Quỹ BHYT từng chi trả gần 1,8 tỉ đồng cho 1 học sinh khám chữa bệnh

Thông tin về công tác chi trả của Quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) cho đối tượng học sinh, sinh viên trong năm học 2017-2018, ông Đàm Hiếu Trung - Phó giám đốc Trung tâm Giám định BHYT và Thanh toán đa tuyến khu vực phía bắc BHXH Việt Nam tiết lộ một thông tin đáng chú ý là có 1 học sinh ở quận Lê Chân, TP.Hải Phòng tham gia BHYT được Quỹ BHYT chi trả 1,8 tỉ đồng chi phí khám chữa bệnh.

Trong năm học 2017 - 2018, Quỹ BHYT đã thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT cho 237 trường hợp học sinh, sinh viên - Ảnh: Internet

Thông tin trên được ông Đàm Hiếu Trung cung cấp tại Hội nghị cung cấp thông tin về BHXH, BHYT định kỳ tháng 8 do BHXH Việt Nam tổ chức. Ông Trung cho biết trong năm học 2017 - 2018, Quỹ BHYT đã thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT cho 237 trường hợp học sinh, sinh viên với số tiền từ 200 triệu đồng trở lên.

Trong đó, ông Trung tiết lộ thêm có 1 học sinh ở quận Lê Chân, TP.Hải Phòng tham gia BHYT được Quỹ BHYT chi trả 1,8 tỉ đồng chi phí khám chữa bệnh. Học sinh này bị bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu, phải dùng các thuốc chuyên khoa, đặc trị, trong đó có thuốc Kedrigamma nhập khẩu từ nước ngoài.

Nhờ tham gia BHYT, nên qua quá trình điều trị 6 đợt tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, học sinh này đã được chi trả với tổng số tiền như trên, trong đó riêng tiền thuốc Kedrigamma được quỹ BHYT thanh toán khoảng 720 triệu đồng.

Theo ông Trung, tham gia BHYT học sinh sinh viên, trường hợp không may bị ốm đau, bệnh tật, phải đến bệnh viện, đối tượng sẽ giảm được áp lực chi phí thuốc men, chữa bệnh, giảm gánh nặng tài chính cho gia đình. Ông Trung phân tích: Mức chi trả 1,8 tỉ đồng chi phí khám chữa bệnh BHYT cho học sinh trên sẽ tương đương với mức đóng BHYT của hơn 3.400 học sinh sinh viên khỏe mạnh không phải dùng đến chi phí khám chữa bệnh từ Quỹ BHYT.

"Đây chính là tính ưu việt, nhân văn của chính sách BHYT đối với đối tượng học sinh sinh viên. Do đó, người dân cần tích cực tham gia BHYT và tham gia BHYT cho con em mình để được chia sẻ về tài chính, khi không may gặp rủi ro về vấn đề sức khỏe", ông Đàm Hiếu Trung cho hay.

Hiện nay, hình thức thu BHYT học sinh, sinh viên rất linh hoạt, có thể đóng định kỳ 3 tháng, 6 tháng hoặc 12 tháng tại luôn các cơ sở giáo dục, nhà trường đang theo học. Để tham gia BHYT, học sinh, sinh viên chỉ cần kê khai tờ khai được cơ quan BHXH cung cấp thông qua cơ sở giáo dục hoặc nhà trường đang theo học. Trường hợp đã có mã số BHXH, chỉ cần cung cấp mã số BHXH, không phải lập tờ khai.

Trong khi đó, mức đóng BHYT của học sinh, sinh viên bằng 4,5% mức lương cơ sở. Trong đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ 30% mức đóng, học sinh, sinh viên đóng 70% còn lại. Do vậy, số tiền học sinh, sinh viên đóng BHYT hiện tại là: 70% x 4,5% x 1.390.000 = 43.785 đồng/tháng. Ngân sách nhà nước hỗ trợ tiền đóng BHYT của học sinh, sinh viên là: 30% x 4,5% x 1.390.000 = 18.765 đồng/tháng.

Về mức chi trả, nếu đi khám chữa bệnh đúng tuyến, học sinh, sinh viên được chi trả các mức 80% - 95% - 100%, tùy từng mã thẻ. Nếu khám trái tuyến, mức chi trả là 40% chi phí điều trị nội trú tại bệnh viện tuyến trung ương; 100% chi phí điều trị nội, ngoại trú tại các bệnh viện tuyến huyện; được chi trả 60% chi phí điều trị nội trú tại bệnh viện tuyến tỉnh đến ngày 31.12.2020.

Từ năm 2021, học sinh, sinh viên được chi trả 100% chi phí điều trị nội trú trong phạm vi cả nước. Trường hợp đi khám chữa bệnh không xuất trình đầy đủ thủ tục, được quỹ BHYT thanh toán trực tiếp tại cơ quan BHXH trong phạm vi và mức hưởng theo quy định.

Theo BHXH Việt Nam, mỗi học sinh, sinh viên tham gia BHYT được cấp một mã số BHXH; dùng mã số này để làm thủ tục tham gia và hưởng BHYT. Trường hợp tham gia 5 năm liên tục trở lên sẽ được hưởng quyền lợi BHYT cao hơn.

Đối với học sinh đủ 6 tuổi và có ngày sinh trước 30.9 của năm nhập học thì thu và cấp thẻ BHYT có giá trị từ ngày 1.10 của năm đó; học sinh có ngày sinh sau 30.9 của năm nhập học thì thu và cấp thẻ BHYT có giá trị sau tháng có sinh nhật.

Đối với học sinh, sinh viên tham gia BHYT lần đầu hoặc tham gia không liên tục từ 3 tháng trở lên, thẻ BHYT có giá trị sử dụng sau 30 ngày kể từ ngày đóng BHYT.

Để đảm bảo quyền lợi cho học sinh, sinh viên tham gia BHYT, cơ quan BHXH cho biết sẽ liên tục thực hiện rà soát, bổ sung đầy đủ quá trình tham gia, quyền lợi hưởng, thời điểm đủ 5 năm liên tục và thực hiện cấp thẻ BHYT theo mã số BHXH.

Trường hợp học sinh, sinh viên đã được cấp thẻ BHYT theo mã số bảo hiểm y tế khi tiếp tục tham gia, cơ quan BHXH thực hiện sẽ ghi giá trị sử dụng mới của thẻ BHYT vào cơ sở dữ liệu, thẻ BHYT đã cấp theo mã số BHXH tiếp tục được sử dụng. Trường hợp chưa được cấp mã số BHXH sẽ kê khai để cấp thẻ BHYT theo mã BHXH đó.

Tuyết Nhung

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/thoi-su-c-66/quy-bhyt-tung-chi-tra-gan-1-8-ti-dong-cho-1-hoc-sinh-kham-chua-benh-101536.html