Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp vẫn đảm bảo an toàn đến năm 2020

Sau 10 năm thực hiện chính sách Bảo hiểm thất nghiệp, số lượng người tham gia và đóng Bảo hiểm thất nghiệp liên tục tăng qua các năm, tổng số tiền thu Bảo hiểm thất nghiệp năm 2018 là 15.531 tỷ đồng, tăng 14,9% so với tổng số tiền thu năm 2017 (13.517 tỷ đồng)… Những con số trên được đưa ra tại Hội nghị truyền thông về việc làm năm 2019 vừa được tổ chức tại Thái Nguyên.

Tỷ lệ thất nghiệp duy trì ở mức thấp

Theo ông Lê Quang Trung, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Việc làm (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), hiện nay, cả nước có trên 54 triệu lao động có việc làm, tỷ lệ thất nghiệp duy trì ở mức thấp, tỷ lệ thiếu việc làm không cao.

Nếu như năm 2010 có 125.562 lượt người được tư vấn, giới thiệu việc làm thì đến năm 2015 là 463.859 lượt người (tăng 3,6 lần so với năm 2010) thì đến năm 2018, số người được tư vấn, giới thiệu việc làm là 1.390.429 lượt người tăng hơn 10 lần so với số người được tư vấn, giới thiệu việc làm năm 2010. 7 tháng đầu năm 2019 đã có 936.595 lượt người được tư vấn, giới thiệu việc làm, trong đó số người được giới thiệu việc làm là 110.297 người.

“Với trách nhiệm của mình, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã, đang và sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách về lao động, việc làm, tiền lương, Bảo hiểm xã hội góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại, mở rộng phạm vi bao phủ của các chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), an toàn, vệ sinh lao động sang khu vực phi chính thức. Gắn đào tạo với việc làm, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Tạo bước đột phá trong giáo dục nghề nghiệp nhằm tạo chuyển biến rõ nét, thực chất về chất lượng, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động và doanh nghiệp, hỗ trợ người lao động hoặc là làm việc cho doanh nghiệp, hoặc là với kiến thức, kỹ năng nghề được trang bị có thể tự chuyển đổi việc làm hiện tại sang việc làm có chất lượng tốt hơn", ông Lê Quang Trung khẳng định.

Cung cấp thêm các thông tin về chính sách BHTN, ông Trần Tuấn Tú, Trưởng phòng BHTN (Cục Việc làm) cho biết, sau 10 năm triển khai, số người tham gia BHTN liên tục tăng qua từng năm. Nếu năm 2009 mới chỉ có 5.993.300 người tham gia BHTN thì tới năm 2015 (năm đầu tiên Luật Việc làm có hiệu lực) đã có 10.308.180 người tham gia, tăng 11,8% so với năm 2014. Tới năm 2018 đã có 12.680.173 người tham gia, tăng 7,7% so với năm 2017, bằng 87,7% tổng số người tham gia BHXH bắt buộc (14,45 triệu người), tổng số đơn vị tham gia BHTN là 361.586 đơn vị. Hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề ngày càng được tăng cường và hiệu quả; 96,8% được tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí, hơn 180.000 người được hỗ trợ học nghề.

Tổng số tiền thu BHTN không ngừng tăng qua các năm, tính đến thời điểm năm 2018, bình quân tiền đóng BHTN hàng tháng của người lao động là 4.937.117 đồng, tăng 9,94% so với bình quân tiền đóng năm 2017; tổng số tiền thu BHTN năm 2018 là 15.531 tỷ đồng, tăng 14,9% so với tổng số tiền thu năm 2017 (13.517 tỷ đồng).

 Theo ông Lê Quang Trung, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã, đang và sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách về lao động, việc làm, tiền lương, BHXH góp phần mở rộng phạm vi bao phủ của các chính sách BHXH, BHTN. Ảnh: XT.

Theo ông Lê Quang Trung, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã, đang và sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách về lao động, việc làm, tiền lương, BHXH góp phần mở rộng phạm vi bao phủ của các chính sách BHXH, BHTN. Ảnh: XT.

Chưa thực sự gắn với thị trường

Từ khi Luật Việc làm có hiệu lực với việc thay đổi cách tính thời gian hưởng BHTN, tỷ lệ tăng số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp giai đoạn 2015 – 2018 là khá ổn định, tỷ lệ bình quân là 12,5%. Riêng tổng số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp trên cả nước 7 tháng đầu năm 2019 là 483.291 người, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm 2018.

Cũng theo ông Trần Tuấn Tú, do số người được hưởng các chế độ BHTN tăng dẫn đến tổng tiền chi cho các chế độ BHTN tăng. Tổng chi các chế độ BHTN ước thực hiện năm 2018 là 9.722 tỷ đồng, trong đó chi cho trợ cấp thất nghiệp chiếm 92,8%, chi hỗ trợ học nghề chiếm 0,9%, chi Bảo hiểm y tế chiếm 4,1% so với tổng chi cho các chế độ BHTN.

Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, ước kết dư Quỹ BHTN tính đến cuối năm 2018 là 79.073 tỷ đồng, dự báo đến năm 2025, Quỹ BHTN vẫn đảm bảo an toàn.

Bên cạnh những thành tựu đạt được, ông Trần Tuấn Tú cũng thừa nhận, chính sách BHTN vẫn chưa thực sự gắn với thị trường lao động, chưa có nhiều biện pháp hỗ trợ để người lao động duy trì việc làm cho người lao động để tránh sa thải lao động. Đối tượng tham gia BHTN chưa được mở rộng đến người lao động có hợp đồng lao động từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng, đây là đối tượng có nguy cơ mất việc làm cao.

Đồng thời, các quy định về điều kiện hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động là khá chặt chẽ, ít xảy ra và chưa có giải pháp hơn nữa để hỗ trợ người sử dụng lao động duy trì việc làm, ngăn ngừa sa thải lao động. Bên cạnh đó, vẫn chưa có giải pháp hỗ trợ cho người lao động được bồi dưỡng, phát triển kỹ năng nghề hoặc nâng cao tay nghề...

Đặc biệt, nhận thức về BHTN của một số người lao động và người sử dụng lao động còn chưa cao, không ít người lao động và người sử dụng lao động chưa hiểu hết quyền và trách nhiệm của mình. Chính vì vậy, ông Trung cho biết, hiện Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung chính sách BHTN tại Luật Việc làm vào năm 2021- 2022 theo hướng sẽ hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động duy trì việc làm, bảo đảm quyền lợi chính đáng của cả doanh nghiệp và người lao động. Đồng thời, khắc phục tình trạng gian lận, trục lợi BHTN, bảo đảm BHTN thực sự là công cụ quản trị thị trường lao động.

Xuân Thảo

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/quy-bao-hiem-that-nghiep-van-dam-bao-an-toan-den-nam-2020-110402.html