Quy chế đào tạo Tiến sĩ ở ĐHQGHN: Yêu cầu công bố quốc tế với nghiên cứu sinh

Cuối tháng 10, Giám đốc ĐHQGHN đã ban hành Quy chế đào tạo Tiến sĩ tại Đại học Quốc gia Hà Nội.

Quy chế này được áp dụng đối với các đơn vị và cá nhân tham gia vào quá trình đào tạo tiến sĩ tại Đại học Quốc gia Hà Nội.

Giáo sư - Tiến sĩ khoa học Nguyễn Đình Đức. Ảnh: VNU

Giáo sư - Tiến sĩ khoa học Nguyễn Đình Đức. Ảnh: VNU

Theo Giáo sư - Tiến sĩ khoa học Nguyễn Đình Đức, Trưởng Ban Đào tạo, Tổ trưởng Tổ biên soạn Quy chế của Đại học Quốc gia Hà Nội, quy chế đào tạo tiến sĩ năm 2022 có 19 điểm mới quan trọng mà người học cần chú ý. Trong đó có một số điểm mới quan trọng như:

Về chuẩn đầu ra: Đại học Quốc gia Hà Nội ban hành quy chế mới yêu cầu cao hơn Quy chế hiện hành của Bộ. Cụ thể, nghiên cứu sinh trong quá trình đào tạo phải có công bố quốc tế, là tác giả chính của các công bố khoa học có tổng điểm đạt từ 2.0 trở lên tính theo điểm tối đa do Hội đồng Giáo sư nhà nước quy định cho mỗi loại công trình.

Về hình thức đào tạo: Đào tạo trình độ tiến sĩ được tổ chức theo hình thức chính quy, tập trung, nghiên cứu sinh phải đăng ký và hoàn thành 30 tín chỉ trong một năm học.

Về tiêu chuẩn người hướng dẫn nghiên cứu sinh: Yêu cầu của Đại học Quốc gia Hà Nội cao hơn của Bộ, chỉ có giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ khoa học mới được hướng dẫn chính nghiên cứu sinh.

Theo đánh giá của Giáo sư Nguyễn Đình Đức, Quy chế mới ban hành của Đại học Quốc gia Hà Nội đặc biệt chú trọng đến chuẩn đầu ra, chất lượng luận án tiến sĩ và công bố quốc tế.

Trong đó, chất lượng luận án, chất lượng nghiên cứu sinh, chất lượng của đội ngũ giảng viên hướng dẫn luận án là những yếu tố then chốt nhất.

Ngoài ra, Quy chế mới cũng cởi mở và thông thoáng hơn, trao quyền chủ động cho bộ môn, cho giảng viên hướng dẫn, tạo cơ hội cho các tiến sĩ – giảng viên trẻ xuất sắc và nghiên cứu sinh trong các hoạt động chuyên môn; đồng thời coi trọng các yếu tố đảm bảo chất lượng và các chế tài để giữ kỷ cương và chất lượng trong đào tạo.

“Theo thống kê của chúng tôi, có đến hơn 90% các công bố quốc tế có liên quan đến đào tạo nghiên cứu sinh. Đào tạo nghiên cứu sinh có ý nghĩa quan trọng và sống còn với đại học định hướng nghiên cứu tiên tiến, với các đại học ưu tú như Đại học Quốc gia Hà Nội.

Đào tạo nghiên cứu sinh bài bản, chỉn chu, nghiêm túc và chất lượng chúng ta mới có đội ngũ tiến sĩ có chất lượng, và từ đó mới có đội ngũ giáo sư, phó giáo sư có chất lượng. Nhất là với Đại học Quốc gia Hà Nội còn có vai trò như máy cái – đào tạo tiến sĩ là đội ngũ giảng viên của nhiều trường đại học khác trong cả nước.

Với Quy chế lần này, tôi tin tưởng sẽ là nhân tố quan trọng đột phá, tiếp tục thúc đẩy hoạt động nghiên cứu và đổi mới sáng tạo, hội nhập quốc tế và hình thành nhiều nhóm nghiên cứu mới ở Đại học Quốc gia Hà Nội.

Quy chế mới là đòn bẩy thúc đẩy công bố quốc tế và từ đó tăng cường tiềm lực Khoa học công nghệ và xếp hạng của các ngành/lĩnh vực, cũng như của các đơn vị đào tạo và Đại học Quốc gia Hà Nội”, Trưởng Ban Đào tạo của Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ.

Bắc Sơn

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/quy-che-dao-tao-tien-si-o-dhqghn-yeu-cau-cong-bo-quoc-te-voi-nghien-cuu-sinh-post231564.gd