Quốc tế chia rẽ sâu sắc về vấn đề bạo lực leo thang tại Idlib, Syria

Tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, nhiều quốc gia, đặc biệt là Nga và Mỹ, tiếp tục chia rẽ trong cách giải quyết điểm nóng Idlib ở Syria.

Tình hình tại khu vực Idlib của Syria trở nên căng thẳng, trong bối cảnh các vụ đụng độ giữa lực lượng chính phủ với sự hậu thuẫn của Nga và phiến quân không ngừng leo thang. Trong khi đó, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, đặc biệt là Nga và Mỹ, tiếp tục chia rẽ trong cách tiếp cận giải quyết điểm nóng Idlib.

Các tay súng nhóm Mặt trận al-Nusra cố thủ tại Idlib. Ảnh: Reuters.

Các tay súng nhóm Mặt trận al-Nusra cố thủ tại Idlib. Ảnh: Reuters.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm 3/6 cho rằng, tại Idlib vẫn có một lực lượng khá lớn phần tử khủng bố sử dụng lãnh thổ này để tấn công các cơ sở dân sự cũng như nhằm vào các cơ sở quân sự của Nga. Tình hình đó không thể chấp nhận được và các biện pháp cần thiết đã được áp dụng để vô hiệu hóa các lực lượng này.

Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã ký thỏa thuận thành lập vùng đệm phi quân sự tại Idlib vào tháng 9/2018, nhưng nhiều nhóm nổi dậy và phiến quân Hồi giáo, trong đó có nhóm Hay'at Tahrir Al-Sham (HTS) vẫn bám trụ tại đây và thường xuyên mở các cuộc tập kích vào quân đội Syria cũng như căn cứ không quân của Nga.

Dưới sự yểm trợ hỏa lực của không quân Nga, quân đội Syria gần đây mở chiến dịch tấn công phiến quân ở miền nam Idlib. Tổng thống Nga Vladimir Putin trước đó cảnh báo sẽ có biện pháp mạnh trước các vụ tấn công của lực lượng này:“Chúng ta phải tiếp tục chiến đấu chống lại những kẻ khủng bố. Chúng đã tạo được chỗ đứng trong khu vực Idlib, và nếu lực lượng này thực hiện bất kỳ cuộc tấn công nào từ đó sẽ đối mặt với phản ứng cứng rắn của chúng tôi. Tôi tin rằng họ nhận thức được hậu quả sẽ xảy ra”, ông Putin nói.

Phía Nga cũng khẳng định chỉ thực hiện các cuộc tấn công vào các cơ sở khủng bố theo thông tin tình báo được kiểm chứng, đồng thời kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ cần phải có trách nhiệm đảm bảo các vụ tấn công tương tự tại Idlib sẽ không xảy ra theo thỏa thuận đạt được giữa hai bên.

Tuyên bố của Nga đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump kêu gọi Nga và Syria dừng các cuộc không kích tại tỉnh Idlib, khu vực tây bắc Syria. Tổng thống Trump bày tỏ lo ngại: “Tôi không vui với những gì đang diễn ra vì ảnh hưởng đến nhiều dân thường. Tình hình tồi tệ đang diễn ra tại Idlib”.

Không chỉ là bất đồng giữa Mỹ và Nga, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cũng có sự chia rẽ trong cách tiếp cận tại Idlib. Nga hôm qua (3/6) đã chặn một dự thảo nghị quyết do Bỉ, Đức và Kuwait soạn thảo.

Dự thảo nghị quyết chỉ trích chiến dịch quân sự tại Idlib, với lo ngại chiến dịch này sẽ dẫn đến một thảm họa nhân đạo. Tuy nhiên, Nga cho rằng dự thảo đề xuất này là không công bằng và các bên soạn thảo cố tình thực hiện một chiêu trò PR nguy hiểm, thay vì đưa ra một giải pháp. Đây không phải là chia rẽ lần đầu giữa các nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về Idlib. Tháng 5/2019, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cũng không thể ra Tuyên bố về căng thẳng tại Idlib khi 11 nước ủng hộ Tuyên bố nhưng Nga, Trung Quốc, Nam Phi và Indonesia phản đối.

Nga đang tiến hành các cuộc không kích tại Idlib và hỗ trợ cho chiến dịch của chính phủ Syria. Tuy nhiên, ông Kirill Semenov- một chuyên gia phân tích Trung Đông có trụ sở tại Nga cho rằng, khó có khả năng Nga ủng hộ một chiến dịch toàn diện tại Idlib bởi vì lợi ích lâu dài liên minh với Thổ Nhĩ Kỳ. Nga không muốn gây ảnh hưởng quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ vì Idlib. Thổ Nhĩ Kỳ đang kêu gọi Nga kiềm chế các vụ tấn công của chính phủ Syria tại Idlib, với lo ngại một cuộc chiến toàn diện tại Idlib sẽ tạo ra một làn sóng tị nạn sơ tán xung đột hướng đến biên giới nước này. Tổng thống Putin trước đó mặc dù không bác bỏ một cuộc tấn công qui mô lớn tại Idlib nhưng cũng thừa nhận rằng một cuộc tấn công như vậy không nên diễn ra do vấn đề nhân đạo.

Lãnh đạo Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã điện đàm, nhất trí tiếp tục hợp tác theo lệnh ngừng bắn đã đạt được để ngăn gây thương vong cho dân thường và tạo ra làn sóng tị nạn. Hai bên cũng nhất trí có cuộc gặp bên lề Hội nghị G20 vào cuối tháng này tại Nhật Bản. Giới chuyên gia nhận định, ngoài đối thoại và hợp tác, không điều gì khác có thể ngăn được một thảm kịch tại Idlib. Tuy nhiên, kiên nhẫn của Nga đang cạn dần với một số nhóm cực đoan tại đây và Thổ Nhĩ Kỳ cũng cần phải có bước đi ngăn chặn các vụ tấn công tái diễn./.

Phạm Hà/VOV1
Tổng hợp

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quoc-te-chia-re-sau-sac-ve-van-de-bao-luc-leo-thang-tai-idlib-syria-917342.vov