Quốc tế rơi vào 'thế khó' trước loạt tín hiệu trái ngược từ chính quyền Bình Nhưỡng

Chuyện gì đang xảy ra với Chủ tịch Kim Jong-un? Triều Tiên có ca mắc COVID-19 không? Khủng hoảng kinh tế đang xảy ra? Chính quyền Bình Nhưỡng quyết chờ tới bầu cử Tổng thống Mỹ hay đang chơi trò chơi đe dọa, hàn gắn rồi bất ngờ rút lời?

Những kịch bản trên đã được nhắc tới trong nhiều tháng nay nhằm giải thích cho những động thái bất ngờ và bí ẩn của Bình Nhưỡng, bao gồm cả những đồn đoán về tình hình sức khỏe của người đứng đầu đất nước. Tình huống hiện tại càng nhấn mạnh một điều là thế giới hầu như không biết gì về Triều Tiên. Nó cũng khiến các nhà quan sát chuyên nghiệp tiếp tục "loay hoay" tìm cách lý giải những hành động của ông Kim.

"Chúng ta cần phải kiểm tra lại những nhận định về giới lãnh đạo Triều Tiên", chuyên gia Soo Kim của tổ chức Rand Corp. nói. "Có lẽ chúng ta đang áp đặt các kỳ vọng và kiến thức quen thuộc về chính quyền Triều Tiên lên tình hình hiện nay. Và nếu những kỳ vọng bị sai, chúng ta sẽ phải đối mặt với nguy cơ đưa ra những kết luận lệch hướng về chính quyền Triều Tiên".

Triều Tiên là một trong những quốc gia "bí ẩn" nhất thế giới (ảnh: getty)

Sau khi đặt mục tiêu phát triển kinh tế làm trọng tâm chính sách vào năm 2018, tuần trước ông Kim thừa nhận, điều kiện sống của người dân Triều Tiên "vẫn chưa được cải thiện đáng kể". Số sự kiện ông tham dự công khai trong nửa đầu năm nay chưa bằng 1/3 so với năm 2019, thậm chí ông còn không có mặt trong buổi lễ kỷ niệm sinh nhật người ông là cố Chủ tịch Kim Il-sung.

Từng hứa hẹn sẽ công bố "một vũ khí chiến lược mới" và tiến hành số vụ phóng tên lửa đạn đạo đạt mức kỷ lục vào năm ngoái nhưng trong năm 2020, Triều Tiên lại giảm đáng kể các vụ thử nghiệm vũ khí của mình. Ông Kim cũng gây chú ý khi trao cho em gái, bà Kim Yo-jong một vai trò lớn hơn trong quan hệ với Mỹ và Hàn Quốc.

Hồi tháng 6, bà Yo-jong đã chứng tỏ lập trường cứng rắn của mình khi có bài phát biểu chỉ trích Seoul, trước khi Triều Tiên cho nổ văn phòng liên lạc trị giá 15 triệu USD mà Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in từng giúp đỡ xây dựng tại phía bắc biên giới hai nước vào năm 2018. Kể từ đó, Triều Tiên lại đột nhiên yên tĩnh một cách bất thường, thậm chí còn tỏ ra khá "thờ ơ" trước việc Mỹ-Hàn tiến hành tập trận chung trong tháng này.

Trong một nỗ lực đánh giá tình hình Triều Tiên, tuần trước, một số nhà lập pháp Hàn Quốc cho rằng, ông Kim Jong-un chia sẻ bớt quyền lực cho em gái để giảm "áp lực" và bản thân bà Yo-jong cũng đã tham gia điều hành rất nhiều công việc của đất nước. Tuy nhiên, bản thân các chính trị gia Hàn Quốc cũng tỏ ra không tự tin và nói, họ chỉ đang lý giải các thông tin do các cơ quan tình báo cung cấp.

Hôm thứ tư (26/8), truyền thông Triều Tiên công bố những hình ảnh mới nhất về Chủ tịch Kim, ông Kim mặc trang phục màu trắng và chủ trì một cuộc họp Bộ chính trị. Mặc dù vậy, những đồn đoán về tình hình sức khỏe ông Kim vẫn chưa thể chấm dứt do báo chí chính thống Triều Tiên thường có xu thế đưa tin phục vụ các mục đích chính trị của chính phủ.

Chủ tịch Kim Jong-un vừa chủ trì một cuộc họp của Bộ Chính trị Đảng Lao động Triều Tiên (ảnh: KCNA)

"Sự vắng mặt lâu dài của Kim Jong-un là bất thường nếu xét tới các hoạt động công khai nói chung của ông ấy tại Triều Tiên", học giả cấp cao Ankit Panda tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế phân tích. "Nó rõ ràng đã dẫn tới nhiều tin đồn thiếu căn cứ về sức khỏe của ông Kim. Nhưng đơn giản là nhà lãnh đạo chỉ đang cẩn trọng – giống như chúng ta vậy – trong đại dịch toàn cầu".

Sự ổn định của Triều Tiên không chỉ ảnh hưởng tới các nước láng giềng mà nó còn liên quan tới một câu hỏi mà cả thế giới quan tâm - đó là ai nắm quyền kiểm soát một kho vũ khí hạt nhân được cho là có thể đạt tới 100 đầu đạn vào cuối năm nay. Cho dù ai nắm quyền, các nhà lãnh đạo Triều Tiên đều có động lực để bảo tồn chế độ. Trong khi đó, chiến lược ông Kim theo đuổi để tìm cách giảm nhẹ trừng phạt từ Tổng thống Mỹ Donald Trump, lại chính là gây dựng một kho vũ khí hạt nhân thậm chí còn nguy hiểm hơn.

Theo giới chuyên gia, có thể sẽ có nhiều thông tin hơn vào thời điểm 10/10 khi Đảng Lao động Triều Tiên kỷ niệm 75 năm ngày thành lập. Như thường lệ, cỗ máy tuyên truyền của Triều Tiên không nhắc gì tới sức khỏe của người đứng đầu đất nước. COVID-19 cũng làm gián đoạn dòng chảy thông tin tình báo về quốc gia châu Á. Phần lớn các nhà ngoại giao nước ngoài và nhân viên các tổ chức phi chính phủ tại Bình Nhưỡng đang rời đi. Hồi đầu tháng, ông Kim tuyên bố sẽ không chấp nhận các sự kiện có yếu tố quốc tế vì sợ lây lan virus.

Chủ tịch Triều Tiên có thể cũng đang phải bận tâm vì những tổn hại mà thiên tai đem tới cho kinh tế đất nước. "Những khó khăn kinh tế đã ảnh hưởng tới uy quyền của ông Kim", cựu cố vấn cho Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Boo Seung-chan nhận định. "Ông Kim có thể cần phải chia sẻ quyền lực với các nhóm chuyên gia để xử lý khủng hoảng một cách tốt hơn trong khi tối thiểu hóa các tổn hại tới bản thân".

Những vấn đề kinh tế cũng chiếm lĩnh các thông điệp quốc gia gần đây của ông Kim Jong-un, bao gồm cả quyết định bổ nhiệm Thủ tướng mới trước thời hạn. Ông cũng công bố kế hoạch tổ chức đại hội Đảng vào tháng 1/2021. Thời điểm tổ chức đại hội được cho là sẽ đem tới cho Bình Nhưỡng lợi thế để gửi đi một thông điệp mới tới Mỹ - ngay trước khi ông chủ mới của Nhà Trắng làm lễ nhậm chức vào ngày 20/1.

Minh Đức

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/quoc-te-roi-vao-the-kho-truoc-loat-tin-hieu-trai-nguoc-tu-chinh-quyen-binh-nhuong-20200827102332889.htm