại cười, giọng cười trong veo.

Đã 46 tuổi, nhưng chị Sang trông rất trẻ, bởi gương mặt lúc nào cũng thường trực nụ cười. Chị cười ngay cả khi nói về gia cảnh khốn khó của mình. “Hồi trước, phụ giúp chồng làm nghề đi biển, nhưng từ ngày “ôm” 6 đứa con của người em thứ 8 (Danh Thị Lành) về, tui được chồng nuôi” - giọng chị Sang giòn tan - “Lớp lo cơm nước cho 5 đứa lớn, lớp lo cho đứa nhỏ bú sữa bình, rồi giặt giũ... là hết ngày”.

Sợ mưa gió ập tới là hết đường về, tôi vào đề ngay: “Gia cảnh không giàu, chị nuôi cháu vầy, ông xã có lời ra tiếng vào gì không”?. “Không có đâu. Ổng còn động viên tui nữa” - giọng chị dứt khoát - “Tất cả là nhờ có cậu Phú...”.

Theo lời chị Sang, dù biết hoàn cảnh của gia đình chị Lành éo le, nhưng do cảnh nghèo, vợ chồng làm đầu tắt, mặt tối nên thỉnh thoảng mới gửi cho em và cháu rổ cá, bọc gạo. Thế rồi một chuyện đã thay đổi 180 độ khi thượng úy Trần Quốc Phú tìm đến thông báo: Cháu Võ Thị Thắm (con gái đầu lòng của chị Lành, đang học lớp 8 - PV) đã bỏ học hơn 1 tuần lễ do bận ở nhà trông em vì mẹ thường xuyên bỏ nhà đi lang thang.

“Lúc mới nhận được tin, tui như bị sét đánh bên tai” - giọng chị Sang bồi hồi - “Lúc nghe cậu Phú bày tỏ ý muốn giúp cháu Thắm tiếp tục đến trường bằng cách hỗ trợ mỗi tháng 500.000đ cho đến khi cháu học hết lớp 12 theo chủ trương của Bộ Tư lệnh BĐBP Việt Nam, tôi thấy mình không thể đứng ngoài cuộc được”. Nghĩ vậy, nhưng nhớ đến gia cảnh khó khăn, chị mang toàn bộ câu chuyện kể lại cho chồng.

Thật bất ngờ, nghe xong, chồng chị quyết định liền: “Cậu Phú là người bên ngoài mà còn giúp được, mình là dì dượng mà không giúp thì coi sao được!”. Và cũng từ đó, Phú đã trở thành “người nhà” của gia đình chị Sang. Khi tôi hỏi thăm năm sinh từng người con của chị Lành, chị Sang đã cười ngất: “Tôi chỉ nhớ tuổi thôi, còn năm sinh từng đứa thì nhà báo hỏi cậu Phú giùm”.

Không chỉ vậy, Phú còn được người Rạch Tràm xem như ân nhân khi bất chấp nguy hiểm cứu nhiều ngư dân thoát nguy cơ bị bão tấn công. Chuyện bắt đầu vào cuối năm 2017, phát hiện nhiều ghe xuồng của bà con ngư dân trong vùng còn neo đậu ngoài biển do chưa nhận được thông tin cơn bão, Phú tham mưu và được lãnh đạo đồn đồng ý cho điều phương tiện ra biển để vận động bà con đưa phương tiện vào bờ.

Khi thuyền ra khơi, sóng gió mạnh lên đến mức không thể cập vào ghe, tàu người dân. “Trong lúc bối rối đó, Phú đã lanh trí dùng loa cầm tay để chuyển thông tin cơn bão đến ngư dân. Nhờ vậy mà nhiều tàu thuyền đã vào bờ an toàn” - thượng tá Lê Huy Giáp - Chính trị viên Đồn Biên phòng Rạch Tràm - tự hào chia sẻ về Phú.

Cán bộ đa năng

“Chỉ huy và cán bộ, chiến sĩ đồn rất hãnh diện về năng lực đa dạng của thượng úy Phú” - thượng tá Giáp nói. Theo lời anh Giáp, không chỉ tham mưu cho chỉ huy đồn nhiều ý tưởng mới, cách làm hay trong việc kết hợp với các ban, ngành địa phương tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, cũng như nắm tình hình an ninh địa bàn, vận động người dân tham gia xây dựng thế trận biên phòng toàn dân...

Phú còn sáng tạo trong việc trực tiếp thực hiện nhiều chương trình từ thiện xã hội cho địa phương. Điển hình nhất là việc thuyết phục được nhiều nhà hảo tâm đóng góp giúp người nghèo trên địa bàn đồn phụ trách. Chỉ riêng năm 2017, Phú đã vận động giúp 35 bộ đồng phục học sinh, 70 suất quà nhân dịp đầu năm học, 240 lồng đèn Trung thu, hơn 500kg gạo cho học sinh nghèo hiếu học trên địa bàn,...

“Phải hiểu vùng Rạch Tràm rất đặc thù: Nghèo, đường sá rất trở ngại mới thấy hết công sức của Phú” - giọng thượng tá Giáp đầy tự hào - “Hôm nay chỉ đổ một trận mưa mà đồn đã phải điều xe ôtô “2 cầu” chở, nhà báo mới đến được. Vậy mà Phú lại thường xuyên đi - lại tuyến đường này bằng xe môtô. Có lúc còn đi trong đêm tối”.

Do đa số bà con ở đây sống bằng nghề đi biển nên ban ngày chỉ có trẻ em và phụ nữ ở nhà. Vì vậy để công tác tuyên truyền, vận động đạt hiệu quả cao, Phú tranh thủ lúc chập tối, khi các chú, các bác vừa đi biển về, cơm nước xong.

“Trước là thăm hỏi, sau nhỏ to tâm sự, rồi từng bước lồng ghép nội dung tuyên truyền vào” - Phú bật mí - “Phải thật khéo trong cách dẫn dắt và chọn lựa thời cơ thích hợp để nói...”. Vì vậy mà có hôm, gần nửa đêm mới về tới đồn. Nhờ vậy mà nhiều “người bất cần” cũng bắt đầu làm quen với hiểu biết...

Tuy nhiên điều khiến nhiều đồng đội nể phục ở Phú không chỉ ở khả năng thuyết phục bà con nghe “như rót mật” mà còn chinh phục được cả những cuộc thi về kỹ năng thuyết trình.

Không chỉ đoạt giải Nhất tại Hội thi Cán bộ giảng dạy chính trị, thi tuyên truyền viên về học tập và làm theo phong cách Hồ Chí Minh trong BĐBP năm 2017 của Biên phòng Kiên Giang, Phú còn đoạt giải Nhì tại hội thi cùng tên do Bộ Tư lệnh BĐBP Việt Nam tổ chức vào năm 2017.

“Em tốt nghiệp Đại học Lục quân” - Phú xác nhận, vì vậy tôi đã vô cùng ngạc nhiên khi biết Phú đến với “nghề Biên phòng” một cách tình cờ ở phút 89. Ngạc nhiên không chỉ vì Phú không được đào tạo bài bản về ngành biên phòng, mà còn vì Phú phải đi một vòng rất xa trong thời gian ngắn trước khi tiếp cận với nghiệp vụ “Vận động quần chúng”.

Chuyện bắt đầu vào năm 2011, vừa tốt nghiệp chuyên ngành “Chỉ huy tham mưu binh chủng hợp thành”, chàng trai sinh năm 1989 nhận lệnh về công tác tại BĐBP Kiên Giang rồi bắt đầu hành trình điều động.

Đầu tiên, Phú về Đồn BP Xà Lực (huyện Phú Quốc), sau đó về làm giáo viên tại Tiểu đoàn huấn luyện (huyện Hòn Đất) rồi chuyển về Phòng Công tác chính trị tại Bộ Chỉ huy BĐBP Kiên Giang trước khi về Đồn BP Rạch Tràm phụ trách Đội Vận động quần chúng vào tháng 1.2016.

Tức chỉ trong 4 năm, phải 4 lần được điều động công tác bộ phận nghiệp vụ khác nhau. Nhưng thực tế cho thấy, ở đâu, Phú cũng không chỉ hoàn thành, mà còn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ khi 3 năm liên tiếp được Đảng ủy BĐBP Kiên Giang tặng danh hiệu “Đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”, “Chiến sĩ thi đua”... và được T.Ư Đoàn tôn vinh là một trong 10 gương mặt trẻ triển vọng BĐBP năm 2017.

“Ngọc trong đá”

“Dạ, em sinh ra và lớn lên ở Phú Quốc, nhưng ba mất sớm, mẹ em làm nghề giặt thuê nuôi con ăn học...” - tôi như sững sờ khi nghe Phú nói về gia cảnh của mình. Phú không hề “né tránh” nguồn gốc xuất thân, mà trái lại rất tự hào. “Nhờ cha là quân nhân mà em chọn nghiệp lính và nhờ có người mẹ tần tảo mà em biết trân trọng cuộc sống và mở lòng chia sẻ với cảnh đời bất hạnh” - Phú thật lòng.

Để có tiền nuôi con ăn học trong gia cảnh không cục đất chọi chim, mẹ Phú phải đổ cả mồ hôi và nước mắt khi sẵn sàng nhận làm thuê đủ thứ nghề mà người góa phụ có thể. “Vì vậy em cố gắng học, cố gắng làm thật tốt nhất có thể” - Phú lý giải về con đường đưa anh đến thành công hôm nay.

Chỉ riêng về chuyện giảng dạy, Phú cũng nỗ lực bằng mười. Ngoài kiên trì rèn luyện kỹ năng diễn đạt, vị sĩ quan trẻ còn thường xuyên cập nhật thông tin về lực lượng biên phòng trên các phương tiện truyền thông để chọn lựa chi tiết đắt giá nhất. Vì thế bài giảng của Phú chặt chẽ về tư duy, sống động về thực tiễn.

“Khi nói về học tập đạo đức Bác, em dẫn chứng từ bài viết “Biên phòng Huôl” trên báo Lao Động” nói về đại úy Danh Kim Huôl ở Đồn Hà Tiên (Kiên Giang) để dẫn chứng” - Phú kể.

Phú còn là người con cực kỳ hiếu thảo. Không chỉ thường xuyên tranh thủ các ngày nghỉ, lễ về thăm mẹ, hằng tháng, Phú còn đều đặn trích 1 triệu đồng từ tiền lương để cùng anh chị chăm lo cho mẹ.

“Với nhiều người, số tiền này rất nhỏ, nhưng với sĩ quan biên phòng trẻ đã lập gia đình như Phú, đó là số tiền mà chỉ có tấm lòng hiếu thảo mới làm được. Phú tiện tặn đến mức “nói không” với nhiều thú vui, giải trí mới có được” - thượng tá Giáp tự hào.

LỤC TÙNG

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/phong-su/quoc-phu-o-phu-quoc-615943.ldo