Quy chế về tổ chức và hoạt động VKSND cấp cao là cần thiết, cần sớm ban hành

VKSND cấp cao tại Đà Nẵng vừa tổ chức hội nghị thống nhất góp ý dự thảo quy chế về tổ chức và hoạt động VKSND cấp cao. Đồng chí Lê Hữu Thể - Phó Viện trưởng VKSND tối cao dự và chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị còn có đại diện lãnh đạo VKSND cấp cao tại Hà Nội, VKSND cấp cao tại Đà Nẵng và VKSND cấp cao tại TP.HCM.

Ngày 30/8, VKSND cấp cao tại Đà Nẵng tổ chức hội nghị thống nhất góp ý dự thảo quy chế về tổ chức và hoạt động VKSND cấp cao. Đồng chí Lê Hữu Thể - Ủy viên Ban cán sự Đảng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao dự và chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị còn có đại diện lãnh đạo VKSND cấp cao tại Hà Nội, VKSND cấp cao tại Đà Nẵng và VKSND cấp cao tại TP.HCM.

Dự thảo “Quy chế về tổ chức và hoạt động VKSND cấp cao” (sửa đổi, bổ sung) có bố cục gồm 5 chương, 52 điều (so với Quy chế 26 năm 2015, giữ nguyên 17 điều, sửa đổi 34/51 điều và các Danh mục A,B,C,D,E,F kèm theo, quy định mới 01 điều, thay đổi bố cục trình bày tại 01 Chương. VKSND cấp cao tại Đà Nẵng là đơn vị được giao nhiệm vụ chủ trì phối hợp với hai VKSND cấp cao còn lại, các vụ và các đơn vị có liên quan tham mưu xây dựng Quy chế tổ chức và hoạt động của VKSND cấp cao (sửa đổi quy chế 26).

Từ tháng 8/2017 đến tháng 1/2018, Ban soạn thảo VKSND cấp cao tại Đà Nẵng đã tiến hành tổng hợp góp ý trong đơn vị, từ hai VKSND cấp cao Hà Nội và TP.HCM. Kết quả đã tổng hợp được 65 ý kiến đóng góp, trong đó đại đa số các ý kiến thống nhất với tinh thần chung, mục đích, yêu cầu và sự cần thiết phải sửa đổi Quy chế 26 cho phù hợp với quy định của pháp luật và thực tiễn thực hiện chức năng nhiệm vụ của các VKSND cấp cao.

Toàn cảnh hội nghị

VKSND cấp cao tại Đà Nẵng cũng đã có văn bản xin ý kiến góp ý dự thảo Quy chế gửi đến 17 đơn vị thuộc VKSND tối cao và 63 VKSND tỉnh, thành phố. Tổng số các đơn vị có liên quan trong toàn ngành được xin góp ý vào dự thảo là 84 đơn vị. VKSND cấp cao tại Đà Nẵng đã nhận được 73/84 góp ý của các đơn vị có liên quan, trong đó có 28 đơn vị có ý kiến nhất trí đối với nội dung dự thảo Quy chế (sửa đổi, bổ sung). Có 45 đơn vị có ý kiến đóng góp, trong đó có 17 đơn vị có góp ý với nội dung mới so với dự thảo Quy chế. Trên cơ sở các ý kiến góp ý từ các đơn vị, Ban soạn thảo VKSND cấp cao tại Đà Nẵng đã tiếp thu đầy đủ, chỉnh sửa để hoàn thiện dự thảo “Quy chế về tổ chức và hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân cấp cao”.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Lê Hữu Thể cho biết, các VKSND cấp cao mới được thành lập, vì vậy nhiều người còn chưa hiểu hết được vai trò, nhiệm vụ và quyền hạn như thế nào trong các mối quan hệ về mặt tư pháp. Chính vì vậy, việc soạn thảo và ban hành Quy chế về tổ chức và hoạt động VKSND cấp cao là cần thiết.

Trong phần thảo luận, đồng chí Trần Thị Thanh Thủy - Chánh văn phòng VKSND tại Hà Nội đã trình bày một số quan điểm tham gia đóng góp về những nội dung dự thảo. Đồng chí Thủy, không đồng ý về quy định về biên chế số lượng cơ cấu, tỷ lệ kiểm sát viên, công chức viên chức, người lao động của VKSND cấp cao, về quyền của VKSND cấp cao trong công tác tổ chức cán bộ. Theo đồng chí Thủy, quy định này đã hạn chế quyền điều động, luân chuyển cán bộ của Viện trưởng VKSND cấp cao. Đồng chí Thủy cho rằng Dự thảo cần xây dựng theo hướng mạnh dạn giao thẩm quyền cho Viện trưởng VKSND cấp cao trong công tác tổ chức cán bộ.

Đồng chí Lê Hữu Thể - Phó viện trưởng VKSND tối cao phát biểu tại hội nghị

“Khi thực hiện quy chế này chúng tôi thấy có một số vướng mắc so với quy chế số 62. Trong đó, Viện trưởng VKSND cấp cao chỉ được quyền điều động luân chuyển một số trường hợp. Ví dụ như chức trưởng phòng trở xuống. Các chức cao hơn là Viện trưởng, phó Viện trưởng và các chức vụ tương đương thì lại phải có ý kiến của VKSND tối cao…” Đồng chí Lê Thị Thanh Thủy cho hay.

Nêu lên ý kiến về vấn đề quy định về thẩm quyền lãnh thổ của 03 VKSND cấp cao, đồng chí Nguyễn Quang Dũng - Viện trưởng VKSND cấp cao tại Đà Nẵng lại có quan điểm khác với ý kiến của Chánh văn phòng VKSND cấp cao tại Hà Nội. “Khi chúng ta tiếp thu ý kiến, có cái chúng ta tán thành đồng ý và có cái không đồng ý. Thực tiễn, ngành kiểm sát về cơ cấu tổ chức chúng ta phải theo tòa án. Vì vậy, việc đại diện VKSND cấp cao tại Hà Nội đề nghị đưa vào dự thảo quy định rõ 3 cấp quản lý của VKSND cấp cao là bao nhiêu là chưa hợp lý. Bởi lẽ nếu phía tòa án mở thêm các tòa cấp cao khu vực thì quy định này chắc chắn sẽ bị phá vỡ, gây lúng túng.

Tại buổi thảo luận, đại diện lãnh đạo của các VKSND cấp cao cũng cùng nhau tham gia thảo luận về vấn nên hay không quy định về thời hạn cụ thể VKSND cấp tỉnh, cấp huyện gửi hủy án, quyết định cho VKSND cấp cao trong quy chế này.

Kết thúc hội nghị, VKSND cấp cao tại Đà Nẵng đã có văn bản tổng hợp đầy đủ các ý kiến đóng góp vào dự thảo quy chế về tổ chức và hoạt động VKSND cấp cao gửi về VKSND tối cao và VKSND các cấp theo quy định.

Lê Tâm – Xuân Nha

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/cai-cach-tu-phap/dien-dan/quy-che-ve-to-chuc-va-hoat-dong-vksnd-cap-cao-la-can-thiet-can-som-ban-hanh-58758.html