Quỹ Bảo hiểm y tế có nguy cơ bị “lõm”

Bác sĩ được phép kê đơn thuốc không quá năm ngày đối với người bệnh sau khi ra viện.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên vừa có công văn hướng dẫn các bệnh viện trong cả nước và Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam thực hiện kê đơn thuốc sau điều trị nội trú đối với người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT). Theo đó, những trường hợp người bệnh đã ra viện nhưng vẫn phải tiếp tục sử dụng thuốc để đảm bảo hiệu quả điều trị, bác sĩ điều trị được phép kê đơn thuốc không quá năm ngày. Chi phí thuốc được tính vào chi phí điều trị nội trú. Đối với những trường hợp cần điều trị trên năm ngày, bệnh viện sẽ hướng dẫn người bệnh đăng ký điều trị ngoại trú tại bệnh viện đó hoặc chuyển về tuyến dưới. Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuyên cũng đề nghị BHXH Việt Nam chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành thực hiện việc thanh toán chi phí đơn thuốc được kê đối với người bệnh sau khi ra viện. Đặc biệt, Thứ trưởng yêu cầu lãnh đạo các cơ sở khám, chữa bệnh chịu trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc kê đơn và cấp thuốc cho người bệnh khi ra viện phù hợp với yêu cầu chuyên môn và đúng quy định, không để xảy ra tình trạng lạm dụng thuốc trong quá trình cấp phát và thống kê chi phí khám, chữa bệnh. Đây cũng là một trong những điểm mới nằm trong Luật BHYT sẽ được thực thi kể từ ngày 1-10-2009. Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM chiều 2-9, ông Hoàng Kiến Thiết (nguyên Trưởng ban BHYT tự nguyện, BHXH VN) cho biết kéo dài đơn thuốc cho người bệnh có thẻ BHYT là việc làm tốt. Tuy nhiên, điều này sẽ gây khó khăn cho ngành bảo hiểm nếu không có sự hỗ trợ của nhiều cơ quan liên quan. Cũng theo ông Thiết, đến nay dường như các cơ sở y tế vẫn chưa chuẩn bị đầy đủ cả về nhân sự lẫn cơ sở vật chất để thực hiện Luật BHYT. Ông Thiết lo ngại việc thực hiện Luật BHYT sẽ gây khó khăn cho đối tượng được hưởng, nhất là nhóm người nghèo, hưu trí, trợ cấp mất sức, dân tộc thiểu số, bảo trợ xã hội... bởi họ phải thanh toán 5% chi phí khám, chữa bệnh.

Nguồn PLO: http://www.phapluattp.vn/news/khoa-hoc/view.aspx?news_id=268450