Quỹ đầu tư mạo hiểm đánh giá quốc gia nào an toàn nhất và nguy hiểm nhất giữa đại dịch Covid-19

Forbes trích báo cáo mới của Quỹ đầu tư mạo hiểm Deep Knowledge Ventures cho hay, quốc gia được bảo vệ an toàn nhất trong đại dịch Covid-19 là Thụy Sĩ và quốc gia nguy hiểm nhất là Nam Sudan.

Theo đó, các tác giả của báo cáo đã đánh giá hiệu quả của kiểm dịch, các biện pháp thực hiện ở các quốc gia bị nhiễm bệnh và nền kinh tế. Do đó, các nhà nghiên cứu cho rằng, Mỹ hiện đứng đầu về số ca mắc và con số tử vong ở vị trí 58 trong danh sách này.

Được biết, báo cáo này dựa trên 130 thông số định lượng và định tính, tính đến trên hơn 11 nghìn đơn vị thông tin trong các loại kết quả kiểm dịch, theo dõi và phát hiện người nhiễm bệnh, tình trạng của hệ thống chăm sóc sức khỏe và hiệu quả của chính phủ.

Theo Deep Knowledge Ventures, vị trí thứ nhất và thứ hai trong bảng xếp hạng là Thụy Sĩ, được ghi nhận là quốc gia có nền kinh tế giữ được phát triển ổn định và một chiến dịch thận trọng để giảm bớt các nguy cơ lây nhiễm dựa trên cơ sở khoa học.

Quốc gia nào an toàn nhất thế giới giữa đại dịch Covid-19? (Ảnh minh họa)

Quốc gia nào an toàn nhất thế giới giữa đại dịch Covid-19? (Ảnh minh họa)

Ngoài ra, Forbes lưu ý rằng đây chỉ là đánh giá của một tổ chức, trong khi ở một quốc gia có mức độ rủi ro ở các khu vực là khác nhau có thể cho kết quả khác nhau. Ví dụ, tại New York là “điểm nóng” của dịch Covid-19, tuy nhiên, mọi thứ đều diễn ra bình thường ở tiểu bang Montana (miền tây bắc Hoa Kỳ).

Cũng theo báo cáo này, các khu vực được đánh giá nguy hiểm nhất là châu Phi cận Sahara, Nam Mỹ, một số quốc gia Trung Đông và các quốc gia trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Trước đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 4/6 cảnh báo, làn sóng dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp (Covid-19) thứ 2 có thể trở nên nghiêm trọng hơn trong mùa thu tới, khi cùng thời điểm bùng phát cúm mùa.

Giám đốc phụ trách châu Âu của WHO, ông Hans Kluge cảnh báo: “Chúng ta chứng kiến tình hình Covid-19 tại phần lớn các quốc gia châu Âu đã phần nào được cải thiện, nhưng chúng ta nên chuẩn bị cho làn sóng mắc bệnh thứ 2, có thể xảy ra trong tháng 9 này. Chúng ta sẽ có làn sóng Covid-19 thứ hai đúng mùa cúm”.

Ông Kluge cho rằng, các nước trong khu vực nới lỏng các lệnh phong tỏa, hạn chế một cách từ từ, không đột ngột, nóng vội để tránh nguy cơ dịch bùng phát mạnh trở lại.

Cùng ngày 4/6, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã họp trực tuyến mở về hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc ứng phó với đại dịch Covid-19. Trong giai đoạn dịch bệnh, các nước đề nghị các phái bộ chú trọng một số ưu tiên, trong đó có bảo vệ dân thường; tăng cường nâng cao nhận thức, chia sẻ thông tin; bảo đảm sự tham gia của phụ nữ; bảo đảm an ninh, an toàn cho lực lượng gìn giữ hòa bình và tuân thủ các quy định về minh bạch hóa thông tin, kỷ luật của lực lượng gìn giữ hòa bình.

Theo trang thống kê Worldometers, tính đến ngày 7/6, thế giới đã ghi nhận tổng cộng 6.964.651 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 401.582 ca tử vong. Số bệnh nhân phục hồi hiện là 3.403.757 người. Mỹ là ổ dịch lớn nhất thế giới, ghi nhận thêm 20.938 ca mắc và 665 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc Covid-19 tại nước này lên 1.986.646 trường hợp và tổng số ca tử vong là 112.055 trường hợp.

Thanh Bình (lược dịch)

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/the-gioi/quoc-gia-nao-an-toan-nhat-the-gioi-giua-dai-dich-covid-19-254571.html