Quỹ đầu tư mạo hiểm: Cặp bài trùng của startup

Các startup có nhiều kênh huy động vốn khác nhau, nhưng quan trọng nhất vẫn là vốn từ nhà đầu tư thiên thần và quỹ đầu tư mạo hiểm.

Môi trường kinh doanh khá thuận lợi

Thời gian gần đây, phong trào khởi nghiệp gắn với đổi mới sáng tạo đã và đang được các DN triển khai sôi động, tích cực trên cả nước. Hiện nay, tổng số DN Việt Nam là khoảng gần 500 nghìn, trong đó chiếm tới 80% là DNNVV. Dự báo đến năm 2020 sẽ đạt 1 triệu DN. Đặc biệt, số lượng DN khởi nghiệp (startup) sáng tạo liên tục tăng trong thời gian gần đây đã minh chứng hoạt động khởi nghiệp ở nước ta đang có nhiều khởi sắc. Trong năm “Quốc gia khởi nghiệp” 2016, hoạt động của các startup Việt Nam diễn ra rất sôi động. Chỉ tính riêng 5 thương vụ kêu gọi vốn thành công nhất của các DN này đã có tổng giá trị lên đến hơn 40 triệu USD.

Để khuyến khích và hỗ trợ các startup, nhiều chính sách mới được ban hành nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho cộng đồng khởi nghiệp và các DN như Luật Hỗ trợ DNNVV mới được Quốc hội thông qua ngày 12/6/2017 đã hỗ trợ đắc lực cho DN tư nhân, startup phát triển. Tuy nhiên, để nhân rộng quy mô và phát triển hơn nữa số lượng và chất lượng các startup sáng tạo, cần phải xây dựng môi trường thuận lợi cho “hệ sinh thái” này phát triển. Trong đó phải kể đến các quỹ đầu tư mạo hiểm. Đây được cho là mạch máu xuyên suốt nuôi dưỡng quá trình phát triển của startup.

Lĩnh vực CNTT được nhiều nhà đầu tư quan tâm

Sự vào cuộc của các quỹ đầu tư mạo hiểm

Tại Việt Nam hiện nay có khoảng 30 quỹ đầu tư mạo hiểm cho startup đang hoạt động hỗ trợ tài chính cho khởi nghiệp. Thị trường Việt Nam đã ghi nhận sự tham gia của một số quỹ đầu tư vào các startup như: Cyber Agent (Nhật Bản), Golden Gate Venture (Singapore), IDG, 500 startup (Mỹ)…

Năm 2013, Bộ KH-CN đã thí điểm “Đề án hỗ trợ khởi nghiệp theo mô hình thung lũng Silicon”(VSV) của Hoa Kỳ. Mục tiêu của Đề án là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững thông qua việc xây dựng và hoàn thiện Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam. Nghĩa là, tạo môi trường thuận lợi cho thế hệ DN mới, giàu sức sáng tạo, có khả năng nhân rộng mô hình kinh doanh để thu hút nguồn vốn đầu tư mạo hiểm tư nhân. Với 5 năm triển khai Đề án VSV, nhóm thực hiện đã từng bước đạt được các kết quả khả thi, đã và đang góp phần thúc đẩy Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế kỳ vọng, và trong tương lai không xa trở thành một trung tâm công nghệ của khu vực và trên thế giới.

Theo bà Thạch Lê Anh, Chủ nhiệm đề án VSV, Quỹ đầu tư mạo hiểm là cặp bài trùng của startup. Tuy nhiên, các quỹ này cũng có các quy định trong việc quản lý vốn, cũng như số tiền tối thiểu mà mỗi công ty cần có (thường từ 500 ngàn USD trở lên), và các startup Việt Nam đa phần đều không đạt quy mô cần thiết. Ngoài ra, quỹ đầu tư mạo hiểm đầu tư theo xu thế và theo hiệu quả khai thác thị trường của startup. Điều này tạo thành vòng luẩn quẩn: không có người dùng hoặc không có doanh thu dẫn đến không huy động được vốn; không huy động được vốn thì không có vốn để kinh doanh, và kết quả là không có vốn kinh doanh thì lại dẫn đến không có người dùng/không có doanh thu…

Nhìn lại thị trường đầu tư mạo hiểm những năm gần đây, thấy các thương vụ đầu tư mạo hiểm có xu hướng giảm, nhưng số lượng vốn đầu tư bình quân trên từng thương vụ lại gia tăng đáng kể. Các khoản từ vài trăm nghìn cho tới hàng triệu đô la có nhiều, nhưng khoản đầu tư nhỏ ban đầu (vốn gieo mầm) thì rất ít. Đây là nguồn vốn tuy nhỏ nhưng lại rất quan trọng do mang yếu tố “kickoff” – có tính chất khởi động, thúc đẩy ban đầu cho các startup có khả năng hoàn thiện sản phẩm, kiểm tra phản ứng của thị trường và thử nghiệm các chiến lược, mô hình kinh doanh khác nhau.

Bà Thạch Lê Anh cho rằng, các startup có nhiều kênh huy động vốn khác nhau, nhưng quan trọng nhất vẫn là vốn từ nhà đầu tư thiên thần và quỹ đầu tư mạo hiểm. Hai nguồn vốn này khá phổ biến ở một số nước nhưng chưa thực sự phát triển ở Việt Nam. Nguyên nhân là do nhà đầu tư cá nhân ở Việt Nam vẫn chưa nhìn nhận đầu tư startup là một mô hình đầu tư có thể tạo ra lợi nhuận do đa số chưa biết đến mô hình này, hoặc chưa hiểu nó sẽ tạo ra lợi nhuận như thế nào khi phải chấp nhận rủi ro lớn; và về cơ bản, có tâm lý không ai muốn trở thành người thử nghiệm đầu tiên.

Bên cạnh đó, các quỹ đầu tư vốn giai đoạn đầu, ngoại trừ lợi nhuận khi bán cổ phần (khoảng 7-10 năm sau khi đầu tư) thì số tiền quản lý quỹ là rất bé và thường không đủ để tạo quy mô xây dựng đội ngũ quản lý. Đây là 2 nguyên nhân chính làm cho startup Việt Nam ít có cơ hội phát triển, đồng nghĩa với việc các Quỹ đầu tư mạo hiểm cũng rất khó khăn trong việc tìm kiếm các thương vụ đầu tư tại Việt Nam. Điều này dẫn đến Việt Nam chưa có thị trường đầu tư mạo hiểm, và các quỹ cũng tương đối dè dặt vì không tìm thấy con đường có thể thoái vốn trong một vài năm tới.

Để thử nghiệm mô hình về đầu tư mạo hiểm, nhóm chuyên gia VSV đã liên tục tuyển chọn và đầu tư vốn gieo mầm, đến nay đã đầu tư 50 nhóm, 30 trong số đó đang hoạt động tốt và 16 nhóm đã gọi được vốn vòng tiếp theo. Từ những thành công ban đầu, VSV đã trở thành điểm đến của cộng đồng đầu tư quốc tế, các tổ chức phi chính chủ của các nước có hệ thống đầu tư mạo hiểm phát triển. VSV là nơi cung cấp thông tin chi tiết về tình hình của hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam từ lộ trình làm chính sách của nhà nước, cho đến sự phát triển của cộng đồng khởi nghiệp, mạng lưới các nhà đầu tư thiên thần, các quỹ đầu tư mạo hiểm đang hoạt động. VSV đã trở thành cầu nối giữa các nhà đầu tư, quỹ đầu tư nước ngoài và các startup Việt.

Nhằm hỗ trợ phát triển Hệ sinh thái startup thu hút nguồn vốn đầu tư tư nhân, tiến tới hình thành thị trường vốn đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam, theo bà Thạch Lê Anh, cần nhân rộng mô hình tổ chức thúc đẩy kinh doanh như Vietnam Silicon Valley Accelertor (VSVA) tại các tỉnh, thành phố. Hoạt động đầu tư mạo hiểm vào quá trình đổi mới công nghệ thường tiềm ẩn nhiều rủi ro và tỷ lệ thành công ở mức thấp. Do đó, Chính phủ cần khuyến khích phát triển các hình thức đầu tư vốn mạo hiểm thông qua các ưu đãi về thuế…

Bên cạnh đó, thời gian tới cần thành lập Hiệp hội Đầu tư mạo hiểm. Đây sẽ là cầu nối giữa những nhà đầu tư tư nhân với các tổ chức đầu tư mạo hiểm, giúp cho việc lựa chọn đơn vị quản lý danh mục đầu tư được chuẩn xác hơn.

Nguyễn Minh

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/quy-dau-tu-mao-hiem-cap-bai-trung-cua-startup-69918.html