Quỹ bảo hiểm xã hội chỉ là giữ hộ tiền của người lao động, nên cần phải trả sòng phẳng

Chính phủ muốn phát hành 22.090 tỉ đồng trái phiếu để xử lý khoản nợ với Quỹ bảo hiểm xã hội (BHXH). Các đại biểu đồng ý với phương án này, nhưng đề nghị cần sòng phẳng.

Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng phát biểu tại phiên thảo luận chiều 26.5.

Phát hành trái phiếu trả nợ 22.090 tỉ đồng cho BHXH

Chiều 26.5, Quốc hội đã nghe Tờ trình dự thảo Nghị quyết về xử lý một số vấn đề phát sinh trong điều hành ngân sách nhà nước năm 2017 và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018. Trong đó vấn đề xử lý khoản tiền 22.090 tỉ đồng - khoản kinh phí Nhà nước chuyển từ ngân sách vào Quỹ BHXH bắt buộc để đóng bảo hiểm xã hội cho NLĐ làm việc trong khu vực nhà nước trước ngày 1.1.1995 - nhận được sự quan tâm của các đại biểu.

Theo đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre), số tiền 22.090 tỉ đồng không phải là của quỹ BHXH mà đây là nghĩa vụ của nhà nước. Chính phủ với tư cách người đại diện cho nhà nước là người sử dụng lao động và bình đẳng như những người khác thì phải chuyển trả cho NLĐ.

“Năm 1993, chúng ta đã tách Quỹ BHXH ra khỏi ngân sách nhà nước, đây là chủ trương rất đúng. Vì vậy quỹ BHXH xét 1 khía cạnh là giữ hộ tiền của người lao động chứ không phải là tiền của Quỹ BHXH”- đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nói.

Ông cũng cho rằng, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006 đã quy định nghĩa vụ chuyển khoản tiền này nhưng đặc biệt là từ năm 2006 đến năm 2014 tức là trước khi có Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, Chính phủ không hề báo cáo Quốc hội, không hề báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để tính toán khoản này. Đến năm 2015 mới có báo cáo như thế là rất chậm.

Ông Nhưỡng tán thành phương án như Chính phủ trình là chuyển dần 22.090 tỉ đồng theo hình thức phát hành trái phiếu chính phủ nhận nợ với Quỹ BHXH bắt buộc (trong đó năm 2018 khoảng 6.000 tỉ đồng, năm 2019 khoảng 7.000 tỉ đồng và năm 2020 khoảng 9.090 tỉ đồng).

“Tuy nhiên cần tính cả lãi. Chúng ta cần báo cáo với người lao động, báo cáo với toàn dân khẳng định Chính phủ hoàn toàn sòng phẳng với tư cách là người sử dụng lao động lớn nhất và có tính nhân văn”- đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho biết.

Đại biểu Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu)

Đại biểu Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) cũng đề nghị như ý kiến đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, phải tính xem lãi của khoản 22.000 tỉ này, nhẩm tính khoảng trên 50.000 tỉ đồng. Để đảm bảo tính công bằng và tính nghiêm minh, Chính phủ nợ cũng phải tính theo công bằng như vậy đối với quỹ bảo hiểm.

Cần đảm bảo công bằng với lao động nữ

Tại phiên thảo luận chiều 26.5, vấn đề lương với lao động nữ cũng nhận được sự quan tâm của các đại biểu.

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi - Thanh Hóa cho rằng, lẽ ra tại kỳ họp thứ 5 phải đưa vào nghị quyết để Chính phủ xử lý vấn đề này, nhưng vì Chính phủ gửi chậm nên chưa thể thảo luận được.

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi. Ảnh:Quochoi

"Cho đến giờ phút này theo ý kiến thông báo của đồng chí Tổng Thư ký thì Chính phủ đã giao cho Bộ trưởng Bộ LĐTBXH thừa ủy quyền của Chính phủ báo cáo vấn đề này. Chính phủ đề nghị Quốc hội ghi vào nghị quyết của Quốc hội để xử lý.

Tôi cũng nghị Quốc hội ủng hộ để ghi yêu cầu này vào nghị quyết, sớm xử lý để đảm bảo quyền lợi cho phụ nữ về hưu từ ngày 1.1.2018 và đảm bảo sự bình đẳng giới, công bằng" - đại biểu Bùi Sỹ Lợi kiến nghị.

Đặng Chung

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/thoi-su/quy-bao-hiem-xa-hoi-chi-la-giu-ho-tien-cua-nguoi-lao-dong-nen-can-phai-tra-song-phang-609361.ldo