Quỹ đầu tư, hỗ trợ điện ảnh tiếp sức cho phim Việt khởi sắc

Kinh phí làm phim và số vốn thu hồi được luôn là bài toán nan giải đối với giới sản xuất phim Việt Nam bấy lâu nay.

Cảnh trong phim Tháng năm rực rỡ

Việc ra đời của các quỹ đầu tư hay hỗ trợ cho điện ảnh luôn được xem là giải pháp giúp giải quyết phần nào bài toán khó này.

Quỹ hỗ trợ vẫn nằm trên giấy

Sản xuất phim là lĩnh vực yêu cầu đầu tư kinh phí lớn, nhưng việc thu hồi vốn để tái đầu tư gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí rủi ro, đặc biệt là các phim nghệ thuật. Ở nhiều nước trên thế giới và trong khu vực, Quỹ Hỗ trợ điện ảnh được xem là công cụ hữu hiệu để thúc đẩy điện ảnh phát triển.

Ở Việt Nam, Quỹ Hỗ trợ điện ảnh được khởi động từ Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 17 (tháng 12/2011) với mục tiêu hỗ trợ nâng cao chất lượng nội dung, nghệ thuật, kỹ thuật của tác phẩm điện ảnh có mục đích quảng bá đất nước, con người Việt Nam và những dự án đầu tay có chất lượng cao, dự án của các tác giả trẻ triển vọng có sự sáng tạo và tìm tòi mới mẻ, có giá trị nghệ thuật cũng như khả năng đi dự giải quốc tế.

Nhưng sau 2 lần trình đề án lên Chính phủ, đến nay Quỹ vẫn nằm trên giấy. Trong khi mấy năm nay, nguồn vốn Nhà nước đặt hàng sản xuất phim ngày càng ít, trung bình chưa tới một đầu phim mỗi năm. Hình thức Nhà nước và tư nhân bắt tay cũng chỉ mới bắt đầu từ phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (2014) và mới đây có thêm dự án thứ hai là Thạch Thảo (Nhà nước góp 70% vốn).

Việc sản xuất và phát triển thị trường phim Việt chiếu rạp gần như hoàn toàn trông cậy vào nguồn kinh phí của các nhà đầu tư và công ty phim tư nhân. Hiện nay kinh phí để sản xuất một bộ phim Việt chiếu rạp trung bình trên dưới 10 tỷ đồng. "Phim bom tấn" có kinh phí ở mức trên 20 tỷ đồng tính đến năm 2018 đếm chưa hết một bàn tay, như Thiên mệnh anh hùng (25 tỷ đồng), Fan cuồng (26 tỷ đồng), Truy sát (20 tỷ đồng)...

Năm 2015 có 30 phim Việt được sản xuất và phát hành (cao gấp 3 lần những năm trước đó), năm 2016 là 45 phim và năm 2017 có 37 phim. Sự trồi sụt về số lượng phim ngoài hệ quả của việc "thắng lớn thua nhiều", còn là tín hiệu về sự "hụt hơi" nguồn vốn đầu tư cho phim Việt.

Cậy nhờ "bầu sữa" khu vực tư nhân

Ngày 26/7 vừa qua, sự kiện công bố thành lập Quỹ Đầu tư Việt Nam giải trí (VEF) khiến giới nghệ sĩ và sản xuất phim đặt nhiều kỳ vọng. Đây là quỹ mở, đầu tư vào các dự án phim hoặc giải trí đầu tiên tại Việt Nam, với 5 cổ đông sáng lập là Yeah1CMG, R&B Capital Group, Surfing Holdings, MBC Studio và Green International. Đặt mục tiêu thúc đẩy ngành sản xuất phim tại Việt Nam, Quỹ sẽ hỗ trợ vốn cho các đơn vị sản xuất, hỗ trợ và tư vấn về chiến lược truyền thông, marketing. Mỗi dự án, Quỹ sẽ góp 5 - 45% tùy theo nhu cầu của đơn vị sản xuất.

Trên thực tế, dù không thành lập quỹ đầu tư nhưng việc góp vốn và hợp tác sản xuất phim đã phổ biến ở Việt Nam từ lâu. Có thể kể đến sự góp vốn và hợp tác giữa các nhà đầu tư trong nước như Galaxy, BHD, Mega GS hay HK Film..., hoặc sự góp vốn và hợp tác của Tập đoàn CJ (Hàn Quốc) với HK Film, Chánh Phương thông qua các phim Để mai tính, Fan cuồng, Em là bà nội của anh... Mới nhất là Lotte Entertainment chính thức tham gia góp vốn và hợp tác với Chánh Phương sản xuất phim Hồn papa da con gái và công bố đầu tư vào nhiều dự án khác với mức thấp nhất là 10%.

Với quy mô vốn hóa trị giá 50 triệu USD, dự báo sự xuất hiện của Quỹ VEF sẽ gây biến động ít nhiều ở thị trường làm phim Việt, ít nhất là về số lượng. Được biết, Quỹ VEF sẽ hỗ trợ vốn cho khoảng 30 phim hạng A và 20 phim hạng B trong năm 2018 - 2019.

Theo đó, Trường học bá vương công chiếu đầu tháng 8 này là dự án đầu tiên Quỹ góp vốn, tiếp đó là Tiểu thư đi bụi, Gameshow tử thần, Thiên linh cái, Thánh nữ... sẽ được sản xuất và phát hành trong năm nay. Như vậy, dự báo năm 2018, số lượng phim sản xuất và phát hành sẽ tăng cao hơn nhiều so với những năm trước.

Nếu sự ra đời của Quỹ VEF và sự nhập cuộc của các nhà đầu tư mới hứa hẹn giúp tháo gỡ khó khăn về kinh phí, thì việc thu hồi vốn vẫn còn rủi ro, dù doanh thu phòng vé đang tăng. Năm 2010, tổng doanh thu phòng vé tại thị trường phim chiếu rạp Việt Nam đạt khoảng 25 triệu USD, đến năm 2015 là 105 triệu USD.

Năm 2016, tổng doanh thu toàn thị trường là 132,2 triệu USD, trong đó phim Việt đạt 35,5 triệu USD, chiếm 26,9%. Theo ước tính của CGV, tổng doanh thu phòng vé năm 2017 của Việt Nam là 3.250 tỷ đồng, tăng 16% so với năm 2016, trong đó phim Việt chiếm 25%.

Doanh thu tăng là nhờ hệ thống cụm rạp ngày càng phát triển về số lượng cũng như số lượng phim nhập khẩu tăng cao. Riêng phim Việt nhờ hệ thống rạp tăng nên biên độ phổ biến đến khán giả tốt hơn, mang về doanh thu khá hơn.

Mặc dù có những phim Việt đạt doanh thu rất cao như Em chưa 18 (kinh phí 12 tỷ đồng) thu 171 tỷ đồng, Cô gái đến từ hôm qua (14 tỷ đồng) thu 70 tỷ đồng, Tháng năm rực rỡ (gần 20 tỷ đồng) thu 100 tỷ đồng, Tấm Cám: Chuyện chưa kể (22 tỷ đồng) thu hơn 66 tỷ đồng, Em là bà nội của anh thu 102 tỷ đồng..., nhưng số phim "thua" về doanh thu nhiều hơn, trong đó có không ít "phim bom tấn" và phim nghệ thuật.

Bởi vậy, sự thận trọng trong thu hồi vốn tái sản xuất cũng như thị hiếu "khó đoán" của số đông khán giả đã khiến phần lớn phim Việt chiếu rạp vẫn mang nặng tính thị trường và giải trí. Ngay cả Quỹ VEF cũng công bố tập trung chọn lọc dự án phim có xác suất sinh lợi cao nhất. Vì vậy, để điện ảnh Việt khởi sắc, rất cần sự ổn định và những cú bứt phá của thị trường.

Còn muốn thúc đẩy điện ảnh nước nhà phát triển luôn cần có những bộ phim nghệ thuật chất lượng. Sự ra đời của các quỹ đầu tư hỗ trợ điện ảnh sẽ giúp thị trường phim Việt có sự cân bằng giữa các dòng phim, giữa mục tiêu giải trí và nghệ thuật.

Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/ke-sach-rap-phim/quy-dau-tu-ho-tro-dien-anh-tiep-suc-cho-phim-viet-khoi-sac-1087139.html