Quy chuẩn công bố hợp quy thuốc thú y khiến doanh nghiệp tốn thời gian và chi phí

Nhiều chuyên gia, doanh nghiệp phàn nàn quy định công bố hợp quy đang khiến doanh nghiệp mất thời gian và chi phí nhưng không đảm bảo hiệu quả quản lý nhà nước.

Theo phản ánh của doanh nghiệp các quy định tại Thông tư 28/2012/TT-BKHCN của Bộ Khoa học công nghệ và Thông tư 18/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về quản lý thuốc thú y đang là rào cản "ngáng" chân doanh nghiệp.

Doanh nghiệp đang phàn nàn về vấn đề quản lý Nhà nước trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thuốc thú y.

Doanh nghiệp đang phàn nàn về vấn đề quản lý Nhà nước trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thuốc thú y.

Doanh nghiệp tốn thời gian và chi phí

Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thuốc thú y Trung ương 5 (Fivevet) cho rằng Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN ngày 12/12/2012 của Bộ Khoa học và Công nghệ, Thông tư 18/2018/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đưa ra những quy định “ngặt nghèo” về công bố hợp chuẩn, hợp quy.

Theo bà Hương, thuốc thú y là sản phẩm sản xuất có điều kiện đặc thù, phải có nhà máy, phòng kiểm nghiệm, kho bảo quản đạt các tiêu chuẩn quốc tế, nên việc phải chịu quản lý theo các quy định hợp chuẩn, hợp quy trong nước sẽ khiến các quy định chồng chéo.

Thông tư 28 quy định hiệu lực của giấy chứng nhận hợp quy là 3 năm cùng với tần suất đánh giá, giám sát ít nhất 12 tháng 1 lần, trong khi hiệu lực giấy chứng nhận lưu hành sản phẩm là 5 năm, điều đó có nghĩa là trong khi sản phẩm còn thời hạn lưu hành thì doanh nghiệp phải thực hiện lại một lần nữa thủ tục công bố hợp quy.

Thuốc thú y đã có giấy phép lưu hành mà vẫn tiến hành việc công bố hợp quy thì chúng tôi thấy có sự chồng chéo.

“Nhà nước có 3 công cụ quản lý chất lượng sản phẩm đó là điều kiện sản xuất, quy chuẩn kỹ thuật và giấy phép lưu hành. Thuốc thú y hiện nay đã quản lý rất chặt chẽ về điều kiện sản xuất và giấy phép lưu hành. Nếu chúng ta tiếp tục quản lý chặt chẽ về công bố hợp quy thì gánh nặng chi phí mà oanh nghiệp phải chịu sẽ quá lớn”, bà Hương nói.

Đồng quan điểm, ông Bạch Quốc Thắng, Tổng Giám đốc Công ty CP Thú y xanh Việt Nam khẳng định theo Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN ngày 12/12/2012 của Bộ KHCN thì hiệu lực của giấy chứng nhận hợp quy là 3 năm cùng với tần suất đánh giá giám sát ít nhất 12 tháng 1 lần, trong khi hiệu lực giấy chứng nhận lưu hành sản phẩm là 5 năm, điều đó có nghĩa là trong khi sản phẩm còn thời hạn lưu hành thì doanh nghiệp phải thực hiện lại một lần nữa thủ tục công bố hợp quy, đó là một điểm bất cập và mâu thuẫn gây khó khăn rất lớn cho doanh nghiệp”.

Quản lý thuốc thú ý chặt hơn quản lý ngành dược?

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, VCCI nhận định quy định này là đang sự cản trở sự phát triển của doanh nghiệp.

“Quy định công bộ hợp quy đang tạo thêm gánh nặng chi phí kinh doanh rất lớn, trong khi đó hiệu quả quản lý thì không lớn, không không giúp cơ quan quản lý có thể kiểm soát chất lượng sản phẩm khi mang ra thị trường”, ông Tuấn nói.

Từ góc nhìn của một cơ quan góp ý chính sách, ông Tuấn bày tỏ mong muốn Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học Công nghệ sẽ soát và đánh giá lại quy định công bố hợp quy này.

"Nhiều doanh nghiệp nói với tôi rằng, chúng ta quản lý thuốc thú y còn chặt hơn quản lý dược phẩm cho người. Tôi tự hỏi rằng chúng ta có nhất thiết phải làm như vậy không? Suy cho cùng, mọi mục tiêu quản lý nhà nước phải hướng đến đảm bảo an toàn cho xã hội nhưng vẫn phải đảm bảo tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và tuân theo các tiêu chuẩn quốc tế. Do đó, theo tôi cần phải có rà soát, đánh giá lại một cách cẩn trọng và khoa học”, Trưởng ban Pháp chế VCCI nhấn mạnh.

Về phần mình ông Hoàng Triều, Chủ tịch Hiệp hội sản xuất và kinh doanh thuốc thú y Việt Nam khẳng định đừng nên chồng thêm gánh nặng cho doanh nghiệp.

Theo quan điểm của ông Triều, đối với doanh nghiệp trong ngành Thuốc thú y Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nên bãi bỏ việc khảo nghiệm, kiểm nghiệm các sản phẩm thuốc thú y, thủy sản của các doanh nghiệp đã đạt chứng nhận GMP (chứng chỉ của tổ chức y tế thế giới WHO viết tắt là GMP). Đồng thời, nên chuyển từ tiền kiểm thuốc thú y sang hậu kiểm như một số Bộ, ngành khác đã làm như Bộ Y tế chẳng hạn.

"Hiệp hội sẽ tổng hợp toàn bộ ý kiến sẽ được tổng hợp rồi gửi cho Chính phủ, các cơ quan ban ngành xin ý kiến xem xét miễn bỏ quy định hợp chuẩn hợp quy nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người chăn nuôi hiện nay. Trong lúc ngành chăn nuôi thú y chống cự gian khổ, các doanh nghiệp thuốc thú y đang điêu đứng các cơ quan chức năng nên chăm lo và động viên họ làm, đừng nên chồng thêm gánh nặng cho họ. Văn bản nào của Bộ sai thì sửa đi", ông Triều nhấn mạnh.

Huyền Trang

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/quy-chuan-cong-bo-hop-quy-thuoc-thu-y-lam-khien-doanh-nghiep-ton-thoi-gian-va-chi-phi-165474.html