Quỹ đầu tư phát triển tỉnh Đắk Nông....trở thành Quỹ 'nợ xấu'

Mục đích thành lập Quỹ đầu tư phát triển địa phương là rất đúng đắn của Bộ Tài Chính nhằm hỗ trợ về vốn cho những tổ chức, cá nhân vay nhằm phát triển những dự án mang tính xã hội hóa như: Trường học, bệnh viện, cơ sở rèn luyện thể dục thể thao...nhưng qua 8 năm hoạt động quỹ đã bị Ngân hàng nhà nước đưa ra cảnh báo nợ xấu cao gấp 20 lần mức cho phép.

Nợ xấu cao gấp 20 lần cho phép

Theo Thông tư số 139/2007/TT-BTC ngày 29/11/2007 của Bộ Tài Chính hướng dẫn cơ chế tài chính của Quỹ đầu tư phát triển địa phương nhằm mục đích hỗ trợ về vốn cho những dự án mang tính xã hội hóa như: Xây dựng trường học, cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở rèn luyện thể dục thể thao, các dự án áp dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp nông thôn, nhằm phục vụ vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn giúp ổn định đời sống dân cư nông nghiệp, các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng có sinh lợi....

Quỹ đầu tư phát triển Đắk Nông được thành lập ngày 23 tháng 3 năm 2010 với vốn điều lệ 100.000.000.000 (một trăm tỷ đồng) và chính thức đưa vào hoạt động kể từ 01 tháng 4 năm 2010 cho đến nay.

Hội đồng quản lý Quỹ đầu tư phát triển Đắk Nông gồm các thành viên là đại diện có thẩm quyền của UBND tỉnh Đắk Nông, Sở Tài chính, sở Kế hoạch và đầu tư, Ngân hàng nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh và một số thành viên khác. Chủ tịch, Phó chủ tịch và các thành viên của Hội đồng quản lý Quỹ do Chủ tịch UBND tỉnh bổ nhiệm và miễn nhiệm.

Hiện nay Chủ tịch của quỹ này là Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông ông Nguyễn Bốn.

Văn bản số 2738/TTGSNH4 của Ngân hàng nhà nước Việt Nam cảnh báo mức nợ xấu của quỹ ở mức 59,2%.

Kể từ ngày bắt đầu đa vào thành lập đến nay Quỹ đầu tư phát triển Đắk Nông vẫn hoạt động theo Quy chế Quản lý tài chính của Hội đồng quản lý quỹ. Tại Chương II, Mục 1, Điều 4, Quy chế quản lý tài chính của Quỹ đầu tư phát triển tỉnh Đắk Nông đã quy định về Nguyên tắc sử dụng vốn như sau:

Sử dụng vốn đúng mục đích, đúng đối tượng và có hiệu quả.
Thu hồi kịp thời vốn gốc và lãi để đảm bảo hoàn vốn và bù đắp chi phí.
Đáp ứng yêu cầu thanh toán thường xuyên của quỹ

Quy định của Hội đồng quản lý là vậy, nhưng đến ngày 23 tháng 8 năm 2017, Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng thuộc Ngân hàng nhà nước Việt Nam đã có Văn bản số 2738/TTGSNH4 về việc cảnh báo an toàn hoạt động đối với Quỹ đầu tư phát triển tỉnh Đắk Nông có nợ xấu rất cao lên đến 59,2% tổng dư nợ (Theo Quy định của Ngân hàng nhà nước Việt Nam nợ xấu ở mức 3% là phải đưa vào diện theo dõi đặc biệt).

Đến ngày 20/10/2017, chi nhánh Ngân hàng nhà nước tại Đắk Nông cũng có văn bản số 604/ĐNO-TTGSNH về việc cảnh báo an toàn hoạt động đối với Quỹ đầu tư và phát triển Đắk Nông nhưng lãnh đạo tỉnh và Quỹ vẫn chưa có động thái gì?

Văn bản số 46/BC-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Nông chỉ ra nợ xấu của Quỹ quá cao.

Trong văn bản số 46/BC-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Nông ngày 31 tháng 8 năm 2018 về kết quả khảo sát của Hội đồng nhân dân tỉnh đối với tình hình hoạt động của Quỹ đầu tư phát triển tỉnh Đắk Nông từ khi thành lập đến hết năm 2017 thể hiện ở Mục V.2 về những tồn tại, hạn chế của quỹ.

Nguyên nhân chủ quan: Quỹ đầu tư phát triển lựa chon một số dự án cho vay và thực hiện công tác thẩm định các hồ sơ cho vay đầu tư thiếu chặt chẽ, chưa đánh giá kỹ năng lực tài chính của các doanh nghiệp dẫn đến việc cho vay có tỷ lệ nợ xấu cao, khó thu hồi và góp vốn thành lập doanh nghiệp chưa hiệu quả.

Chia sẻ của nhà chuyên môn về Định chế tài chính có liên quan

Sau khi nhận được văn bản và thông tin trên, PV đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Quang Hưng - Chánh Thanh tra Ngân hàng nhà nước Chi nhánh Đắk Nông, ông Hưng cho biết: “Sau khi nhận được thông báo của Thanh tra Ngân hàng nhà nước Việt Nam về vấn đề cảnh báo nợ xấu của Quỹ đầu tư phát triển Đắk Nông quá cao, gấp gần 20 lần cho phép chúng tôi cũng đã có văn bản số 604/ĐNO- TTGSNH ngày 20 tháng 10 năm 2017 về việc Cảnh báo an toàn hoạt động đối với Quỹ đầu tư phát triển Đắk Nông. Trong đó chúng tôi cũng đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế và hướng khắc phục cho quỹ”.

Trự sở của Quỹ đầu tư phát triển tỉnh Đắk Nông

Trao đổi thêm về vấn đề này, một lãnh đạo Ngân hàng Agribank chi nhánh Đắk Lắk chia sẻ: Về hoạt động cho vay và thu hồi nợ của ngân hàng nợ xấu trong toàn ngành ngân hàng đến nay chỉ khoãng 0,58%, ngân hàng nào tháng sau nợ xấu cao hơn tháng trước mà dưới 1% thì ngân hàng nhà nước đã cảnh báo. Cao hơn thì có thể bị thanh tra giám sát, hoặc có thể đề nghị thay đổi người đứng đầu hoặc Hội đồng quản trị, thậm chí sẻ có công ty mua bán nợ vào mua để giải quyết và cũng có thể tuyên bố phá sản theo luật phá sản mới hiện nay.

Về Quỹ đầu tư phát triển Đắk Nông này mức nợ xấu 59,2% là mức quá cao nên Bộ tài chính, Ngân hàng nhà nước Việt Nam, UBND tỉnh cần có những giải pháp để chấn chỉnh quỹ này.

Văn bản số 604 của Ngân hàng nhà nước Việt Nam chi nhánh Đắk Nông ngày 20/10/2018 gửi Quỹ ĐTPT

Pháp luật Plus sẽ tiếp tục thông tin.

Chí Kiên - N.A - Thế Hùng

Nguồn Pháp Luật Plus: http://phapluatplus.vn/quy-dau-tu-phat-trien-tinh-dak-nongtro-thanh-quy-no-xau-d81162.html